Chuyện trực Tết của bác sĩ sản khoa
Với nhiều người, ngày lễ, Tết là thời điểm nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình. Thế nhưng, những niềm vui bình dị ấy lại trở thành ước mơ của bác sĩ sản khoa của Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội.
Bởi vào thời khắc thiêng liêng ấy, họ đang túc trực tại BV, căng mình với những ca hộ sinh, giúp gia đình sản phụ “mẹ tròn, con vuông”, đón năm mới trong niềm vui trọn vẹn.
Tại khoa Sản, nhiều gia đình có tâm lý sinh con trước đêm 30 hoặc sau Giao thừa để hợp tuổi, nên lượng sản phụ đến BV không hề ít. Bởi vậy, dù là ngày Tết, bệnh viện cũng duy trì kíp trực gồm 11 bác sĩ ở cả phòng khám cấp cứu, khoa sinh thường, sinh dịch vụ. Mỗi khoa ít nhất 3 - 4 y tá trực, riêng khoa đẻ thường và D3 luôn có 8 y tá trực bất kể bệnh nhân ít hay nhiều, để đảm bảo xử lý tốt mọi sự cố xảy ra nếu có.
Cũng như những đồng nghiệp khác, với Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hương Trà - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Phụ Sản Hà Nội được trực vào đêm 30 Tết, tận tay đón chào những thiên thần bé nhỏ của năm mới là những kỷ niệm trong nghề mà họ luôn trân trọng.
13 năm trong ngành, nhiều lần có mặt trong ca trực đêm giao thừa, bác sĩ Trà chia sẻ, BV Phụ sản có lẽ là BV duy nhất có nhiều tiếng cười, nhiều niềm hân hoan nhất trong năm mới mà bất kỳ ai khi nhập viện đều cảm thấy vui vẻ, khi xuất viện lại càng vui hơn.
“Với tôi, mỗi dịp như vậy đều có những kỷ niệm khó quên và nhiều cảm xúc vui buồn đan xen. Có năm trực, tôi tham gia mổ đẻ cho một ca bệnh khó. Đặc biệt ở chỗ, máu cuống rốn của em bé ngay sau đó đã được lấy, lưu trữ để phục vụ việc cứu chữa căn bệnh ung thư quái ác cho chính anh/chị ruột của em. Vừa chào mừng một thiên thần bé bỏng chào đời, tôi và đồng nghiệp lại góp phần cứu sống 2 đứa trẻ khác. Niềm vui sướng, hạnh phúc ấy vì thế càng trở nên ý nghĩa, nhất là trong giờ phút chào đón năm mới”-bác sĩ Trà nhớ lại.
Trực Tết, đón Giao thừa ở BV cũng là một phần thiệt thòi, nhưng không vì thế các bác sĩ khoa Sản thấy buồn. Bởi ở đây, bác sĩ và bệnh nhân không hề có khoảng cách. Tất cả quây quần trò chuyện, cùng nhau đón giao thừa, gửi tới nhau những lời chúc mừng năm mới, cùng xem pháo hoa. Sau đó, lãnh đạo BV sẽ lì xì cho những thiên thần bé nhỏ chào đời vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Có lẽ, với bác sĩ Trà, những phút quý giá, ấn tượng nhất của mỗi bác sĩ Khoa sản chính là được tận tâm hỗ trợ sản phụ, đón chào những thiên thần bé nhỏ ra đời trong sự bình an. Chính vì vậy, BV vào những ngày Tết không khí cũng ấm cúng như trong gia đình.
“Với tôi, những ấn tượng đẹp thì nhiều lắm! Đó là khi tôi đỡ đẻ cho một sản phụ mang thai 28 tuần theo hình thức thụ tinh ống nghiệm. Do thể trạng cả mẹ và bé đều yếu nên tôi và đồng nghiệp đã cố hết sức trong ca cấp cứu để giữ bé trước nguy cơ nhiễm trùng và suy dinh dưỡng. Hay đó là những ca vượt cạn khó, em bé vừa chào đời tuy cơ hội sống hiếm hoi nhưng em đã mang một sứ mệnh cứu giúp những số phận bất hạnh khác. “Thiên thần” ấy có thể cứu giúp cho những bệnh nhân ung thư, những em nhỏ bị bãi não trong viện" - bác sĩ Trà chia sẻ.
Quả thật, với mỗi y, bác sĩ sản khoa, chứng kiến và đón một em bé ra đời, nhìn thấy bố mẹ, người thân của bé hạnh phúc là điều gì đó thiêng liêng và đặc biệt vô cùng. Nhưng đặc biệt hơn khi các bác sĩ có thể truyền cho bệnh nhân nghị lực để họ thêm yêu, thêm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Và trong khoảnh khắc giao thừa, ngày Tết, cảm xúc ấy lại được nhân lên gấp bội.
“Dù các bác sĩ khoa Sản khi trực giao thừa vẫn phải tất bật với các ca sinh thường, sinh mổ, làm bệnh án, thực hiện thủ thuật… Sáng Mồng 1 tết về nhà ai nấy mệt nhừ, nhưng tất cả đều thấy vui vẻ, hạnh phúc. Vì đây là khoảnh khắc cả gia đình chúng tôi quây quần bên mâm cơm ngày đầu năm mới, cùng kể những câu chuyện vui và hoạch định ra viễn cảnh tương lai đẹp đẽ nhất”- bác sĩ tươi cười nói.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuyen-truc-tet-cua-bac-si-san-khoa-363354.html