Chuyện về người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp gặp gỡ Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà - Trưởng Ban liên lạc Các chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954), Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Một tri thức yêu nước

Trong căn phòng nhỏ đầy ắp những Huân, Huy chương, Bằng khen và những bài nhạc cách mạng hào hùng, ông Nguyễn Tiến Hà dường như chìm vào hồi ức khi được hỏi về những ngày tháng tham gia kháng chiến.

Khẽ đưa tay chạm vào Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đeo trên ngực áo, ông Hà chầm chậm kể lại, tên thật của ông là Nguyễn Hữu Tự, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông có người anh trai thứ hai là Nguyễn Hữu Văn, từng là cận vệ và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Tạ Quang Chiến (là một trong số 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi).

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà - Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ảnh: Lê Thắm

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà - Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ảnh: Lê Thắm

Ông còn nhớ rõ, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, vận nước rối ren, đời sống người dân khổ sở, lầm than. In đậm trong ký ức của ông là hình ảnh đồng bào chết đói, chết bệnh nằm la liệt khắp đầu đường, góc phố. Tình yêu nước, lòng căm thù giặc khiến ông luôn đau đáu “cần phải làm gì đó để góp sức giải phóng dân tộc”.

Với quyết tâm ấy, đáp lại lời hiệu triệu non sông của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “Hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta,” chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Tự đã tình nguyện tham gia vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Có bằng tú tài, ông được giao nhiệm vụ làm giáo viên truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân. Với chiếc đèn dầu trong tay, đêm đêm, thầy giáo Hà đến Trường “Công ích” nằm trong Ngõ Chùa Liên Phái, phố Bạch Mai (Hà Nội) để dạy chữ cho người lao động, qua đó giác ngộ, tập hợp họ theo cách mạng.

Nhớ lại thời thanh xuân sôi nổi, ông Nguyễn Tiến Hà không giấu nổi sự hào hứng: Những thế hệ đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu có nhiều hoạt động như rải truyền đơn, dán áp phích cổ động, tuyên truyền bằng miệng để người dân giác ngộ cách mạng. Đi dán áp phích ở trên tường hoặc xe điện, nơi đông người qua lại có tổ Tam tam 3 người (1 người làm nhiệm vụ cảnh giới, 1 người phết hồ và 1 người cầm áp phích đập vào chỗ hồ đó), xong lẩn trốn thật nhanh. Có những lần tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền đồng bào ủng hộ Việt Minh chớp nhoáng ở chợ Mơ, khi địch phát hiện vào lùng sục thì được những người bán hàng giúp đỡ, che chắn để quân mình trốn thoát.

Những lần tuyên truyền ở rạp hát hay rạp chiếu bóng, đội Thanh niên tổ chức công phu hơn, phải tìm hiểu kỹ xem có người soát vé, người phục vụ nào cảm tình với quân Việt Minh và thực hiện trong ngày họ trực. Khi rạp bất ngờ tắt điện thì mình đã ở trên ban công tung truyền đơn ra như bướm bay, hô hào ủng hộ Việt Minh; thấy có truyền đơn thì khán giả nhặt lên và giấu đi. “Ta chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong mấy phút, khi đèn bật lên thì ta đã rút rồi, ở đầu phố cũng có đội cảnh giới để báo động. Người dân biết Việt Minh đã có mặt ở Hà Nội nên không khí, tinh thần yêu nước càng sục sôi”, ông Hà chia sẻ.

Đi qua những mốc son lịch sử của dân tộc

Hà Nội có những sự kiện lịch sử nào đáng nhớ thì ông Nguyễn Tiến Hà đều tự hào đã được góp sức tham gia, có thể kể đến sự kiện xoay chuyển cuộc mít tinh mà Tổng hội Công chức tổ chức vận động ủng hộ Chính phủ bù nhìn thành cuộc biểu tình để ủng hộ Việt Minh ở Quảng trường Nhà hát Lớn vào chiều ngày 17/8/1945; Khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945; Ngày 2/9/1945 lịch sử; 60 ngày đêm chiến đấu cầm chân địch năm 1946; ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954…

Ông Hà chia sẻ, có thể nói, thành công vang dội của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu chính là việc xung kích phá cuộc mít tinh của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17/8/1945. Sự kiện đó trở thành cuộc biểu tình, tuần hành quảng đại của quần chúng nhân dân, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8 thành công ở Hà Nội.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Hà dẫn đầu đoàn người từ phố Bạch Mai đến quảng trường Ba Đình. Dọc đường lại có thêm những người khác nhập đoàn. Cứ như vậy, hàng ngàn người hòa vào biển người, cả dân tộc òa lên trong niềm sung sướng vô bờ. “Lúc đó, tôi đứng từ xa nhìn ngắm kỳ đài độc lập, trong lòng tôi rộn lên cảm xúc vừa vui sướng, tự hào, vừa ngỡ ngàng bởi hình ảnh giản dị, gần gũi của vị lãnh tụ kính yêu, thân thuộc như cha anh của mình”, người thầy giáo già nhớ lại.

Độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Kháng chiến toàn quốc ngày 19/12/1946 bùng nổ, ông xung phong vào Quân đội. Trong trận đánh đầu tiên của mình, ông cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, dũng cảm ở Ô Cầu Dền, Bạch Mai thuộc Liên khu II lúc bấy giờ (nay thuộc quận Hai Bà Trưng), góp phần giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa.

Đến tháng 2/1947, theo chủ trương của Bộ Tổng Tư lệnh, các chiến sĩ Liên khu II tạm thời được rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Đến cuối năm 1948, ông được điều về vùng địch tạm chiếm vùng nội thành Hà Nội để tạo cơ sở nhằm đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng với chức danh giáo sư dạy các môn Anh, Pháp, Toán. Qua hoạt động giảng dạy, ông đã khéo léo vận động, bồi dưỡng học sinh, nhân sĩ, tri thức đi theo kháng chiến.

Đến tháng 5/1950, ông bị địch bắt về Sở Mật thám (nay là Trụ sở Công an Thành phố Hà Nội ở 87 Trần Hưng Đạo). Tại Sở Mật thám, nhiều lần ông bị hỏi cung, tra khảo, đánh đập bằng những đòn tra tấn tàn bạo nhưng không thể khuất phục được người trí thức cách mạng.

Cuối tháng 12/1950, địch chuyển ông sang Nhà tù Hỏa Lò. May mắn được đồng đội, đồng chí thuốc thang, chăm sóc nên sức khỏe của ông dần hồi phục. Thời gian giam giữ ở đây, ông đã được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy rồi làm Bí thư Chi bộ của Nhà tù.

Đến cuối năm 1952, khi không thể kết án, kẻ địch trả tự do cho ông. Ngay sau khi ra khỏi tù, ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa. Kể từ đó, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng gắn với sự nghiệp giáo dục.

Sáng 10/10/1954, ông vinh dự được đứng trong đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội”. “Trong sáng hôm ấy, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cơ giới, pháo cao xạ… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Thủ đô. Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Trên đường vào nội thành Hà Nội, có rất nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón”, ông Hà xúc động chia sẻ.

Trải qua những năm tháng khó khăn kháng chiến và cho đến khi hòa bình lập lại, mặc dù bị nhiều lần địch giam giữ, tù đày nhưng ông Nguyễn Tiến Hà, người tri thức cách mạng vẫn một lòng son sắc nguyện đem hết tình cảm, tài năng, trí tuệ của mình phục vụ cho cách mạng, cho nền giáo dục nước nhà.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-ve-nguoi-thanh-nien-cuu-quoc-thanh-hoang-dieu-178307.html