Chuyện người canh giữ 'mắt thần' ngoài hải đảo

Với mong muốn được thắp sáng ngọn hải đăng dẫn đường cho những người đi biển và góp phần canh giữ biển trời Tổ quốc, anh Vũ Duy Minh (quê Hải Phòng) đã lựa chọn theo học và làm việc tại trạm hải đăng. Tính đến nay, anh đã có thâm niên 25 năm làm việc tại các trạm hải đăng thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Những trạm hải đăng ngoài hải đảo được ví như “mắt thần” giữa biển trời mênh mông, nó không chỉ giúp các hoa tiêu trên biển định hướng và tìm đường mà còn góp phần khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những “mắt thần” ấy không bao giờ tắt bởi nó được thắp sáng từ tình yêu nghề và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của các cán bộ, nhân viên Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo (thuộc Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam), trong đó có anh Vũ Duy Minh, người đã 25 năm gắn bó với 8/9 trạm hải đăng ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Anh Vũ Duy Minh, Trạm trưởng trạm hải đăng Trường Sa lớn đang miệt mài với công việc lau chùi đèn

Anh Vũ Duy Minh, Trạm trưởng trạm hải đăng Trường Sa lớn đang miệt mài với công việc lau chùi đèn

Tham gia chuyến công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra kiểm tra, thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với anh Vũ Duy Minh, Trạm trưởng trạm hải đăng Trường Sa lớn. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đối với anh đó chính là vẻ ngoài rắn rỏi, dạn dày sương gió nhưng rất tình cảm và nhiệt huyết với nghề.

Mặc dù đã ngoài 50 tuổi nhưng anh vẫn luôn cần mẫn với công việc, linh hoạt xử lý mọi vấn đề chuyên môn trong điều kiện, môi trường làm việc khắc nghiệt. Đặc biệt, những công việc nội trợ, tăng gia sản xuất cũng được anh làm rất chỉn chu, hiệu quả.

Khi nghe chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ, anh cười lớn và chia sẻ: “Tất cả là do hoàn cảnh tạo nên đấy! Mọi người nhìn xem, ở trên trạm chỉ có mấy người đàn ông với nhau, nếu không tự làm những công việc nội trợ như quét dọn, nấu nướng, giặt giũ... thì ai làm. Mọi thứ anh em trên trạm đều phải chủ động, làm nhiều rồi cũng thành quen. Còn về công việc chuyên môn thì chúng tôi đã được đào tạo nghề và tập huấn thường xuyên nên luôn đảm bảo yêu cầu của công việc, mọi tình huống phát sinh đều có thể xử lý được”.

Anh Minh cũng cho biết, 25 năm gắn bó với nghề, anh đã làm việc tại 8/9 trạm hải đăng thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Trường Sa Lớn, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử. 25 năm trôi qua đủ để anh cảm nhận được những khó khăn, gian khổ nhất là khi quanh năm làm việc giữa nơi ngàn trùng gian khó, sóng gió bốn mùa và đặc biệt là thiếu thốn tình cảm gia đình.

“25 năm làm nghề canh giữ “mắt thần” ngoài hải đảo, có khó khăn, gian khổ nào mà chưa từng trải qua nào là giông bão bập bùng, nắng cháy da và gió rát mặt hay giữa đêm tối vẫn phải leo lên đỉnh cao cột đèn để lau chùi, bảo dưỡng, sửa chữa, nào là thiếu thốn thực phẩm, nước ngọt… Những khó khăn đó giờ cũng đã vơi đi khi mọi chế độ cho người lao động cũng như vấn đề an toàn lao động đều được công ty bảo đảm.

Nhưng có một điều mà dù có rắn rỏi, mạnh mẽ đến đâu, tôi cũng không thể nào vượt qua, đó là sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhiều khi vợ đau, con ốm, cha mẹ già yếu mà không thể bên cạnh chăm sóc, thăm nom, hay những ngày lễ tết không được sum họp bên gia đình, người thân… chỉ nghĩ đến thôi mà nước mắt đã trực trào” – anh Minh bày tỏ.

Trạm hải đăng Trường Sa lớn nơi anh Minh đang làm việc

Trạm hải đăng Trường Sa lớn nơi anh Minh đang làm việc

Khó khăn, gian khổ và thiếu thốn tình cảm là thế nhưng chưa khi nào anh chùn bước, dù trong hoàn cảnh nào anh và đồng nghiệp vẫn luôn gắn bó, chia sẻ, động viên nhau và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ cho “mắt thần” luôn sáng. Bởi với những người canh giữ “mắt thần”, mỗi nhịp đèn chớp nháy chính là nhịp thở, sự sống của họ và khi hải đăng sáng chính là chủ quyền biển đảo được khẳng định và giữ vững.

Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề, anh Minh nói: “Tôi vẫn luôn nghĩ chính nghề này đã chọn tôi. Trước đây, gia đình tôi làm nghề tàu biển nên tôi hiểu được tầm quan trọng của ánh đèn hải đăng. Do vậy, tôi đã chọn một hướng đi riêng cho mình, đó là theo học và làm việc tại trạm hải đăng để được thắp sáng ngọn đèn dẫn đường cho những người đi biển như cha ông, anh em tôi”.

Nói về động lực giúp bản thân luôn gắn bó với nghề, anh Minh nở một nụ cười hiền hậu, đôi mắt anh ánh lên niềm tin: “Mới đó mà đã 25 năm gắn bó với các trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa và chắc chắn sẽ còn nhiều năm nữa. Động lực của tôi trước hết là tình yêu với nghề, là niềm tự hào khi được góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài ra, gia đình cũng chính là điểm tựa vững chắc giúp tôi yên tâm làm việc. Thêm một động lực nữa là sự đoàn kết, sẻ chia của đồng nghiệp, sự quan tâm chăm lo của công ty và tình cảm giữa các đơn vị trên đảo với nhau đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Lắng nghe những chia sẻ rất đỗi chân thành, mộc mạc của anh Minh, chúng tôi càng thêm khâm phục những hi sinh thầm lặng và nghị lực của anh, đồng thời hiểu hơn về cuộc sống, công việc của những người canh giữ “mắt thần” ngoài hải đảo. Chia tay nhau để tiếp tục chuyến hải trình, chúng tôi trao gửi anh những cái bắt tay và chiếc ôm thật chặt cùng niềm tin tưởng rằng an toàn của những người đi biển sẽ được đảm bảo khi những “mắt thần” vẫn tỏa sáng.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-nguoi-canh-giu-mat-than-ngoai-hai-dao-102545.html