Chuyện nhà A Sùng

Nhà còn năm người, bốn người mặc váy, chỉ có A Sùng là người đàn ông duy nhất trong nhà. Mọi việc nặng nhọc đều chất lên vai chàng trai gần ba mươi tuổi.

A Sùng như con lừa, hùng hục, lầm lì, ai hỏi câu nào trả lời nhát gừng câu ấy. Lặng lẽ làm, lặng lẽ ăn, lặng lẽ ngủ… mặc kệ mọi người rủ nhau xuống chợ phiên, thanh niên kéo nhau đi múa khèn, giúp nhau kéo con gái về làm vợ. A Sùng buồn chán vì nhà nghèo, có lôi được con gái về thì cũng không có tiền để cưới. Cũng có nhiều đứa con gái thích A Sùng, vì A Sùng khỏe mạnh, múa khèn, thổi sáo hay nhất thôn nên được mọi người gọi là Sùng Khèn.

A Sùng ưng Seo Hoa lắm. Xinh xắn, khéo tay, hay làm. Nhiều đêm trăng sáng, A Sùng đến sau vách nhà Seo Hoa thổi sáo tỏ tình. Vì chưa có tiền nên chưa hẹn Seo Hoa xuống chợ để múa khèn, kéo về làm vợ. Cái khèn treo trên vách nứa đã lâu A Sùng không động tới, tơ nhện chăng đầy. Tại sao nhà A Sùng lại nghèo để bố và anh trai A Sùng phải bỏ xác trong rừng sâu làm ma đói, ma khát, chị dâu và hai đứa cháu phải chịu cảnh mất chồng, mất bố. A Sùng thương chị dâu, thương hai đứa cháu, muốn bù đắp cho chị dâu và hai cháu. Không phải khi anh chết rồi A Sùng mới thương chị dâu. Trước đó, A Sùng cũng rất thích Seo Mỷ - tên chị dâu, nhưng là em phải nhường anh. Bây giờ anh không còn nữa, A Sùng muốn cùng chị dâu xây tổ ấm. Có lần, A Sùng thử lòng chị dâu, ném cái áo của mình vào giường chị dâu nhưng bị chị dâu vứt ra.

Hủ tục xa xưa đã bỏ lâu lắm rồi. Thôi kệ, làm chú cũng như cha, khi nào có tiền A Sùng sẽ kéo Seo Hoa về ở chung một nhà với chị dâu và các cháu cũng được. Nhiều đêm, nằm nghĩ cách kiếm tiền cưới vợ không ngủ được, A Sùng ra đầu thôn, đến khoảng đất rộng, nơi con trai trong thôn vẫn thường ra múa khèn, A Sùng nằm trên tảng đá cạnh đó, nhìn lên trời mây xám xịt, thở dài thườn thượt, tự hỏi sao nhà A Sùng lại cùng cực đến thế để bây giờ A Sùng là người cây cột còn lại chống đỡ căn nhà xiêu vẹo nép mình bên sườn núi đá nhiều hơn đất. Cứ thế này, nhà A Sùng chẳng bao giờ hết nghèo.

A Sùng không quên những đêm bất thường xảy ra trong nhà mình. Có lần cả nhà đang ngủ thì có ánh đèn pin, tiếng chân bước đến trước cửa nhà, rồi gọi:

- Có ai trong nhà ra mở cửa!

A Sùng choàng dậy, chạy ra rút chốt. Ba bộ đội biên phòng bước vào. Một người hỏi:

- Bố và anh của A Sùng có ở nhà không?

- Đi kiếm tiền rồi!

- Kiếm tiền ở đâu?

- Không biết!

Hai bộ đội khác soi đèn pin khắp nhà. Mẹ và chị dâu A Sùng nhìn nhau lo lắng. Không thấy người và thứ cần tìm, các anh bộ đội dặn A Sùng thấy bố và anh về thì báo cho bộ đội hoặc công an biết. Cả nhà A Sùng không hiểu tại sao đêm hôm khuya khoắt bộ đội còn đến nhà tìm hai người làm gì. Mấy tháng trước, lúc cả nhà ăn cơm, bố A Sùng bảo là đi kiếm tiền để làm lại nhà, A Sùng cưới vợ, mua những thứ như mấy nhà khác trong thôn. Bố A Sùng định làm gì để có tiền thì A Sùng không biết. Từ đó, vài ngày, có khi cả tháng, bố A Sùng mới về nhà đưa cho mẹ A Sùng ít tiền rồi lại đi luôn. Một tối khuya, bố A Sùng về, gọi anh trai A Sùng đến ngồi bên bếp nói chuyện rất lâu. Khi con gà trống vỗ cánh cất tiếng gọi sáng, bố và anh ra khỏi nhà, lủi nhanh vào màn sương mịt mù. Sau hôm đó, A Sùng thấy rất lạ, bố và anh về nhà thất thường, lại về vào ban đêm, trước khi vào, ra khỏi nhà trông trước, ngó sau, như sợ có người nhìn thấy, khi trời chưa sáng đã vội ra khỏi nhà. A Sùng lờ mờ hiểu rằng bố và anh đang làm việc xấu nên phải chui lủi như thế. A Sùng hỏi mẹ, hỏi chị dâu nhưng cả hai người cũng không biết. A Sùng âm thầm theo dõi nhưng cũng chẳng biết gì hơn.

Lại một lần, có lẽ khuya lắm rồi. Gió rét thốc qua khe liếp nghe ù ù làm A Sùng thức giấc. Kéo chăn trùm kín đầu định ngủ tiếp, bỗng A Sùng nghe tiếng chân chạy, tiếng đập cửa gấp gáp, qua cách đập cửa, A Sùng biết là bố về. A Sùng ra mở cửa. Bố A Sùng thở hổn hển ào vào, gọi mẹ A Sùng dậy đưa cho một cái ba lô căng phồng bảo giấu kỹ rồi vội lẻn đi. Sáng hôm sau, tò mò, A Sùng leo lên gác cởi ra xem trong ba lô có thứ gì mà bố dặn mẹ giấu. Gói trong bộ quần áo lấm lem của bố là hơn chục gói màu trắng được bọc dán ni lông cẩn thận. A Sùng đoán đây là ma túy, vì nhiều lần đã được nghe người ta nói với nhau về thứ hàng nhanh có tiền nhưng chết người này. Thì ra, bố và anh của A Sùng vận chuyển cho bọn người buôn bán cái này. Nguy hiểm quá! Nhớ lời các anh công an dặn, A Sùng phải khuyên bố và anh không được liều lĩnh nữa. Trong thôn đã có người biệt tích, có người đi tù về việc này. Những nhà có người như thế chằng giàu lên được mà còn mất người, tan cửa, nát nhà. Nghĩ thế, A Sùng định bụng khi nào bố và anh về sẽ lựa lời khuyên nhủ.

Đến đêm thứ ba kể từ hôm bố A Sùng chạy về nhà giấu ma túy, A Sùng nghe tiếng đập cửa khác thường. Biết không phải bố hay anh, cũng không phải bộ đội hay công an, A Sùng bật dậy, tay lăm lăm con dao phát ra mở cửa. Hai người đàn ông lạ mặt nhảy bổ vào làm cánh cửa đập vào mặt A Sùng đau điếng. Soi mói khắp nhà rồi hỏi A Sùng:

- Bố mày giấu cái ba lô ở đâu?

- Tôi không biết!

- Gọi mẹ, chị dâu mày ra đây!

A Sùng chưa kịp gọi thì mẹ và chị dâu đã từ trong buồng ngủ đi ra. Người lạ dằn giọng:

- Cái ba lô để ở đâu?

- Không có! - Mẹ A Sùng trả lời.

- Con mụ này muốn chết hả? Tao hỏi lần nữa: Cái ba lô đâu?

Một thằng rút khẩu súng ngắn dắt sau lưng chĩa vào đầu mẹ A Sùng, thằng còn lại quàng tay ôm cổ, dí con dao nhọn vào cuống họng chị dâu.

A Sùng run bắn lên, buông con dao phát, nhảy đến đứng chắn trước mặt thằng cầm súng:

- Các ông đi mà hỏi bố và anh tôi ấy. Sao không thấy bố và anh tôi về?

- Bố mày chạy trốn bị ngã xuống vực chết rồi!

- Còn anh tôi?

- Anh mày phải đi làm việc khác. Mấy hôm nữa sẽ mang nhiều tiền về cho nhà mày! Cái ba lô đâu?

- Không được làm ác! Tôi đi lấy!

A Sùng trèo lên gác quăng cái ba lô xuống cho chúng:

- Của các ông đây. Bố tôi ngã chết sao các ông không mang xác về để nhà tôi làm ma?

- Chúng tao cũng phải chạy như bố mày. Mày muốn có nhiều tiền thì theo bọn tao!

- Theo các ông để chết à! Tôi không theo!

Bọn chúng kiểm tra xong, trước khi đi còn hăm dọa:

- Phải biết giữ mồm. Không được nói cho ai biết việc này. Nếu lộ ra, cả nhà mày sẽ chết!

Từ hôm đó, cả nhà A Sùng nơm nớp lo sợ. Bố làm ma đói trên rừng rồi, còn anh A Sùng không thấy về nhà. Nếu báo công an chúng sẽ giết cả nhà. Phải nghĩ cách để anh không theo bọn nó nữa mà cả nhà vẫn yên ổn.

Một đêm mưa rả rích, cả nhà chìm trong giấc ngủ, A Sùng trở dậy định ra bếp rít thuốc lào thì nghe tiếng đập cửa. A Sùng sợ hãi, co rúm người. Tiếng đập cửa càng gấp. A Sùng mở cửa. Một người trùm kín mặt, ướt sũng bước vội vào. Bỏ trùm mặt ra, A Sùng nhận ra anh trai run rẩy ra hiệu cho A Sùng không được làm mọi người thức giấc. Ngồi bên bếp lửa, anh nói qua kẽ răng:

- Tao chạy trốn bọn nó. Lần này tao đi không về nhà được nữa. Tao đi rồi, mày giao cái này cho công an, nói là tao chết rồi!

Anh đưa cho A Sùng một bọc ni lông và mấy tập tiền, dặn A Sùng không được nói cho ai biết chuyện này, kể cả mẹ và chị dâu. A Sùng chưa kịp nói câu nào thì anh nhấc chai rượu tu một hơi rồi vội vã đứng lên lủi ra khỏi nhà. A Sùng vào buồng giấu các thứ anh vừa đưa.

Nằm trên giường, A Sùng nghĩ: Con đường kiếm tiền của bố và anh không phải con đường lành mà là con đường chết chóc. Cái gói anh đưa cho A Sùng chắc chắn là ma túy. Nếu A Sùng đem bán gói này thì được nhiều tiền lắm đấy. Nhưng bán ở đâu, bán cho ai thì A Sùng không biết. Không được! Nếu không giao cho công an, bọn chúng tìm đến như lần trước sẽ không tha cho cả nhà, vì anh A Sùng đã bỏ trốn! A Sùng sẽ giao cho công an và kể hết những việc A Sùng biết để công an bảo vệ nhà A Sùng.

A Sùng chưa kịp thực hiện lời dặn của anh và suy nghĩ của mình thì một đêm mờ mịt sương, nghe có tiếng chân ngoài cửa, A Sùng sợ hãi vờ ngủ say để không phải ra mở cửa. Không thấy tiếng đập cửa như mọi lần, A Sùng mò dậy thấy khe cửa có mảnh giấy, mở ra xem, trên giấy nghuệch ngoạc dòng chữ: Anh mày bị chúng nó giết rồi, đang định đến giết cả nhà mày đấy, liệu mà trốn đi! A Sùng rụng rời chân tay, vội ra khỏi nhà chạy đến nhà trưởng thôn gặp hai anh công an đang làm nhiệm vụ vận động quần chúng ở đó kể lại toàn bộ sự việc. Nghe xong, hai công an bảo A Sùng cứ về nhà như không có chuyện gì xảy ra, các anh sẽ có phương án bảo vệ gia đình. Về nhà, A Sùng chui vào buồng thấp thỏm lo sợ. Rầm! Cánh cửa bị đạp tung. A Sùng chưa kịp chạy ra thì thấy ba tên hùng hổ nhảy vào nhà, A Sùng nhận mặt một tên lần trước, chúng dồn A Sùng, mẹ, chị dâu cùng hai đứa cháu ra giữa nhà, lăm lăm dao, súng. Một tên dằn giọng nói với A Sùng:

- Anh mày làm phản, bị bọn tao bắn chết rồi. Bây giờ đến lượt nhà mày. Mày có biết anh mày có đem về nhà thứ gì không? Mang ra đây, bọn tao tha cho! Nếu không bọn tao giết hết, rồi đốt luôn cái nhà này!

- Chúng mày nói thật chứ?

- Bọn tao hứa đấy!

A Sùng vào buồng mang cái bọc giao cho chúng. Bọn chúng hí hửng xúm lại kiểm tra. Bất ngờ công an, bộ đội biên phòng cùng dân quân xã ập vào. Cả bọn bị bắt cùng tang vật. A Sùng lấy mấy tệp tiền giao nốt cho công an.

Mấy tháng sau, mọi người thấy A Sùng vai khoác túi đựng công văn, báo chí, ngồi trên chiếc xe máy lượn khắp các thôn, bản trong xã. Từ ngày được các anh công an xin cho làm bưu tá, do địa bàn xã miền núi rộng, nên xã trang bị cho A Sùng “con ngựa” ăn xăng để đi lại cho nhanh và tiện lợi. Được tin tưởng giao việc, A Sùng hoạt bát hẳn lên, không lầm lì như trước nữa, nói cười oang oang. Nhờ cái miệng khéo nói, múa khèn giỏi, thổi sáo hay, cái tên Sùng Khèn lại được mọi người nhắc đến. Nhờ vụ thảo quả được mùa, được giá, A Sùng cưới Seo Hoa làm vợ.

Nhà A Sùng vào diện hộ nghèo nên được nhà nước làm cho căn nhà mới, không phải ở cái nhà lụp xụp ẩm ướt nữa. Từ khi có các anh công an chính quy về xã trực tiếp làm nhiệm vụ, người dân đã giác ngộ nhiều, không có ai lén lút đi vận chuyển, buôn bán ma túy, mà đã biết đi con đường sáng. Cái ác không còn rình rập. Từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, đường giao thông đến các thôn được mở rộng sạch đẹp, trường học, trạm y tế, trụ sở xã được xây dựng khang trang. Nhà nào cũng có điện sáng trưng. Nhiều nhà mua ti vi, xe máy, xây nhà gạch kiên cố… Nhà A Sùng đã có thêm “đàn ông”. Thằng con trai của A Sùng đã biết bập bẹ gọi bà, gọi bố mẹ.

A Sùng tự nhắc mình nhất định không được để mất niềm hạnh phúc đã có. A Sùng thấy đời mình, đời người dân xã vùng cao, biên giới vui hơn trước rất nhiều rồi!

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360976-chuyen-nha-a-sung