Chuyện quản lý: 'Bí ẩn' nguồn nước mặn ảnh hưởng lúa ở Hậu Giang
Nhiều diện tích đất lúa cạnh Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau (thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau), qua địa bàn ấp 9, xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) bị nhiễm mặn đến gần 7 phần ngàn.
Tình trạng này làm cho ruộng lúa của nhiều hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng với diện tích gần 3 ha. Lúa chỉ đạt năng suất dưới 7 tấn/ha. Tổng sản lượng thiệt hại trên 5,4 tấn lúa. Với giá bán 8.000 đồng/kg, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 thiệt hại gần 44 triệu đồng.
Vụ lúa Hè Thu 2024 tiếp tục có nhiều diện tích lúa từ 25 - 30 ngày tuổi bị ảnh hưởng, trong đó, số bị chết chiếm trên 70%, số bị cháy lá, thối rễ... từ 20 - 50%.
Ông Đỗ Văn Quyên ở ấp 9, xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy), có diện tích lúa cạnh bên Dự án cao tốc nhớ lại: Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, lúa phát triển tốt được khoảng 1 tháng tuổi. Đến khi cây lúa khoảng 45 - 50 ngày tuổi thì đơn vị thi công bơm cát nền vào Dự án cao tốc. Lúc đó lúa bắt đầu bị đỏ lá và chết dần từng bụi, diện tích thiệt hại khoảng 2.200 m2.
Cũng có ruộng lúa cạnh Dự án cao tốc, ông Nguyễn Trường Sơn ở ấp 9, xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy) cho biết: Sau khi gieo sạ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 được 45 ngày, thì đơn vị thi công Dự án cao tốc bơm cát và tràn nước vào ruộng. Ruộng lúa sau đó bị vàng, đến khi lúa trổ thì hạt lép, lúa bị đỏ.
“Tôi xuống giống 2.800 m2 lúa Đông Xuân 2023 - 2024, bị thiệt hại 70%. Trước đây khi chưa làm cao tốc, năng suất vụ Đông Xuân thường đạt trên 1 tấn/ha, nhưng vụ Đông Xuân 2023-2024 vừa rồi đạt dưới 1 tấn/ha. Đến vụ Hè Thu này, khi lúa gieo sạ khoảng 12 ngày thì chết dần, đến nay diện tích lúa bị chết khoảng 1.200 m2”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Hậu Giang, tình hình sinh vật gây hại tại thời điểm tháng 2, tháng 3 ở xã Vị Thắng và khu vực bị ảnh hưởng có sinh vật gây hại lúa không đáng kể. Qua theo dõi, rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn ở mức thấp không ảnh hưởng lúa. Nhất là địa bàn xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy) nằm trong khu vực an toàn không nhiễm mặn tự nhiên và không do thiên tai.
Mới đây tỉnh Hậu Giang thành lập đoàn kiểm tra đo mặn tại ruộng lúa cạnh Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau cho kết quả, nồng độ mặn cao nhất gần 7 phần ngàn, tại lòng Dự án đường cao tốc là 1,8 phần ngàn. Ngành chức năng tiếp tục đo đối chứng phần nước bên ngoài ruộng không bị ảnh hưởng, kết quả nồng độ mặn chỉ 0,1 phần ngàn. Do đó, ngành Nông nghiệp Hậu Giang xác định lúa chết ở địa bàn ấp 9, xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) là do ảnh hưởng mặn.
Tuy nhiên, sau khi cùng kiểm tra thực tế, đại diện Công ty Trường Sơn (đơn vị thi công cao tốc) và đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) thống nhất kết quả đo nồng độ mặn. Đại diện đơn vị thi công và đại diện chủ đầu tư đều khẳng định cát đắp nền lấy từ nguồn cát sông được cấp phép, không phải là cát biển, nên không có nước mặn tràn qua ruộng, làm ảnh hưởng đến lúa của người dân.
Do đó, nguồn mặn từ đâu làm ảnh hưởng đất lúa của nhiều hộ dân ở xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy) vẫn chưa rõ. Vấn đề đang rất cần ngành chức năng sớm vào cuộc, có kết luận và công bố để các hộ dân bị xâm nhập mặn làm ảnh hưởng vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 và vụ lúa Hè Thu 2024 được hỗ trợ và yên tâm sản xuất.