Chuyện người đi tìm nấm mối ở Ðức Linh

Gần chục năm nay ở Đức Linh 'Đi ăn nấm' cũng đã thành một nghề mang tính thời vụ. Có những người coi việc tìm nấm như một nghề có thu nhập. Còn một số khác xem như là một thú săn chơi. Vì vậy sau những cơn mưa đầu mùa người đi tìm nấm mối đông như đi hội.

Nấm mối mọc nhiều ở rừng cao su và rẫy điều. Đức Linh có khoảng gần 5.000 ha cao su, 7.500 ha đất điều là nơi thuận lợi cho nấm mối sinh trưởng. Anh Toản -Mô tơ người được xem là tay sát cá và là tay ăn nấm mối chuyên nghiệp. Đầu mùa này, ngay mấy cây mưa đầu tiên anh mang về cả giỏ cần xé, trọng lượng khoảng 10 ký nấm ước tính giá đầu mùa khoảng 650.000 – 700.000 đồng/kg. Anh bán một nửa, nửa còn lại đem tặng người một ít ăn lấy hên. Tối đó anh tổ chức với bạn ăn mừng mùa nấm mối bắt đầu.

Không gặp được anh Toản, tôi gặp Quân, một trong những người say nấm mối kể: Toản là người tỉ mỉ, cẩn trọng và chuyên nghiệp, rất khác với những người tìm nấm khác. Không ăn xổi, ở thì. Mùa nấm năm trước gặp những điểm nấm mối mọc, hái nấm xong Toản chụp hình, đánh dấu, ghi ngày giờ ngầm tính chuyện mùa sau. Quân nói khi đào nấm phải dùng cây gỗ. Kị nhất là dùng các loại dụng cụ bằng kim loại (dao, cuốc, xẻng…) vì năm sau nấm mối sẽ không mọc lại ở đó nữa. Vì vậy tay Toản rất chăm chút dụng cụ đào mối của mình. Anh có cả bộ sưu tập cây đào nấm làm nó bằng đủ loại gỗ trắc cứng, láng, vừa tay và đẹp. Khi đào nấm cũng không được đào xới sâu quá, như thế làm hỏng tầng đất mà nấm mối sinh trưởng. Chuẩn bị cho mùa nấm mối mới anh thường đi thăm những nơi được đánh dấu, có khi anh tủ thêm lá khô lên đó để lá ải vào ngày nắng, mục khi mưa nhằm tạo độ mùn, độ ẩm cho nấm mọc mà việc tủ lá còn là chiêu để giữ bí mật nơi có nấm. Bắt đầu những cơn mưa đầu mùa anh đã bắt đầu đi thăm. Nên khi chưa ai biết có nấm mọc thì anh đã có những thu hoạch đầu.

Khi chính thức vào vụ người ăn nấm và người nhà đem lều, võng, mì tôm vào rừng để canh và kiếm. Nấm mối thường nhú mọc về đêm, sáng ra là đã lên cao vài phân. Theo người bán thì nấm có 3 loại: Nấm đinh, đây là loại nấm vừa ló lên mặt đất, chất lượng nhất, giá bây giờ khoảng 600.000 - 700.000 đồng/kg. Nấm dù: Tức là cái mũ đinh xòe ra như cái tán dù. Loại này giá 400.000 - 500.000 đồng/kg. Còn nấm nở, tức là cây nấm đã nở bung, giá khoảng 200.000 đồng/kg. Vì lý do giá và chất lượng nấm nên người ta vào rừng lúc đầu đêm để tìm. Anh Toản phân chia người nhà theo khu vực rồi khi thu hoạch được là tranh thủ cho người đưa về chợ ngay vì cây nấm sau 24 giờ là nở và tàn hết sẽ mất giá.

Quân kể: nhiều người nghĩ mùa nấm mối là đi tìm lai rai cả tháng, nhưng chính thức có 3 lần nấm rộ, vấn đề là phải biết thời điểm mà tìm. Người sành nghề thường tìm đụn mối, cạy một miếng nhìn vào ổ thấy có mối cám trắng li ti nhìn vệt keo sẫm màu nước bọt trên đất để biết độ men mà tính biết được ngày nấm mọc để chực chờ.

Quân còn kể: Thằng cha đó ngửi được mùi đất, mùi nấm. Đêm tối như bưng đang đi cha bỗng dừng lại hít hít nhìn vùng cây mà đoán được có nấm mối hay không. Có lần ngồi ăn trưa, cha bỏ chén nhìn chăm chăm con cuốn chiếu (loại ở rừng to như cọng rau muống, khác với loại ở nhà thường thấy). Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Toản nói: Các loại côn trùng rất thích nấm. Con cuốn chiếu cũng thế. Nó bò và đến cuộn tròn ở điểm nào, nhưng mà phải có kinh nghiệm kết hợp nhìn chất đất nữa. Sáng mai vào kiểm tra ở đó thế nào cũng có nấm. Sáng hôm sau theo hướng dẫn của Toản, kiểm tra chỗ con cuốn chiếu, đúng như thần nói…

Bây giờ đang mùa nấm, hai bên đường ngã ba Cây Sung xã Đức Hạnh, chợ xép sau khu nhà thờ Võ Đắt người bán, người mua nấm mối đông vui. Người ta còn đón trước chặn đầu rừng su để gom hàng mang vào thành phố Hồ Chí Minh bỏ mối. Có người mùa ăn nấm thu được cũng cả năm, bảy chục triệu.

Người thành nghề thì khỏi nói nhưng người coi việc đi tìm nấm mối như là một thú vui, nhất là ngày hè này các thầy giáo rảnh rỗi cũng bon chen tìm nấm. Thành ra đêm vào rừng cao su ánh đèn, tiếng xe của người đi ăn nấm mối dập dìu. Có hàng trăm chuyện kể về người đi tìm nấm. Có người cứ cắm đầu soi đèn tìm, khi ngẩng lên thì mất luôn phương hướng. Có người lạc sang cả đất Đồng Nai. Vậy là lạc 2 chục cây số chứ không ít. Có nhóm người lạc không tìm được đường về loay hoay chờ sáng. Sáng ra thì thấy mình đang đứng cách khu dân cư vài trăm mét, thế là ôm bụng cười lăn rồi khổ sở quay vào rừng tìm chỗ đã giấu xe máy. Cũng phải đi 7- 8 cây. Còn cả chuyện rộn rịp mở cuộc bánh xèo nấm mối. Đàn ông đì tìm nấm mối từ lúc đầu đêm. Mấy bà vợ ở nhà đi xay bột, chuẩn bị khuôn, bếp, than củi và các thứ như rau cùng gia vị. Các ông về khi nấm mối nhiều thì ok. Nếu thiếu nấm các bà lại lon ton đi mua bù thêm cho đủ tiệc. Bánh xèo nấm mối cũng là một món ngon. Tiếng xèo xèo đỗ bánh, tiếng oang oang kể chuyện đi tìm nấm của mấy ông và tiếng của đám trẻ lăng xăng vui cả một góc quê…

Rất nhiều, nhiều lắm chuyện đi ăn nấm vui mà cười ra nước mắt.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-nguoi-di-tim-nam-moi-o-uc-linh-109719.html