Chuyện ở bãi giữa sông Hồng sau trận lụt lịch sử

Nhiều người, kể cả người dân Hà Nội lâu năm, nghe đến bãi giữa sông Hồng thường chỉ nghĩ đến bãi nổi ngay dưới chân cầu Long Biên. Cuối tháng 9, sau trận lũ lớn do bão Yagi quét qua, có dịp ra thăm quê Thủ đô, tôi có cơ may lần đầu tiên trong đời được anh bạn đưa đi 'thực tế' bãi giữa sông Hồng.

Xóm nhà nổi sau bão. (Ảnh trong bài: Nguyễn Văn Ất)

Xóm nhà nổi sau bão. (Ảnh trong bài: Nguyễn Văn Ất)

Xót xa những vườn đào, quất chết héo

Bãi giữa sông Hồng thực tế dài lắm. Nó bắt đầu từ gần chân cầu Nhật Tân về tới cầu Chương Dương. Khoảng ngót nghét 4 cây số. Bãi giữa nằm ở giữa dòng chảy chính và dòng chảy phụ của sông Hồng. Dòng chảy chính của sông Hồng đoạn này nằm về phía bắc, phía bờ Đông Anh, Gia Lâm (nay là quận Long Biên). Dòng chảy phụ nằm về phía nội thành, giáp với quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Dòng chảy phụ của sông Hồng đoạn này được cư dân bãi giữa gọi là “sông con”.

Mùa nước cạn, dòng chảy phụ gần như khô kiệt, nên bãi giữa liền với bãi phố xá ngoài chân đê, không phân biệt được đâu là bãi “đảo” đâu là bãi ven đê. Chỉ có đoạn dưới chân cầu Long Biên dòng sông con còn như cái “ao” nông choèn phía sau chợ hoa quả Long Biên, đoạn này bãi giữa còn giữ hình thù là cái “đảo”, nên mọi người cứ nghĩ bãi giữa chỉ có cái “đảo” nhỏ này!

Nhiều chục năm qua, kể từ khi có Thủy điện Hòa Bình, sông Hồng không có lũ, dòng chảy phụ của sông Hồng không mấy khi đầy nước, nên bãi giữa suốt từ cầu Nhật Tân về đến gần cầu Long Biên “mặc nhiên” được nhiều người cho là bãi đất liền ven sông.

Cơn lũ sau bão Yagi tháng 9, sau nhiều chục năm, nước sông Hồng lên trên báo động số 3. Nước sông lên cao, không những tràn đầy hai dòng chảy chính và phụ mà còn ngập lụt toàn bộ bãi giữa. Đến cầu Long Biên cũng phải cấm xe cộ qua lại mấy ngày do nước lên cao. Những ngày nước lên cao ấy, bãi giữa không còn dấu tích, tất cả ngập chìm dưới mặt nước. Sông Hồng khi ấy cuồn cuộn, bao la…

Tôi đến bãi giữa những ngày nước đang rút, dòng chảy phụ chỗ còn nước, chỗ thì đã cạn, có thể đi bộ ra bãi giữa. Nếu có flycam chụp ảnh từ trên cao thì những ngày nước đang rút thấy rất rõ bãi giữa như hòn đảo trên sông kéo dài mấy cây số.

Bao nhiêu năm không có lũ, đất bãi giữa kéo dài từ Nhật Tân, qua Tứ Liên, Nghi Tàm đã trở thành những vườn đào, vườn quất bát ngát, nơi “check in” của bao nam thanh, nữ tú khi Tết đến… Nay lũ về tất cả bị chìm dưới nước. Nước rút để lại những vườn quất, vườn đào bị chết héo, một màu vàng úa, khô héo chết chóc kéo dài bạt ngàn… Thật đau xót!

Nhìn cảnh những người nông dân ra dựng lại những gốc chuối, vuốt lại những cây quất nào còn sót lại, vừa làm, vừa than thở, nước mắt sụt sùi như muốn khóc vì sự thiệt hại quá lớn, tôi cũng thấy mắt mình cay xè…

“Cột mốc” đặc biệt giữa Thủ đô

Xuôi theo dòng chảy sông Hồng, chúng tôi đi tiếp. Trên đường đi chúng tôi phát hiện một địa điểm khá thú vị: Chính trên bãi giữa sông Hồng này có một điểm và cột mốc đánh dấu ngã ba “địa giới quận”. Nơi đây chính là ngã ba tiếp giáp của các quận Ba Đình, Tây Hồ và quận Long Biên. Mặc dù là người sinh ra, lớn lên rồi công tác đến lúc nghỉ hưu trên đất Hà Nội, lại hay tìm hiểu các địa danh Hà Nội, nhưng đến bây giờ, ở tuổi “thất thập” đã rời “quê Thủ đô” gần 10 năm, lần về thăm “quê” hôm nay mới biết và lần đầu tiên được đặt chân lên “ngã ba quận” ở bãi giữa sông Hồng, nơi cột mốc “biên giới quận”. Cột mốc ngã ba ấy nằm ở một nơi không dễ tìm và đi đến đó cũng không phải dễ… Tôi tin là nhiều người Hà Nội chưa biết đến nơi chốn khá thú vị này.

Tác giả bên “cột mốc ngã ba” địa giới 3 quận trên bãi giữa.

Tác giả bên “cột mốc ngã ba” địa giới 3 quận trên bãi giữa.

Qua cột mốc “ngã ba quận” chúng tôi xuôi về “xóm nhà phao” hay còn gọi là “xóm nhà nổi”. Xóm này nằm trên dòng chảy phụ của sông Hồng. Khi mùa nước cạn, dòng chảy ở đoạn này bị tắc kín hai đầu, tạo thành cái hồ giống như cái ao lớn trên bãi giữa. Xóm nhà phao dựng ngay trên cái ao lớn này.

Xóm nhà nổi là nơi trú ngụ của dân tứ xứ. Họ phần lớn là những người nghèo ngoại tỉnh đến từ Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… phiêu bạt đến đây. Khoảng gần 50 ngôi nhà nổi đặt trên các thùng nhựa, bè mảng. “Nhà” của họ thực chất là những căn lều phao dựng tạm bợ nổi trên mặt sông. Dân “xóm nhà phao” không có đất canh tác nông nghiệp, họ phải hàng ngày vào phố làm thuê, nhặt ve chai… để bươn chải mưu sinh, tối về tá túc trong những căn lều nổi này.

Gió bão và nước lũ của cơn bão Yagi đã phá tan nát khu nhà nổi. Nhìn cảnh những căn lều tan hoang, có cái bị chìm một góc xệ hẳn xuống đáy nước, người dân xóm nhà nổi ngậm ngùi nước mắt ngắn nước mắt dài, không ai không khỏi chạnh lòng…

Từ xóm nhà nổi, theo con đường độc đạo chạy dọc men sông, xuyên qua những bãi cỏ lau ngút ngàn chúng tôi xuôi về khu vực gần cầu Long Biên.

Bãi giữa khu vực cầu Long Biên đây rồi! Đường xuống bãi giữa ở khu vực cầu Long Biên có các cầu thang lên xuống hai bên, cả phía thượng lưu và phía hạ lưu. Các cầu thang này thoai thoải, có thể dắt xe máy từ mặt cầu Long Biên xuống bãi hoặc từ bãi lên cầu đều được. Sinh hoạt của cư dân bãi giữa khu vực cầu Long Biên khá nhộn nhịp. Nhiều gánh rau, rổ ngô, gánh ngô khoai nướng… bán ở chỗ tránh xe trên mặt cầu Long Biên hoặc dưới bãi gầm cầu.

Rời bãi giữa, ngoái nhìn lại cảnh tan hoang sau bão lụt, chúng tôi tự an ủi: “Thôi thì trong rủi có may”! Lớp phù sa màu mỡ của sông Hồng để lại sau lũ sẽ bồi đắp cho bãi giữa để nơi đây hồi sinh với những vườn quất, vườn đào, bãi ngô, vườn chuối bạt ngàn như nó đã có…

Nguyễn Văn Ất

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-o-bai-giua-song-hong-sau-tran-lut-lich-su-post527023.html