Chuyện thường ngày: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Ông Lê Văn M. (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) là thợ mộc lành nghề. Bàn tay ông đã làm nên biết bao chiếc giường, tủ, bàn ghế… cho bà con gần xa. Khỏe mạnh, lành nghề, ông là trụ cột gia đình có 4 miệng ăn. Quanh năm bận rộn, những đợt sốt hay cảm xoàng, ông thường uống qua loa vài liều thuốc Tây. Chỉ đến khi có biểu hiện bị nghẹn khi ăn uống, ông M. mới đến bệnh viện thăm khám. Lúc này, ông mới biết mình bị ung thư thực quản giai đoạn cuối. Cả gia đình ông bàng hoàng bởi một người khỏe mạnh như ông sao có thể bị ung thư, lại là giai đoạn cuối. Gia tài, tiền bạc dành dụm bao năm, gia đình đều đổ vào những đợt thăm khám, cắt thuốc, hóa trị, phẫu thuật… hòng níu lại chút sức khỏe cho ông M. với niềm hy vọng ít ỏi.

Chúng ta đang đối xử như thế nào với sức khỏe của chính mình? Có bao nhiêu người đến các cơ sở y tế khi chóng mặt, sổ mũi, nhức đầu? Hay chỉ thấy triệu chứng rồi đoán bệnh và tự mua thuốc chữa trị, khi bệnh trở nặng thì mới tìm đến bác sĩ? Trong chúng ta, có bao nhiêu người dành cho bản thân và gia đình một “quỹ sức khỏe” để khám bệnh, theo dõi sức khỏe định kỳ? Có một nghịch lý mà rất ít người chịu thừa nhận rằng, chúng ta sẵn sàng chi vài triệu đồng cho một bữa ăn hay món đồ yêu thích nhưng lại tiếc khi dùng nó để chăm sóc sức khỏe, tầm soát bệnh tật. Chỉ khi cơ thể “lên tiếng” và bệnh trở nặng thì mới hốt hoảng chữa trị, mà điều trị giai đoạn này đã khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều. Chiếc giường đắt nhất không phải là giường dát vàng, nạm bạc mà chính là giường bệnh. Khi bệnh đã đến mức vô phương cứu chữa, người ta mới biết sức khỏe quý nhường nào, nhưng lúc ấy mọi sự đã quá muộn.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, ông M. cũng như nhiều người mắc ung thư khác lẽ ra có thể phát hiện, trị bệnh sớm hơn nếu thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Chủ động chăm sóc sức khỏe của chính mình không chỉ đem lại cảm giác yên tâm mà còn giúp tiết kiệm tiền của. Có nhiều cách để phòng bệnh như: tiêm chủng, khám tiền hôn nhân, khám sàng lọc trước khi mang thai, khám tổng quát sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư… Dù chỉ một thay đổi nhỏ trong cơ thể cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó. Vì thế, mỗi người hãy đừng chủ quan và luôn nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12397/201909/chuyen-thuong-ngay-phong-benh-hon-chua-benh-5648099/