Chuyện tình của Thảo

7 năm trước, tôi bước vào căn nhà đang bao trùm bởi nỗi khổ đau dưới ánh đèn leo lét. Ngư dân Phạm Tấn Lệ biến mất cùng chiếc tàu giữa đại dương. Anh là chỗ dựa duy nhất của gia đình, trong đó có cậu em trai là Phạm Thảo (1990), từng là ngư dân Hoàng Sa, nhưng đã bị liệt cả 2 chân. 7 năm sau, tôi quay lại và bất ngờ, cậu thanh niên què quặt đã hồi sinh nhờ vào tình yêu kỳ diệu.

7 năm trước, tôi bước vào căn nhà đang bao trùm bởi nỗi khổ đau dưới ánh đèn leo lét. Ngư dân Phạm Tấn Lệ biến mất cùng chiếc tàu giữa đại dương. Anh là chỗ dựa duy nhất của gia đình, trong đó có cậu em trai là Phạm Thảo (1990), từng là ngư dân Hoàng Sa, nhưng đã bị liệt cả 2 chân. 7 năm sau, tôi quay lại và bất ngờ, cậu thanh niên què quặt đã hồi sinh nhờ vào tình yêu kỳ diệu.

 Thảo và 2 cậu con trai nhỏ chờ điện thoại của mẹ gọi về.

Thảo và 2 cậu con trai nhỏ chờ điện thoại của mẹ gọi về.

Trong ngôi nhà nhỏ gác đầy củi, cành củ mì, nằm ở cuối thôn Phú Quý, xã Bình Châu (H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có một đôi vợ chồng trẻ sống cuộc đời nghèo, nhưng vẫn luôn đầm ấm trong không khí mật ngọt của tình yêu, hòa trong tiếng cười của 2 cậu con trai bé nhỏ, đó là ngư dân Phạm Thảo và người vợ là Đặng Thị Ngọc Thanh. Thảo có khuôn mặt đẹp, ánh mắt buồn, luôn đi cùng 1 chiếc nạng.

7 năm về trước, tôi gặp Thảo trong ngôi nhà đẫm nước mắt – cha Thảo mang khuôn mặt đau khổ ngồi lặng im nhìn ra bờ biển; mẹ Thảo khóc cạn khô nước mắt; Thảo rũ người trên 2 chiếc gậy chống, trong khi mới 23 tuổi. Tai họa ập xuống ngôi nhà này vào ngày 10-10-2013, tàu cá QNg 90789 TS, do ông Trần Tiến Dũng, là người địa phương, chở các ngư dân đi biển, sau đó 14 người đều biến mất, trong đó có ngư dân Phạm Tấn Lệ, anh trai Thảo.

Thôi thế là hết! Tôi nhủ thầm khi nhìn khung cảnh gia đình và nghe tiếng nạng chống xuống nền nhà. Gia đình này hoàn toàn trông cậy vào ngư dân Phạm Tấn Lệ vì cậu đi biển kiếm tiền lo cho cả gia đình, rồi còn gánh vác cả việc chữa trị thuốc men cho người em trai. Thảo kể lại với giọng khổ đau tận cùng rằng, năm 15 tuổi, anh Lệ dẫn em xuống các thôn gần đó để học nghề đi biển, sau vài năm thì theo tàu ra quần đảo Hoàng Sa; trên người chỉ khoác bộ đồ nhái và ngậm ống hơi từ máy nén, anh trai lặn một hơi xuống gần 70 mét, còn Thảo lặn được hơn 40 mét; nghề lặn kiếm ra tiền cũng khá nghiệt ngã, tai họa ập xuống khi Thảo bị tê bại lúc đang lặn ở độ sâu 55 mét.

Đối với ngư dân làm nghề lặn, tê bại xem như đã chấm hết mọi thứ. Các trung tâm y tế lớn cũng chỉ giúp ngư dân giữ được mạng sống, nhưng tật nguyền thì theo suốt đời. Hàng ngày sống trong đau khổ, Thảo lại được người anh trai an ủi, nhưng sau đó là tiếng thở dài, là những chuyến đi biển xa hơn, lặn sâu hơn để có nhiều tôm cá về gánh vác cho gia đình, cho đến ngày Lệ mất tích.

Thảo nghĩ rằng mình sẽ chết, vì chi phí khám bệnh định kỳ không ai lo liệu. Nguồn thu chính của gia đình trông chờ vào cha mẹ già đi làm nghề đào giếng, chặt đá, trong khi cha đã già. Giữa lúc khó khăn chồng chất, thân thể tật nguyền, nhưng cô bé hàng xóm là Đặng Thị Ngọc Thanh (1993) vẫn trao gởi tình yêu. Thanh là người được Thảo chia sẻ những chuyện bí mật về thời còn xuôi ngược trên biển, ra Hoàng Sa đánh cá, rồi bị Trung Quốc bắt.

 Hai cậu con trai trong ngôi nhà nhỏ ở xóm Đông, thôn Phú Quý.

Hai cậu con trai trong ngôi nhà nhỏ ở xóm Đông, thôn Phú Quý.

Thảo kể cho tôi nghe lại câu chuyện thời xuôi ngược Hoàng Sa và anh cũng thường hay kể với người bạn đời của mình, đó là có lần tàu Trung Quốc cập mạn bắt hết 12 người. Các ngư dân nghĩ bọn lính chỉ thu cá rồi thả đi, nhưng không ngờ chúng lại chơi trò bẩn - toàn bộ 12 ngư dân bị xua xuống biển, nắm chung 1 sợi dây, sau đó tàu Trung Quốc kéo chiếc tàu bị bắt tăng tốc vài tiếng đồng hồ. Tiếp đến là ngư dân bị lùa ra phơi nắng ngoài boong cho “khô ráo” vài giờ. Trước khi thả tàu, lính Trung Quốc đánh ngư dân 1 trận bằng gót giày vào hông và ngực.

Thảo mất sức lao động gần như 100%, nhưng người vợ vẫn thỏ thẻ rằng: “Không sao đâu, bình thường thôi, yêu vẫn yêu!”. Người chú trong họ thương vợ chồng trẻ nên nhường ngôi nhà của ông nội qua đời cho vợ chồng Thảo sinh sống. Rồi 2 cậu con trai lần lượt ra đời. Ngôi nhà Thảo nằm cách biển hơn 1 km, xa đường giao thông, nên 2 cậu bé suốt ngày lăn lóc, vui đùa mà người lớn không phải quá lo âu. Thảo cho biết: “Thỉnh thoảng nhận được bao gạo cứu trợ, ngoài ra cũng không có chế độ gì thêm”.Người vợ của Thảo đi làm công nhân ở Khu công nghiệp VSIP tại TP Quảng Ngãi để nuôi chồng, con; khi con lớn dần, chị phải vào tận TP HCM bươn chải, cứ vài tháng lại chạy về thăm ngôi nhà tình yêu đang tràn ngập tiếng cười.

Tôi rời ngôi nhà này trong màn đêm và không có cảm giác ngột ngạt như khung cảnh u uẩn của 7 năm về trước. So với chốn thị thành, miền quê nghèo vẫn còn thăng hoa nhiều tình yêu đẹp, vượt trên nhu cầu vật chất phù du.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_233724_chuyen-tinh-cua-thao.aspx