Chuyện về 3 tác giả Đồng Nai đoạt giải cuộc thi thơ Đông Nam Bộ

Với những tác phẩm chất lượng được trao giải thưởng, 3 tác giả Đàm Chu Văn, Trần Thị Bảo Thư và Hồng Nhạn của Đồng Nai đã góp phần mang lại thành công cho Cuộc thi Sáng tác thơ khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I-2024 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức và trao giải vừa qua.

Từ phải sang, các nhà thơ: Phan Hoàng, Đàm Chu Văn, Hồng Nhạn, Trần Thị Bảo Thư và nhà phê bình, PGS-TS Hoàng Kim Ngọc - thành viên Ban chung khảo cuộc thi thơ. Ảnh: H.P

Từ phải sang, các nhà thơ: Phan Hoàng, Đàm Chu Văn, Hồng Nhạn, Trần Thị Bảo Thư và nhà phê bình, PGS-TS Hoàng Kim Ngọc - thành viên Ban chung khảo cuộc thi thơ. Ảnh: H.P

Vừa hiện thực, vừa lãng mạn

Cùng với các tác giả trẻ Nguyễn Vũ An Hòa, Vu Trầm của Bình Thuận và Nguyễn Minh Ngọc Hà của Bình Dương, tác giả Hồng Nhạn (Lê Thị Hồng Nhạn, ở huyện Định Quán) được xem như một trong những phát hiện của Cuộc thi Sáng tác thơ khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I. Mặc dù chỉ được trao giải khuyến khích nhưng bài thơ Mùa hoa điều nở của Hồng Nhạn khá ấn tượng.

“Chúng con lớn lên

Ríu rít sân nhà

Nắng lửa miền Đông và hoa điều bung nở

Trái đỏ vàng níu tuổi thơ một thuở

Que kem bốn mùa dịu mát mùa sang”.

Hình ảnh hoa trái điều như sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ, tạo nên tứ thơ vừa chặt chẽ, vừa sinh động, có sức quyến rũ người đọc. Cây điều gắn với đời người. Hoa, trái điều cùng con người lớn lên, trưởng thành, đi xa và… mong ngóng ngày trở về với lòng biết ơn:

“Phấn hoa điều rắc bay, hồng giấc mơ hoang

Nhựa hạt điều lấm lem tà áo trắng

Tóc mẹ phai màu nắng

Khói thuốc vàng tay cha”.

Và lẽ tất nhiên, vườn điều tuổi thơ chính là điểm tựa, nguồn sống được nuôi dưỡng từ “Chai sần tay cha/ Lom khom lưng mẹ/ Nứt nẻ bóng thời gian” để cho các con học hành nơi phố thị phương xa “nuôi ước vọng” đời mình nhưng lòng vẫn canh cánh nỗi cố hương:

“Thương trái điều thu nắng để đậm nhân

Rồi lặng lẽ góc vườn hóa thân chờ đợi

Men tình nồng vun bón vụ mùa sau

Mùa hoa điều về, ký ức gọi nhau…”.

Có thể nói, Mùa hoa điều nở của Hồng Nhạn là một bài thơ hay từ cấu trúc đến thi ảnh, cảm xúc. Tiếc là bài thơ còn hơi dàn trải, hình ảnh lặp lại, thiếu một chút cô đọng để hoàn thiện.

Với bài thơ Trang nhật ký tuổi hai mươi được trao giải 3 cuộc thi thơ, mới đọc cứ ngỡ tác giả là một chàng trai, nhưng thật bất ngờ khi tác giả bài thơ là một nhà thơ nữ quen thuộc trên thi đàn (quê quán Hải Phòng, đang sống ở thành phố Long Khánh) là Trần Thị Bảo Thư. Điều này Ban giám khảo chỉ được Ban tổ chức cho biết vào giờ chót khi đã thống nhất cơ cấu giải thưởng, vì các bài thơ, chùm thơ hoàn toàn được chấm bằng mã số, không đề tên tác giả.

“Anh lên đảo khi bình minh thức dậy

Mạn Đá Tây cao vút tiếng gà

Bông cỏ dại nghiêng gió cười bẽn lẽn

Giữa mặn mòi hoa vẫn lại đơm hoa”.

Những hình ảnh vừa hiện thực, vừa lãng mạn. Càng ngạc nhiên hơn, khi nhận giải tác giả Trần Thị Bảo Thư cho biết, chị chưa một lần được đi Trường Sa mà chỉ mượn hình ảnh chàng trai tạm biệt người yêu lên đường làm nghĩa vụ ở đảo xa để dựng nên tứ thơ. Thế mới biết nhà thơ không phải lúc nào cũng là người trong cuộc, và thơ không hẳn là người, mà thơ chỉ là phương tiện chuyển tải nguồn cảm hứng của cuộc sống phong phú muôn hình muôn vẻ diễn ra quanh ta. Cụ thể ở đây là Trường Sa mà “Đến hôm nay ra biển anh mới biết/ Đất và trời chân lý thật bao la” hiện lên với vẻ đẹp tinh tế, dịu vợi và đầy tinh thần trách nhiệm công dân.

Cuộc thi Sáng tác thơ khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I-2024 có 2 giải nhì thuộc về 2 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là nhà thơ Bùi Ngọc Phúc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhà thơ Đàm Chu Văn ở Đồng Nai.

“Đặc sản” miền Đông Nam Bộ

Chùm thơ 2 bài của Đàm Chu Văn được trao giải nhì là Già làng Năm NổiUống rượu cần ở Tà Lài với bút pháp vững vàng của một cây bút đã có vị thế trên thi đàn.

“Vít cần ta uống song đôi

Hình như ánh mắt bờ môi rất gần

Hương rừng vừa lạ vừa thân

Men rừng chầm chậm ủ dần hồn ta”.

Không gian núi rừng vừa thực, vừa hư đầy huyền bí. Và trong hương rừng, men rừng, tiếng rừng, trăng rừng, suối rừng… hiện lên hình ảnh sơn nữ đương xuân đẹp đến lạ thường:

“Rối tung hương tóc la đà

Rối tung câu chuyện rừng xa rẫy gần

Em còn trẻ mấy lần xuân

Mắt rung rinh nắng, bần thần sương sa

Bàn tay dệt cửi thêu thùa

Chăm con con lớn, trỉa mùa mùa sây

Ngàn xưa còn gửi lại đây

Hoa văn đọng nét chỉ mây đậm đà”.

Nếu như bài thơ Uống rượu cần ở Tà Lài được nhà thơ Đàm Chu Văn viết bằng thể thơ lục bát truyền thống và không gian thẩm mỹ có thể gợi lên bất kỳ núi rừng nào trên đất nước này chứ không riêng Tà Lài, thì Già làng Năm Nổi được viết bằng thơ văn xuôi hiện đại, câu dài, hơi hướng sử thi và câu chuyện hoàn toàn là “đặc sản” miền Đông Nam Bộ:

“Cây cổ thụ cuối cùng của làng Chơro Phú Lý đã chìm bóng nơi xa xăm ngàn thẳm/ Ông vừa giã biệt ngôi làng bập bẹ tiếng con nít học nói, bậm bịch bước chân chạy nhảy, thực hiện chuyến ngược nguồn/ Ghé vai xốc lại dây gùi, rựa, rìu, chà gạt vẹt mòn xủng xoảng, trĩu nặng liêu xiêu bước chân tuổi tác/ Thoáng ngơ ngác mơ hồ tiếng mễn nai tao tác, mỏng vương vọng âm âm đại ngàn/ Hướng phía xanh xưa thoăn thoắt bước chân trẻ trai”.

Cái triết lý hiện thực đời sống đi vào thi ca và văn học thêm lần được minh chứng. Bởi nếu không gắn bó, am hiểu về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người của đất Đồng Nai, miền Đông Nam Bộ, mà già làng Năm Nổi huyền thoại của dân tộc Chơro là một trong những hình ảnh tiêu biểu thì nhà thơ Đàm Chu Văn khó tái dựng được một thi tứ đặc biệt như vậy. Già làng Năm Nổi đã vĩnh viễn “chìm bóng nơi xa xăm ngàn thẳm”, nhưng qua bài thơ, hình ảnh ông vẫn sống mãi cùng núi rừng thiêng liêng mà cả đời ông gắn bó, và bước chân ông như vẫn chập chờn đi về cùng muông thú cỏ cây: “Con sóc non vừa quen nhịp chuyền cành, đã nhập bước giao thông, liên lạc/ Con rắn lục, con cọp rừng hiểm ác, bước chân nhanh lòng chẳng chùn lòng”.

Phan Hoàng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202410/chuyen-ve-3-tac-gia-dong-nai-doat-giai-cuoc-thi-tho-dong-nam-bo-b1e71fa/