Chuyện nghề của những người lái xe cứu thương

Cùng với lực lượng y, bác sĩ, những người lái xe cứu thương cũng có vai trò rất quan trọng trong việc 'chạy đua với tử thần' để cứu sống sinh mạng cho người bệnh. Đằng sau tay lái, họ chịu áp lực không hề nhỏ bởi vừa phải lái xe nhanh để đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, vừa đảm bảo an toàn cho những người trên xe. Song không phải ai cũng hiểu được vất vả của nghề này!

 Tài xế lái xe cứu thương phun khử khuẩn xe sau khi vận chuyển bệnh nhân - Ảnh: T.T

Tài xế lái xe cứu thương phun khử khuẩn xe sau khi vận chuyển bệnh nhân - Ảnh: T.T

Hễ có cuộc gọi là lên đường

Ngày thường, chỉ thi thoảng tôi mới bắt gặp một vài xe cứu thương lưu thông vội vã trên đường. Hẳn ai cũng muốn những chiếc xe cứu thương nằm yên một chỗ trong các bệnh viện, trung tâm y tế. Bởi, không ai mong ốm đau, bệnh tật đến với mình và người thân trong gia đình. Song, từ khi COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đến nay, tần suất xe cứu thương xuất hiện trên đường lớn đến các hẻm nhỏ ngày càng nhiều hơn. Đằng sau tay lái của những chiếc xe ấy là những khuôn mặt luôn căng thẳng, tập trung tối đa để hoàn thành nhiệm vụ “chạy đua với tử thần”.

Một buổi sáng mưa lạnh trung tuần tháng 2, tôi gặp anh Hồ Sỹ Cường (sinh năm 1970) tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Gio Linh. Anh Cường vừa hoàn thành chuyến xe chở các y, bác sĩ đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại các xã. “Tôi hành nghề lái xe từ những năm 90 của thế kỷ trước và lái xe cứu thương tại TTYT huyện hơn 10 năm nay. Công việc của người lái xe cứu thương là vận chuyển bệnh nhân từ tuyến xã lên hoặc từ TTYT lên tuyến trên.

Nghề lái xe vốn đã vất vả, lái xe cứu thương thì càng phải chú ý nhiều hơn. Bởi vì, lái xe vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách thì chỉ cần đảm bảo đến đúng tuyến và an toàn, còn lái xe cứu thương thì phải đảm bảo 2 yếu tố là vừa phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người trên xe. Đối với bệnh nhân cấp cứu thì chỉ cần đến bệnh viện nhanh hơn 1 phút là tăng thêm cơ hội sống sót cho người bệnh rồi”, anh Cường mở đầu câu chuyện.

Anh Cường kể, nghề lái xe cứu thương không có thời gian làm việc cố định, không biết khi nào sẽ nhận nhiệm vụ mới, chỉ cần có cuộc gọi điều động của cấp trên là lập tức lên đường. Vì thế, anh luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng và giữ cho mình sức khỏe tốt, tỉnh táo để vận hành phương tiện.

Với kinh nghiệm lái xe cứu thương hơn 17 năm, anh Nguyễn Bình Minh (sinh năm 1982) cũng là tay lái “cứng” của TTYT huyện Gio Linh. Từ khi vào nghề tới nay, nhờ kỹ năng lái xe tốt và đức tính cẩn thận nên anh chưa để xảy ra va chạm hay tai nạn trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. “Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và y, bác sĩ trên xe, tôi luôn tập trung tối đa và cẩn trọng khi lái. Mỗi thao tác dù là nhỏ nhất cũng phải chú ý vì có thể gây ra hậu quả khôn lường. Mặc dù xe cứu thương được ưu tiên khi lưu thông trên đường nhưng tôi ít khi vượt đèn đỏ, chỉ vượt khi chở bệnh nhân cấp cứu”, anh Minh trải lòng.

Mười mấy năm nay, anh Minh không thay số điện thoại, cũng không bao giờ để điện thoại hết pin. Lý do mà anh kể là “Nhỡ có ai gọi mình để vận chuyển bệnh nhân mà không được thì áy náy lắm!”. Khi được hỏi về những kỷ niệm vui trong nghề, anh Minh chia sẻ: “Mặc dù nghề này rất áp lực, nhiều khi công việc quá tải, nhưng tôi luôn thấy vui vì giúp được nhiều người vượt qua bạo bệnh, mạnh khỏe trở về nhà. Nhiều người sau khi bình phục đã nhắn tin, viết thư để cảm ơn tôi và các y, bác sĩ. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ”.

Đóng góp thầm lặng trong công tác phòng, chống dịch

Từ khi COVID-19 bùng phát tại Quảng Trị, đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu phải căng mình phòng, chống dịch. Xã hội ghi nhận và tri ân công lao to lớn của các lực lượng phòng, chống dịch. Song, ít ai biết rằng, những người lái xe cứu thương cũng đóng góp rất lớn trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Hiếm hoi lắm anh Lê Anh Khoa (sinh năm 1991), lái xe cứu thương tại TTYT TP. Đông Hà mới có thời gian rảnh để nghỉ ngơi, nhâm nhi tách trà nóng với đồng nghiệp. Từ khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thành phố đến nay, hầu như anh Khoa và đồng nghiệp ít có thời gian dành cho bản thân và gia đình. “Từ khi có COVID-19, ngoài nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân cấp cứu lên tuyến trên, chúng tôi còn phải vận chuyển, hỗ trợ y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương; vận chuyển các F0, F1 đến nơi cách ly hoặc các khu điều trị. Mặc dù trên xe có vách ngăn nhưng chúng tôi luôn tuân thủ quy định mặc đồ bảo hộ y tế khi lái xe, phun khử khuẩn trước và sau khi chở bệnh nhân hoặc F1 để đảm bảo an toàn tối đa”, anh Khoa nói.

Trước đây, khi chưa có quy định F0 và F1 được điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà, những người lái xe cứu thương phải vận chuyển F0, F1 đến nơi cách ly, điều trị trong ngày đối với những trường hợp đã có quyết định. Có những ngày số ca F0 và F1 tăng cao nên tài xế lái xe cứu thương phải làm việc hết công suất, thậm chí đến một, hai giờ sáng mới hoàn thành nhiệm vụ. Sáng sớm hôm sau, họ lại có mặt ở TTYT để tiếp tục chuỗi ngày làm việc căng thẳng. “Nay, F0, F1 nếu đủ điều kiện thì vẫn có thể điều trị, cách ly tại nhà. Tuy nhiên, đối với những người có triệu chứng, bệnh nền hoặc gia đình không đủ điều kiện cách ly thì vẫn phải đến các bệnh viện, TTYT để theo dõi, điều trị y tế. Với những trường hợp này, chúng tôi và các y, bác sĩ phải đến đón tại nhà và liên hệ với các khu cách ly, điều trị để họ chuẩn bị trước”, anh Khoa kể. Vợ anh Khoa là điều dưỡng của TTYT thị xã Quảng Trị nên thời gian vợ chồng anh ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Lúc cao điểm của dịch, anh Khoa và vợ phải xa con cả tháng trời. Biết là nhớ thương khôn tả nhưng vì nhiệm vụ cao cả nơi tuyến đầu, họ lặng thầm giấu đi những nỗi niềm riêng.

Vừa hoàn thành chuyến xe vận chuyển các bệnh nhân F0 đến nơi điều trị y tế, anh Bùi Quang Hiếu (sinh năm 1990), lái xe cứu thương của TTYT TP. Đông Hà nhanh chóng phun khử khuẩn trong và ngoài xe để đảm bảo an toàn. “Chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc “5K”, mặc đồ bảo hộ khi lái xe, phun khử khuẩn toàn bộ xe và trang thiết bị trước và sau khi vận chuyển bệnh nhân. Vừa đảm bảo an toàn cho mình vừa an toàn cho mọi người”, anh Hiếu bộc bạch. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ “tài xế”, nhiều lần anh Hiếu hỗ trợ y, bác sĩ đưa bệnh nhân cấp cứu, F0 sức khỏe yếu đến tận phòng bệnh. Với sức vóc thanh niên và sự tận tâm, anh Hiếu phần nào giúp công việc của kíp trực nhanh chóng hoàn thành.

Những ngày tháng 2, COVID-19 diễn biến phức tạp, số F0 trong cộng đồng tăng cao nên tài xế lái xe cứu thương hằng ngày rong ruổi trên các cung đường, ngõ hẻm để chở y, bác sĩ đi lấy mẫu xét nghiệm. Không quá khi nói thời gian họ ở trên xe nhiều hơn ở nhà. Lái xe cứu thương là nghề vất vả, áp lực và lặng thầm đóng góp vào công cuộc chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng, chống dịch bệnh. Song, những tài xế mà tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện đều rất khiêm tốn khi nói về mình, về nghề. Với họ, đó là việc nên làm và cần làm. Để rồi, mỗi khi thấy bệnh nhân bình phục trở về nhà, họ lại thầm vui và lấy đó làm động lực để tiếp tục nỗ lực trong công việc.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=165242&title=chuyen-nghe-cua-nhung-nguoi-lai-xe-cuu-thuong