Chuyện nhặt ở xứ Bạch Dương

Nơi thành phố Xanh-Petecbua của xứ sở Bạch Dương vào chiều thu, bất chợt hiện ra khung hình chẳng thể lẫn vào đâu được của nữ dân quân Yên Vực, Nam Ngạn xứ Thanh được tay máy lão luyện của báo Tiền Phong ghi lại, đã trở thành hình ảnh điển hình cho tinh thần bất khuất của quân dân xứ Thanh một thời đạn bom.

Gặp “Đi trực chiến” ở công viên lịch sử

Gắn bó với lĩnh vực công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của báo Tiền Phong, tôi may mắn đôi lần đến với đất nước Nga. Nơi Xanh-Petecbua vào chiều thu tháng 10/2019, tôi cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chương trình Diễn đàn thanh niên Việt - Nga sau những khoảng thời gian trải nghiệm, giao lưu văn hóa... đã đến tham quan triển lãm ảnh “Quan hệ Nga - Việt”. Triển lãm được trưng bày trong tòa nhà tọa lạc ở Công viên lịch sử, và ứng dụng công nghệ “ảo” trình chiếu, giới thiệu các hình ảnh, hiện vật.

 Quốc kỳ Việt Nam tung bay tại Festival 19. Ảnh: Xuân Tùng

Quốc kỳ Việt Nam tung bay tại Festival 19. Ảnh: Xuân Tùng

Theo những cú lướt tay nhẹ của hướng dẫn viên trên màn hình cảm ứng, nhiều hiện vật, xuất hiện hình ảnh gắn liền với tình hữu nghị, sự viện trợ giúp đỡ của Nga - Liên Xô đối với Việt Nam xuất hiện. Bất chợt một khung hình quen: “Đi trực chiến”. Chẳng thể lẫn vào đâu, nhân vật ảnh - cô dân quân Nguyễn Thị Hiền - tiểu đội trưởng dân quân thôn Yên Vực (Nam Ngạn, Thanh Hóa) đầu đội nón, vai quàng súng, bước đi vững chãi và đôi mắt quay lại nhìn qua vai phải... Đó là một trong những khung hình đặc sắc trong gia tài nhiếp ảnh đa dạng và phong phú của cố nghệ sĩ, nhà báo Mai Nam (tên thật Nguyễn Hữu Thống).

“Đi trực chiến” được nghệ sĩ Mai Nam bấm máy vào năm 1966, và đoạt Huy chương Đồng trong cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức tại Bungari năm 1967, về sau trở thành hình ảnh điển hình cho tinh thần bất khuất của quân dân Hàm Rồng, Thanh Hóa làm nên những chiến công huyền thoại. “Đi trực chiến” được lựa chọn làm ảnh bìa cuốn sách “Một thời hào hùng” tập hợp một số hình ảnh dân quân, thanh niên xung phong... của nghệ sĩ Mai Nam ghi lại trong thời gian làm phóng viên báo Tiền Phong tiếp cận, hòa nhập với nhịp sống hào hùng của lớp thanh niên khoảng từ năm 1960 đến năm 1975.

 Gặp tác phẩm “Đi trực chiến” của cố nghệ sĩ Mai Nam tại triển lãm Quan hệ Việt - Nga, năm 2019. Ảnh: Xuân Tùng

Gặp tác phẩm “Đi trực chiến” của cố nghệ sĩ Mai Nam tại triển lãm Quan hệ Việt - Nga, năm 2019. Ảnh: Xuân Tùng

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành từng chia sẻ, vào tháng 9/2014, khi nghệ sĩ Mai Nam giới thiệu bức ảnh “Đi trực chiến” và những ảnh khác của ông tại Trung tâm Triển lãm ảnh Báo chí Quốc tế ở Perpignan (Pháp) công chúng Pháp hỏi: “Sao ảnh của ông và các bạn Việt Nam bày ở đây nhiều phụ nữ tham chiến thế, và lại có nhiều nụ cười như vậy”. Nghệ sĩ Mai Nam chia sẻ: “Tôi là phóng viên báo Tiền Phong, đối tượng thể hiện của tôi là thanh niên. Họ luôn lạc quan, tin tưởng mình sẽ chiến thắng. Các bạn biết đấy, nam thanh niên ra chiến trường, còn lại ở hậu phương là phụ nữ, sản xuất và chiến đấu. Hơn nữa tôi rất yêu phụ nữ, họ là điểm tựa của mọi chiến thắng...”.

Cùng với cảm nhận về sự đôn hậu, gần gũi về bậc tiền bối qua một số lần được gặp, câu nói “Tôi là phóng viên báo Tiền Phong, đối tượng thể hiện của tôi là thanh niên" của nghệ sĩ, nhà báo Mai Nam đã tiếp thêm nhiều cảm hứng, khích lệ đối với một phóng viên gắn bó với hoạt động Đoàn và giới trẻ, như tôi.

Tiếp nối việc của người Tiền Phong

Cũng trong tiết lạnh cuối thu trên xứ sở Bạch Dương, tôi đã đến thành phố Sochi khi theo đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Festival Thanh niên thế giới lần thứ 19. Điều thú vị và cuốn hút tôi tác nghiệp không chỉ bởi quy mô sự kiện mà cảm thấy niềm vinh dự trở thành một phần của việc tiếp nối chuyển tải thông tin về Festival đã được khởi đầu ngay từ số báo đầu tiên ra đời của Tiền Phong tại Bản Dõn năm 1953. Đó là Festival lần thứ 4 diễn ra tại Bucaret (Rumani) với sự tham gia của 30.000 đại biểu đến từ 111 quốc gia. Đặc biệt, số báo đầu tiên ấy có ảnh về thanh niên Việt Nam gặp gỡ thanh niên thế giới ngay ở trang nhất. Tiền Phong khi đó là tờ báo duy nhất ở Chiến khu Việt Bắc có in ảnh.

Festival 19 khởi đầu bằng hoạt động diễu hành với sự tham gia của các đoàn đại biểu thanh niên đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam với đồng phục áo xanh, giương cao cờ đỏ sao vàng, hình ảnh quốc huy, Bác Hồ kính yêu... Sắc màu và khí thế sôi nổi của đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam nhận được sự chú ý, lời đề nghị chụp ảnh lưu niệm của nhiều bạn trẻ quốc tế. Nhiều đại biểu đã cùng hòa ca lời bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", hô vang "Việt Nam, Hồ Chí Minh!".

Giữa không gian lộng gió và khí thế ấy, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng lớn bay phần phật, dẫn đầu đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tiến về trung tâm đã thu hút ống kính máy ảnh của phóng viên tác nghiệp tại sự kiện. Người cầm cờ Tổ quốc dẫn đầu đoàn là anh Giàng Quốc Hưng - khi đó là Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai (nay là Bí thư huyện Mường Khương, Lào Cai), nét mặt rạng rỡ nhưng đã phải gồng cả người để giữ vững lá cờ và tiến bước. Tôi đã không tiếc “shot” để ghi lại hình ảnh của đoàn Việt Nam và gửi những khung hình “Quốc kỳ Việt Nam tung bay ở Festival thanh niên, sinh viên thế giới 19” cùng bài viết đăng trên báo in và báo điện tử của Tiền Phong. May mắn, hình ảnh ấy đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) thể loại ảnh báo chí, của Giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi do T.Ư Đoàn năm 2018.

 Tác giả bài viết gặp bà Aleida Guevara March - con gái của Che Guevara, tại Sochi năm 2019.

Tác giả bài viết gặp bà Aleida Guevara March - con gái của Che Guevara, tại Sochi năm 2019.

...Trong lịch hoạt động của đoàn Việt Nam tại Festival 19 có chương trình gặp gỡ, giao lưu văn nghệ với đoàn đại biểu Cuba. Tiếng sóng biển và gió lạnh ạt ào từ Biển Đen như làm đậm thêm những giai điệu rực lửa đậm chất Latin và sự nồng ấm đoàn kết Việt Nam - Cuba, Viva Việt Nam, Viva Cuba. Xuất hiện bên cạnh những bạn trẻ đang bày tỏ sự nhiệt huyết ấy, có một phụ nữ lớn tuổi với mái tóc bạc cài xước gọn gàng và được giới thiệu là bà Aleida Guevara March - con gái của huyền thoại Che Guevara.

Hình ảnh của huyền thoại Che Guevara với khuôn mặt kiên quyết và mái tóc dài nép dưới chiếc mũ nồi nổi tiếng thế giới, không chỉ thành biểu tượng mà còn gắn với nhiều đồ lưu niệm và không gian triển lãm của nhiều đoàn tại Festival. Thông tin con gái của Che Guevara nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên trong đoàn Việt Nam. Qua phiên dịch của cậu đồng nghiệp từng du học ở Cuba, tôi giới thiệu cơ quan đang làm việc và chia sẻ đã “gặp” bà tham dự Festival lần thứ 17 diễn ra tại Nam Phi, trong một bài viết đăng trên báo Tiền Phong năm 2010.

Chia sẻ về cảm nhận, tình cảm khi đoàn đại biểu hai nước gặp nhau, bà Aleida Guevara March cho biết vẫn vẹn nguyên một tình yêu đối với Việt Nam; vẫn tìm đọc sách báo viết về Việt Nam, cập nhật thông tin để hiểu thêm về sự đổi thay của đất nước Việt Nam anh hùng. Cũng ở chương trình giao lưu ấy, tôi đã gặp nữ Bí thư Thành Đoàn La Havana có tên Mai Linh - nhân vật trong một bài viết “Chuyện chép ở Cuba” của nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong. Qua phiên dịch và câu chuyện của thành viên trong đoàn, nữ cán bộ Đoàn Thanh niên Cuba ấy gửi lời hỏi thăm và lời chào tới nhà báo Lê Xuân Sơn.

Với phận sự của một phóng viên, tôi đã tiếp nối công việc của nhiều thế hệ người Tiền Phong chuyển tải hoạt động về thanh niên.

Với những dòng giới thiệu ngắn ở triển lãm về bức ảnh “Đi trực chiến” ấy, như một phản xạ, tôi liền quay sang giới thiệu với những thành viên trong đoàn, cũng như để thêm thông tin gửi đến nam hướng dẫn viên và một số đại biểu thanh niên Nga.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-nhat-o-xu-bach-duong-post1587013.tpo