Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Có thể nói, một trong những vấn đề người dân quan tâm nhiều nhất trong thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) chính là việc giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng ngừa bệnh.

Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thực hành rửa tay đúng cách để phòng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Công Nghĩa

Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thực hành rửa tay đúng cách để phòng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Công Nghĩa

Trong những ngày qua, thông qua cổng thông tin của Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông, người dân nắm được những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.

* Nâng cao ý thức giữ vệ sinh để phòng bệnh

Theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế, nếu không sống hoặc không đến các vùng dịch bệnh ở Trung Quốc và không tiếp xúc với những người bị ảnh hưởng, hãy lưu ý thông tin mới nhất về dịch bệnh và chỉ cần giữ gìn sức khỏe bằng những cách sau: bảo đảm chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm thông thường; tránh sờ vào mắt, mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay có cồn.

Những biện pháp phòng bệnh được WHO và Bộ Y tế nêu khá cụ thể, dễ hiểu, ai cũng có thể làm được đã giúp người dân yên tâm, bình tĩnh hơn trong phòng chống dịch bệnh. Từ những thông tin này đã tác động rất lớn đến việc nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Nhiều người đã chủ động đeo khẩu trang đến nơi công cộng như: chợ, siêu thị, rạp chiếu phim...; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Các cửa hàng, quán ăn có trang bị thêm những bồn rửa tay, có kèm theo xà phòng hoặc nước sát khuẩn...

Đây là những việc làm đơn giản nhưng khá hữu hiệu trong phòng ngừa bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm như các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, đau mắt đỏ... Tuy nhiên, trước đó không phải ai cũng có thói quen giữ vệ sinh cá nhân như vậy. Một số người nói đùa, nhờ dịch bệnh Covid-19 mà có người trước đây không bao giờ rửa tay sau khi đi vệ sinh thì hiện nay, vì sợ dịch bệnh mà không đi vệ sinh cũng rửa tay.

* Duy trì những thói quen tốt

Để tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của người dân thì vai trò của truyền thông rất quan trọng. Các kênh truyền thông đã kịp thời đưa ra những khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó có việc chỉ ra những sai lầm trong phòng chống dịch bệnh.

Qua đó đã có tác động tích cực để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích trong giữ gìn vệ sinh cá nhân trong thời dịch bệnh nhằm giúp bản thân phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc tránh lây lan bệnh trong cộng đồng.

Vứt bỏ khẩu trang bừa bãi sẽ bị xử phạt

Trước tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, gây nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị xử lý hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định với mức xử phạt từ 3-7 triệu đồng (theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít người chưa bỏ được các thói quen xấu như: khạc nhổ bừa bãi; vứt rác (trong đó có khẩu trang đã qua sử dụng) ra nơi công cộng; không rửa tay bằng xà phòng khi chế biến thức ăn, trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh. Điều này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Do đó, mỗi người phải nâng cao ý thức, bỏ dần những thói quen xấu nêu trên.

Điều đáng quan tâm là trong nhà vệ sinh của không ít trường học cũng không có xà phòng để rửa tay. Đây là vấn đề các trường học cần chú ý trang bị để đảm bảo cho học sinh khi quay trở lại học tập biết cách giữ vệ sinh cá nhân, phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu hơn. Ngoài ra, nhà trường cần trang bị cho các em kiến thức cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là đối với học sinh mầm non, tiểu học nhằm tạo một thói quen tốt trong phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, trong giữ gìn vệ sinh cá nhân phải gắn liền với giữ gìn vệ sinh môi trường sống, thường xuyên lau chùi, vệ sinh nhà cửa, mùng mền để diệt vi khuẩn bám vào nhà cửa, vật dụng trong nhà. Việc vệ sinh môi trường sống không chỉ để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 mà còn phòng ngừa nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, có nguy cơ tử vong cao do chưa có thuốc đặc trị như: sốt xuất huyết, chân tay miệng (ở trẻ em)...

Từ dịch bệnh Covid-19 một lần nữa cho thấy, vấn đề giữ gìn vệ sinh cá nhân tuy là chuyện nhỏ, dễ làm nhưng nếu không thực hiện thì nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh truyền nhiễm, trong đó có những bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng. Do đó, mong rằng, từ nay, vấn đề giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sẽ là thói quen của mọi người, mọi nhà, nhất là với những trẻ nhỏ, cần tạo cho các em ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân ngay từ bé; việc giữ vệ sinh cá nhân phải được thực hiện hằng ngày, chứ không phải đến khi có dịch bệnh mới thực hiện.

An An (TP.Biên Hòa)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202002/giu-gin-ve-sinh-trong-mua-dich-benh-covid-19-chuyen-nho-ma-khong-nho-2988727/