Chuyển ngành, trường học: Tránh tâm lý 'đứng núi này trông núi nọ'

Nhập học chưa đầy 1 tháng nhưng nhiều tân sinh viên đã 'nhấp nhổm' chuyển ngành, trường học.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: Sỹ Điền

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: Sỹ Điền

Muôn màu lý do

Trúng tuyển vào ngành Thiết kế đồ họa của Trường ĐH FPT nhưng Nguyễn Cao Nguyên ở Nam Định đang có ý định chuyển sang ngành Kinh tế một trường đại học ngoài công lập. “Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, em chưa tìm hiểu kỹ ngành nghề đào tạo. Thứ nữa, nhà em thuộc diện khó khăn nên em sợ không đủ điều kiện để học hết 4 năm tại trường này. Em đang tính rút hồ sơ để xin nộp sang trường khác có chính sách ưu tiên về học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”, Cao Nguyên chia sẻ.

Khác với Cao Nguyên, Trần Phương Thúy trúng tuyển vào ngành Xã hội học nhưng thâm tâm lại thích học ngành Tâm lý học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Phương Thúy đủ điểm trúng tuyển vào 2 ngành này nhưng “trót” xác nhận nhập học ngành Xã hội học để “chắc suất” vào đại học. Hiện, nữ sinh vẫn lăn tăn và mong muốn được học ngành Tâm lý học. “Nếu không được chuyển ngành, em sẽ học hết năm thứ nhất, sau đó chuyển sang ngành Tâm lý học”, Phương Thúy bộc bạch.

Thực tế cho thấy, không ít sinh viên chọn ngành học nhưng chưa thực sự hiểu về ngành đó nên việc xin chuyển ngành, trường học đôi khi là do cảm tính, ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) nhìn nhận và khuyến cáo, tân sinh viên nên bình tĩnh, tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định chuyển ngành, trường học. Đặc biệt, cần tránh tâm lý “đứng núi nọ trông núi kia”, vì có một số trường hợp, chuyển ngành rồi, sau đó xin quay lại ngành học ban đầu.

Đồng quan điểm, TS Cao Xuân Liễu - Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, sinh viên không nên nóng vội hoặc quyết định cảm tính, chạy theo phong trào. Các em cần trau dồi kỹ năng, làm quen môi trường giáo dục đại học và lựa chọn phương pháp học tập một cách chủ động, tích cực. Các em nên xây dựng mục tiêu, kế hoạch học tập và tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm… nhằm nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử.

Để hạn chế tình trạng sinh viên phải chuyển đổi ngành học khi vào đại học, PGS.TS Phạm Văn Bổng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, cần làm tốt khâu tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh THPT. Theo đó, các trường THPT cần phối hợp với cơ sở đào tạo tổ chức tư vấn chuyên sâu việc lựa chọn ngành, trường học cho học sinh lớp 12. Việc này cần được làm bài bản, khoa học, tránh hình thức và lan man.

 Sinh viên Trường ĐH Anh quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Anh quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC

Điều kiện cần và đủ

Năm nào cũng có sinh viên muốn chuyển sang ngành học khác. Nêu thực trạng, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, có thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không phải nguyện vọng yêu thích nhất. Cũng có em “đặt nhầm” nguyện vọng, lựa chọn sai ngành học. Ngoài ra, có sinh viên chưa biết cách sắp xếp thứ tự các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển…

Theo TS Thái Doãn Thanh, nếu ngành muốn chuyển đã đủ chỉ tiêu hoặc có điểm chuẩn cao hơn thì sinh viên sẽ tiếp tục học ngành đã trúng tuyển hoặc tìm một ngành khác còn chỉ tiêu, có điểm chuẩn tương đương hoặc thấp hơn. Trường hợp không thể chuyển do không đủ điều kiện, thì sang năm thứ 2 sinh viên có thể đăng ký học song ngành hoặc dùng học bạ để xét tuyển lại vào ngành mình yêu thích.

Ngoài ra, xét chuyển ngành học cho sinh viên phải căn cứ vào Quy chế đào tạo trình độ đại học, ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Thông tư 08) và quy chế đào tạo của nhà trường.

Thông tư 08 quy định, sinh viên được xem xét chuyển sang học chương trình, ngành đào tạo khác khi có đủ các điều kiện sau: Không phải là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định; sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo tại trụ sở chính (hoặc phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh.

Ngoài ra, điều kiện để sinh viên được chuyển ngành là, cơ sở đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) phải có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, việc chuyển ngành được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo và của hiệu trưởng cơ sở đào tạo.

Đối với trường hợp được chuyển nơi học, cơ sở đào tạo, ngoài các điều kiện giống như xét chuyển ngành học thì sinh viên cần đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến; nơi chuyển đến có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT; được sự đồng ý của hiệu trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi và cơ sở đào tạo xin chuyển đến.

“Sinh viên được xem xét chuyển từ đào tạo theo hình thức chính quy sang vừa làm, vừa học hoặc đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định đối với hình thức chuyển đến”, TS Thái Doãn Thanh viện dẫn.

TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) khuyến nghị, các trường THPT cần quan tâm hơn đến công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Tân sinh viên không nên lựa chọn hoặc quyết định theo cảm tính. Ngành học nào cũng cần có thái độ học tập nghiêm túc và nỗ lực hết mình.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-nganh-truong-hoc-tranh-tam-ly-dung-nui-nay-trong-nui-no-post701304.html