Chuyện trái mít, quả ổi quê tôi
Hồi nhỏ, đi đâu hễ gặp ai, nghe hỏi về quê tôi, khi biết là Kế Sách thì người nào người nấy cũng trầm trồ nhắc về những vườn trái cây trĩu quả, bốn mùa hoa thơm, trái ngọt. Mùa nào quả nấy.
Tháng chạp, tháng giêng thì bưởi chín vàng ươm đón tết. Bước qua tháng hai, tháng ba thì xoài vừa vô bột, mấy anh gió chướng lãng tử ngoài sông Hậu nườm nượp kéo vào trêu ghẹo làm mấy cô xoài vừa độ xuân thì phải xiêu lòng, tụi con nít được dịp xúm nhau canh mà lụm, sẵn tay đập vào thân cây, lấy thêm chén muối ớt là no nê, chắt lưỡi hít hà. Rồi bước qua tháng tư, mấy trận mưa đầu mùa trút xuống kéo dài cho đến hết lập đông, đó được xem là thời điểm vàng để bạn bè gần xa về thăm quê tôi, thưởng thức đủ loại trái cây đang đua nhau chín tới. Nào là mận, cóc, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng mời gọi, cho đến mấy “nàng dâu” tội nghiệp ráng đu mình trên cây chờ tới tháng bảy mưa già thì mới chịu ngọt.
Trái cây nhiều vô số kể, kèm theo đó là sự hào phóng của những người dân quê. Đến mùa, giá cả bao nhiêu cũng được, có trái cây bán là vui rồi, bán gì thì bán cũng phải chừa vài cây làm quà biếu cho bà con, bạn bè phương xa. Khi đó, đời sống còn không ít khó khăn nhưng trên gương mặt ai cũng tràn đầy niềm vui, lạc quan vào cuộc sống như dòng sông Hậu hiền hòa xuôi chảy quanh năm, bồi lắng phù sa cho ruộng vườn thêm xanh tốt.
Rồi đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển, người nông dân được tiếp xúc nhiều hơn với các kiến thức khoa học - kỹ thuật. Giờ đây, họ không còn canh tác theo kiểu chờ “trời cho” như trước. Muốn nuôi con gì, trồng cây gì cũng phải tính toán lợi hại trước sau. Đó là điều đáng quý, bởi người nông dân thời kỳ hội nhập quốc tế phải không ngừng mở rộng hiểu biết để hòa nhập và thích nghi với dòng chảy của xã hội. Nhưng tiếc thay! Cũng từ đó mà nhiều loại trái cây đặc trưng của vùng quê Kế Sách dần thưa thớt theo sự tính toán lợi ích kinh tế của nhiều nhà nông, bất chấp cảnh báo từ các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mít và ổi hồi trước chỉ được xem là những loại cây tạp, dùng “ăn chơi” cho vui nhưng giờ thì nó đã tước đi quyền sống của nhiều loại cây trái truyền thống khác. Mít bây giờ không phải là mít nghệ, mít ướt mà là mít Thái, phục vụ cho xuất khẩu, ổi thì đa chủng loại ngoại lai nào là ổi Đài Loan, nữ hoàng, ruby... Nhiều cơn sốt giá đã diễn ra không hề theo một quy luật nào của thị trường, thương lái cần là giá đẩy lên tận mây xanh, kèm theo đó là những vườn trái cây đặc sản đã gắn bó từ hàng trăm năm nay với người nông dân cũng rên xiết ra đi theo tiếng gào rú của những chiếc cưa máy lạnh lùng.
Đi đâu, làm gì, tiệc tùng, lễ tết lớn nhỏ đều nghe bàn chuyện mít, ổi. Nhiều nơi, giờ không còn gọi là vườn nữa mà đúng nghĩa hơn là “rừng”. Nhiều “rừng ổi”. “rừng mít” mọc lên khắp nơi, chỗ nào chen được là chen ngay, cây muốn hít một chút khí trời, hứng chút ánh sáng tự nhiên cũng trở nên khó khăn, ngột ngạt. Những lối đi chung vốn là nét đẹp của người dân quê từ bao đời nay cũng bị biến thành những bờ mít, rào ổi cản trở việc đi lại. Chuyện lời qua, tiếng lại chỉ vì một lối đi chung cũng bắt đầu trở nên phổ biến hơn ở những vùng quê vốn yên bình.
Cái gì đến rồi cũng đến, sự bạc bẽo của con người với tự nhiên đôi khi phải trả một cái giá rất đắt. Hết hạn, mặn xâm nhập rồi đến trái cây rớt giá thảm hại. Đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động giao thương ngưng trệ. Ổi chín neo đến vàng cây trụi lá cũng không tìm ra một thương lái, mít thơm nứt vườn cũng đành quăng xuống ao làm mồi cho cá. Đất đai thì chai hằn bởi sự hủy hoại của rễ mít và việc sử dụng các loại phân bón hóa học vô tội vạ của người nông dân, hàng núi xốp bọc ổi mọc đầy trong vườn, phủ trắng những dòng sông, con rạch. Giờ đây, cụm từ “giải cứu” ổi, mít đã không còn là xa lạ.
Không thể phủ nhận lợi ích mà các loại trái cây này mang lại nhưng trong đó cũng tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường, không chỉ về mặt kinh tế. Giờ đây, nhớ về những vườn trái cây đặc sản ngày trước, nghĩ về những khuyến cáo của ngành chức năng, của các nhà khoa học về việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp, tránh trường hợp cung vượt cầu, chắc nhiều người nông dân quê tôi đã thấm thía về sự cái sự “lựa” nhưng thiếu “chọn” của mình trong thời gian qua. Trong các buổi tiệc tùng, lễ tết, giờ đây người ta đã bắt đầu nghe thêm nhiều lời bàn tán về cây mít, cây ổi, với không ít những cái lắc đầu ngao ngán: “Phải chi!...”.