Chuyện người liệt nữ Nam tiến làng Vĩnh Lộc

Chị Đinh Kế Thị Tường Vi - Làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (tên mới là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình là người phụ nữ trẻ nhất, đầu tiên của quê hương Quảng Bình tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp. Khi mới 16 tuổi, theo truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu cùng Lời hiệu triệu cứu nước của Cụ Hồ, chị tự nguyện tòng quân 'Nam tiến' đợt 1 (cuối năm 1946). Sau gần 5 năm chiến đấu trên mặt trận nóng bỏng và ác liệt nhất ở Thừa Thiên Huế - Chiến khu Ba Lòng (Phân khu Bình Trị Thiên), năm 1951 khi vừa tròn 20 tuổi, chị Tường Vi đã anh dũng hy sinh tại Phong Thu (Phong Điền), dâng trọn tuổi thanh xuân đẹp nhất trong cuộc đời cho non sông đất nước.

Chân dung liệt sỹ Đinh Kế Thị Tường Vi.

Chân dung liệt sỹ Đinh Kế Thị Tường Vi.

Trên chiến khu Ba Lòng

Người con gái mà Đại tá Lê Phương nói đến trong Hồi ký “Trên chiến khu Ba Lòng” (Tác phẩm mới công bố gần đây); bị giặc giết trong một trận càn, đó là chị Đinh Kế Thị Tường Vi, con gái cụ Đinh Kế Tác - Người làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (tên cũ là huyện Quảng Trạch), tỉnh Quảng Bình.

Đây là đoạn văn trích từ trong thiên hồi ký ấy: “Tôi cảm phục người bạn gái cùng quê đã anh dũng chống lại bọn lính gian ác khi chúng toan hãm hiếp chị. Chị đã bị bắn chết trên bãi cát, với thân thể lõa lồ, tang thương”.

Đoạn hồi ký kể về cuộc càn quét của giặc Pháp trên vùng rừng núi có tên Phong Thu, thuộc Phân khu Bình Trị Thiên năm 1951, được ông Lê Phương viết bằng cả trái tim yêu thương đồng chí đến nao lòng và hờn căm chất chứa bởi sự dã man của giặc khiến trời xanh cũng phải quặn đau. Hồi ký của người chiến sỹ “trong cuộc”, nóng bỏng đến ngày nay:

“Tôi nhớ đến mùa chiến dịch, cùng cán bộ cơ quan về xuôi đi chiến đấu. Lúc này, tôi không trực tiếp cầm súng nhưng không phải ở mãi sau trận tuyến. Chúng tôi phải “nhanh như điện”, chuyển tải những mệnh lệnh chiến đấu, những lời động viên của cấp trên, những tờ báo theo sau gót người chiến sỹ. Cùng ém quân phục kích đoàn xe lửa trên cầu Mỹ Chánh, đánh ở Liêm Công Tây, Liêm Công Đông. Chiến dịch Lê Lai, Phan Đình Phùng đều có mặt. Trong cuộc chiến đấu đó, tôi đã bị thương, nhỏ giọt máu đào cho Tổ quốc. Tôi nhớ trận địch lùng ở Phong Thu (huyện Phong Điền – Thừa Thiên), vì sơ hở mà của mất người hy sinh. Cả cơ quan bị bao vây như trong một cái túi. Trên trời máy bay, sau lưng quân bộ, dưới sông ca nô.

Chúng tôi, những người lính văn phòng, không một tấc sắt để chống cự; chỉ kịp tiêu hao tài liệu, công văn. Mở đầu trận lùng, bọn giặc trên máy bay bắn bị thương đồng chí Dung nằm cách tôi một thước. Tiếng Dung gọi: “Phương ơi, tao bị thương rồi”! Trong tay không có một cuộn băng nào, phải mau chóng đưa Dung vào nấp trong bụi rồi xé áo băng bó cho bạn.

Tôi cảm phục người bạn gái cùng quê đã anh dũng chống lại bọn lính gian ác khi chúng toan hãm hiếp chị. Chị đã bị bắn chết trên bãi cát, với thân thể lõa lồ, tang thương. Tôi mến thương người chị gái nuôi quân (lâu ngày quên mất tên), lấy thân mình che đạn cho mẹ con một cháu bé. Chị hy sinh cách tôi không đầy một cánh tay.

Giờ phút nguy cấp, tiếng loa của giặc rõ dần, không còn cách nào khác là vứt hết đồ đạc, chôn tài liệu và bơi qua sông. Sông không rộng, nhưng nước chảy mạnh. Tôi cố lấy hết sức bơi sang đến bờ thì kiệt sức, nằm sóng sượt. Tiếng ca nô của địch ầm ầm, các đồng chí đều phải chạy, hướng thẳng lên rừng, sau lưng đạn bay như mưa.

Sau trận lùng ấy, mỗi người chỉ sót lại chiếc quần đùi mặc trên người, bụng thì đói, cắn răng thoát hiểm tìm về căn cứ. Các đơn vị bạn mở cuộc “lạc quyên” giúp đỡ chúng tôi, cùng nhường cơm xẻ áo. Chúng tôi lại bắt tay xây dựng nhà cửa. Lao động quần quật suốt ngày. Trận lụt năm 1951 phá hoại ghê gớm tài sản của đồng bào. Bình Trị Thiên đã nghèo lại nghèo thêm, đã khổ lại khổ thêm. Bao kho gạo dự trữ cho kháng chiến bị ngập.

Gạo ngâm nước lụt lâu ngày phơi khô mốc ẩm, lên men. Nấu cơm lên thối đến nỗi cho chó chó chê, cho lợn lợn không ăn. Cơm nấu xong, xới ra trên lá môn quạt hết hơi đến nguội để bớt thối. Thế nhưng, mấy hôm đầu không ai ăn được. Cái đói giày vò, cái bụng bắt phải nuốt, công việc bắt phải ăn, nhắm mắt nhắm mũi mà đút vào mồm. Anh em ăn vào đi lỏng, ra toàn vỏ gạo (vì gạo chưa xát). Dần dần bụng chúng tôi cũng phải quen với loại cơm đáo để này và đành phải “làm bạn” với nó hàng tháng trời.

Ăn uống như thế, nên nhiều đồng chí đã “quỵ xuống” vì mệt nhọc, vì sốt rét... Gạo đã thiếu thuốc càng thiếu hơn. Lên cơn sốt rét thì đắp chăn mà run. Có được viên thuốc quinine vàng liền hòa ra hàng lít nước để chia nhau.

Trong gian nan mới thật thương nhau. Tình đồng chí xây bằng máu. Cứ mỗi lần đồng chí nào về xuôi lên mang theo được lon gạo nếp, không nỡ ăn một mình, mà mượn cái nồi to đổ thật nhiều nước, nấu cháo húp mỗi người một bát.

Gian khổ, đói rét không làm chúng tôi lung lay, lòng vẫn lạc quan tin tưởng. Những ngày ở chiến trường Bình Trị Thiên thực sự là “trường học” rèn luyện thử thách, đào tạo nên người chiến sỹ. Song cũng có những kẻ hèn nhát, tham sống sợ chết, dao động hoang mang, không chịu nổi đã đầu hàng giặc”.

Người đồng đội trong trận càn Phong Thủ của thực dân Pháp - ông Lê Phương. Trong ảnh: Đại đội trưởng Lê Phương (trái) cùng đồng đội trên Cầu Thê Húc (đền Ngọc Sơn) trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Người đồng đội trong trận càn Phong Thủ của thực dân Pháp - ông Lê Phương. Trong ảnh: Đại đội trưởng Lê Phương (trái) cùng đồng đội trên Cầu Thê Húc (đền Ngọc Sơn) trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Chị Đinh Kế Thị Tường Vi trong đoạn văn trích, được kể lại chân thực và vô cùng kiệm lời, nhưng đủ để hiển hiện lên hình ảnh chị là một nữ “Anh hùng liệt sỹ” khá tiêu biểu: Kiên trinh, bất khuất, hy sinh anh dũng đến giọt máu cuối cùng giữa bầy lang sói; chị quyết không thể cho chúng làm nhục nhằm giữ nguyên phẩm tiết của người con gái tuổi xanh, hiến dâng trọn vẹn cuộc sống tươi đẹp nhất cho Tổ quốc lúc lâm nguy.

Ngay sau khi trận càn xảy ra tại Phong Thu 1951, tổ chức và đoàn thể hồi ấy cũng đã nắm rõ vì sao chị Tường Vi hy sinh. Nhiều vị lão thành tham gia kháng chiến chống Pháp cùng thời Đại tá Lê Phương và chị Tường Vi, hiện vẫn còn nhớ chi tiết về sự hy sinh của người nữ điệp báo này: Chị Đinh Kế Thị Tường Vi là người trực tiếp quản lý và sử dụng điện đài trong đơn vị, nên khi bị giặc vây chặt tứ phía, theo phản ứng nghiệp vụ của công tác (cơ yếu) mà chị đã được huấn luyện (người “đặc trách” điện đài), chị phải mau chóng hủy máy móc cùng mọi tài liệu liên quan (“Tôi nhớ trận địch lùng ở Phong Thu, vì sơ hở mà của mất người hy sinh. Cả cơ quan bị bao vây như trong một cái túi. Trên trời máy bay, sau lưng quân bộ, dưới sông ca nô. Chúng tôi - những người lính văn phòng - không một tấc sắt để chống cự; chỉ kịp tiêu hao tài liệu, công văn”).

Vào thời đó (1950 - 1951), phương tiện vô tuyến điện đài quân sự kết cấu còn khá cồng kềnh và rất nặng; vật liệu gần như 100% sắt thép có độ bền chắc cao... Bình thường, người có sức khỏe phá được cỗ điện đài loại này cũng rất khó. Vì thế thời gian để cho chị thực hiện xong nhiệm vụ đương nhiên bị kéo dài hơn so mọi chiến sỹ khác, khiến cơ hội phá vòng vây thoát địch là vô cùng ngặt nghèo.

Chị Tường Vi phải dồn mọi khả năng, sức lực để quyết phá hủy bằng được phương tiện thông tin chỉ huy chỉ trong mười lăm phút nguy cấp. Đó là chiến công rất có ý nghĩa của công tác bảo mật trên chiến trường. Chiến công này thực sự đặc biệt so với sức lực của một người con gái bé nhỏ trong hoàn cảnh tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Do đó, chị Tường Vi bị sa vào tay giặc là điều cực kỳ khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhờ có chiến công của chị mà sau trận càn, mọi tài liệu bí mật của cơ quan Phân khu bộ Bình Trị Thiên đã không bị rơi vào tay giặc; thế trận trên toàn tuyến Chiến khu Thừa Thiên - Ba Lòng (Quảng Trị) - Tây Quảng Bình những ngày tiếp theo vẫn được giữ vững.

Là một phụ nữ đẹp, tuổi mới 20 – 21, căng phồng nhựa sống; bọn giặc như bầy quỷ dữ, không thể bỏ qua cơn khát thú tính cùng sự hung ác tột độ, chúng đã dùng sức mạnh tập thể cưỡng bức hãm hiếp chị. Chúng lột trần quần áo người con gái ngọc ngà, nhưng rõ ràng không thể nào thực hiện được sự đồi bại vì chị Tường Vi ngoan cường chống trả quyết liệt. Dầu biết sẽ chết, chị quả cảm bảo vệ đến cùng phẩm tiết của mình. Vì thế lũ quỷ cay cú cùng bản chất hung bạo, liền xả súng bắn chết người con gái trung dũng, kiên cường của quê hương Vĩnh Lộc chúng ta.

Theo hồi ký "Trên Chiến khu Ba Lòng" của ông Lê Phương, trận càn phục kích này của giặc Pháp, đơn vị ông hy sing mất 2 nữ đồng chí và 1 chiến sỹ nam bị thương. Rõ ràng gương hy sinh của “người bạn gái cùng quê”,“người chị gái nuôi quân lấy thân mình che đạn cho mẹ con một cháu bé” và của “đồng chí Dung” (bị thương) là vô cùng anh dũng, rất điển hình trong chiến tranh. Ở khía cạnh này, các anh chị đã chiến thắng cả đội quân hung hãn của giặc để hoàn thành sứ mạng của người chiến sỹ vệ quốc “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.

Đại đội trưởng Lê Phương – người đồng đội của liệt sĩ Đinh Kế Tường Vi

Đại đội trưởng Lê Phương – người đồng đội của liệt sĩ Đinh Kế Tường Vi

Đoạn hồi ký của Đại tá Lê Phương (trích dẫn) ngắn gọn, hàm súc nhưng lột tả được hiện thực bi tráng về cái chết oanh liệt của hai nữ Liệt sỹ trong sự nghiệp cứu nước và cách mạng của nhân dân ta thời kỳ kháng chiến chống Pháp; khiến người đọc hôm nay phải quặn lòng vì quá xot xa... Chắc chắn hai chị sẽ còn sống mãi trong ký ức của nhiều thế hệ con cháu cũng như quê hương xứ sở. “Tôi mến thương người chị gái nuôi quân (lâu ngày quên mất tên), lấy thân mình che đạn cho mẹ con một cháu bé. Chị hy sinh cách tôi không đầy một cánh tay” - Càng đau đớn bội phần, vì Đại tá Lê Phương còn không thể nhớ lại nổi tên người nữ đồng chí ấy (chuyện xẩy ra từ năm 1951, hồi ký được viết năm 1959). Quá đau, quá thương cảm vì sự hy sinh mất mát đến tột cùng! Một Nữ Anh hùng “vô danh”!

Lời kể của cựu Phó Chủ nhiệm Việt Minh xã Vĩnh Trạch

Ông Đinh Duyệt, năm nay 95 tuổi – Cán bộ Tiền Khởi nghĩa, Huy hiệu 65 tuổi Đảng (2012), nguyên Chuyên viên Cao cấp công tác tại Tòa án nhân dân Tối cao; hiện nghỉ hưu tại quê nhà là thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (huyện Quảng Trạch cũ), tỉnh Quảng Bình; khi được tiếp xúc Hồi ký "Trên chiến khu Ba Lòng" của em trai vợ mình (Bà Lê Thị Toán) là Đại tá Lê Phương, nguyên sỹ quan công tác tại Cục Chính trị Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến ngày nghỉ hưu), lòng bồi hồi xúc động nhớ lại:

Chị Đinh Kế Thị Tường Vi là một cô nữ sinh hiếm hoi thời đó ở vùng quê nghèo Vĩnh Lộc, được bọ mạ (cha mẹ) gửi vào Kinh đô Huế cho ăn học và chị đã học thêm một nghề “thời thượng” lúc đó là đánh máy chữ cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Thế rồi cuối năm 1946, Pháp núp bóng quân Anh trở lại đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định và cả Nam bộ. Hưởng ứng “Lời Hiệu triệu cứu nước” ngày 20 tháng 12 năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đêm hôm trước 19/12/1946, chiến sự bùng nổ - mở đầu Ngày “Toàn quốc kháng chiến”), chỉ trong 2 tháng cuối năm 1946 - đầu năm 1947, nhân dân Thẻ Làng (chỉ riêng Giáp Đông) đã có 3 đợt nam nữ thanh niên xung phong “Nam tiến” để cùng quân dân Nam bộ đánh giặc.

Đợt “Nam tiến” đầu tiên, có 4 anh chị em, trong đó có chị Đinh Kế Thị Tường Vi. (Thẻ Làng: tục danh; tên chữ là “Thị Lang” có từ thời Nhà hậu Lê, đời sau đổi thành: làng “Vĩnh Khang”, rồi “Vĩnh Lộc”. Riêng Làng Vĩnh Lộc phía Bắc sông Hòa Ninh gọi là “Giáp Đông”, không bao gồm “Xóm Vụng”; một phần làng Vĩnh Lộc ở phía Nam sông Hòa Ninh, gọi là “Giáp Đoài”).

Cụ Đinh Duyệt - Chủ tịch Việt Minh xã Ninh Trạch (có thôn Vĩnh Lộc)

Cụ Đinh Duyệt - Chủ tịch Việt Minh xã Ninh Trạch (có thôn Vĩnh Lộc)

Ông Đinh Duyệt nhớ lại như in, hình ảnh cô em gái nhỏ nhắn, tóc dài, nước da trắng nõn nà nhưng bặm trợn khi lên vị trí diễn giả để tranh luận với đám thanh niên cũng đang hừng hực khí thế “Nam tiến”. Khi mấy cán bộ Việt Minh thấy rõ mồn một chị Tường Vi là cô gái còn quá nhỏ tuổi (chị là bạn học với anh Lê Phương - sinh năm 1932, so các anh cùng đăng ký “Nam tiến” đợt I này ít hơn ngót chục tuổi), thân hình lại "liễu yếu đào tơ", dứt khoát không tiếp nhận và để chị kê khai lý lịch cũng như viết quyết tâm bày tỏ nguyện vọng lên đường...; chị Đinh Kế Thị Tường Vi liền “nhảy phốc” lên cướp lời mọi người, với giọng vô cùng dõng dạc, dứt khoát:

“Ông cha ta đã dạy rồi, giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh. Tui (tôi) tuy là “đàn bà con gái” nhỏ tuổi, nhỏ người nhưng ăn thua là ở cái tinh thần đánh giặc cứu nước chứ không phải vì con gái hay tuổi nhỏ, người nhỏ mà bỏ qua”. Thế là không ai còn cản được chị Đinh Kế Thị Tường Vi lên đường “Nam tiến” cùng 3 trai làng khác là anh Đinh Xuân Dật (tên trong Bằng Tổ quốc ghi công: Liệt sỹ Đinh Thụy Sơn), Nguyễn Đăng Khoa và Đinh Như San.

Lê Quang Vinh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chuyen-nguoi-liet-nu-nam-tien-lang-vinh-loc-367039.html