Chuyện về người thợ làm chuông gió mười năm “tắm” với âm thanh
Anh Hồng Đức cho biết, anh làm chuông gió nhạc thiền đến nay đã được mười năm. Năm 2017 bắt đầu mở xưởng lớn làm chuyên nghiệp, nghiêm túc phát triển. Các sản phẩm của anh được nhiều khách hàng từ các quốc gia như: Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Đức… đặt mua.
Nói về cơ duyên đến với nghề, anh Đức tâm sự: “Năm 2012, khi còn làm công nghệ thông tin ở một công ty dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trong một lần tình cờ lên núi viếng thăm Thiền viện Chơn Không (thành phố Vũng Tàu), tôi bỗng say mê với những âm thanh phát ra từ tổ hợp chuông gió lớn ở chánh điện. Khi đó, tôi bắt đầu mới suy nghĩ muốn làm một chiếc chuông gió theo ý của mình, thỏa mãn theo tần số nhạc của bản thân”.
Từ đó, anh Đức bắt đầu dùng kỹ năng của nghề công nghệ thông tin để nghiên cứu, phát triển bộ chuông gió cho riêng mình và nghiên cứu làm ra những chiếc chuông gió mang tần số sóng âm trị liệu, an thần đến mọi người.
Trải qua nhiều nghiên cứu, thử nghiệm để lựa chọn tần số và cách âm nhạc tác động đến cơ thể con người, đến tháng 9/2012, những chiếc chuông gió nhạc thiền đầu tiên mang tần số sóng âm 432Hz đã ra đời. Mỗi chiếc chuông gió được tạo ra từ rất nhiều giai đoạn công phu, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và sự khéo léo trong việc cân chỉnh âm thủ công.
“Mình đã mất 4 năm để lựa chọn vật liệu làm chuông. Hiện giờ mình sử dụng ống nhôm, ống đồng, ống tre để làm chuông gió là những vật liệu chủ lực. Ngoài ra, mình còn dùng vỏ bom, lá kim loại để chế tác”, anh Đức tâm sự.
Anh Đức nói, để tạo ra một chiếc chuông gió nhạc thiền, khó nhất và tốn thời gian nhất là làm sao để ra tần số có tác động đến cơ thể con người và tất cả mọi người đều có thể nghe được, thích, cảm nhận được.
"Sau khi thiết kế một bộ chuông đúng hết tần số và thỏa mãn yêu cầu về sức khỏe, lúc đó mới sản xuất hàng loạt, từ nguyên liệu thô đến cắt chuông, cân đo chỉnh tần số, vệ sinh trong lòng ống, mài dũa mép trong và mép ngoài để tạo sự an toàn cho chuông, sau đó mang đi xỏ dây”, người thợ này chia sẻ.
Cũng theo anh Hồng Đức, âm nhạc là một trong những liều thuốc trị liệu cho tất cả mọi người và rất dễ tiếp nhận vì chữ “dược” là từ chữ “nhạc” mà ra (theo Hán ngữ), từ xưa ông bà đã dùng âm thanh để chữa bệnh.
Khi treo một cái chuông gió lên thì có gió là có nhạc, thanh âm hợp tần số cơ thể người sẽ giúp khai mở và giải phóng những nơi chứa đựng tâm tư, ưu phiền của người nghe.
Tiếng lành đồn xa về tay nghề của người thợ chuyên tạo ra âm thanh cho những chiếc chuông, anh Hồng Đức nhận cả một vỏ trái bom B52 từ khách hàng nhờ cải tạo thành chuông. “Tôi sẽ cố gắng biến công cụ sát thương nặng 170kg này thành chiếc chuông đặc biệt”, anh Đức bộc bạch.
Anh Đức còn nhận chỉnh âm cho những nhạc cụ như cồng, chiêng, phèn la…
Đây là chiếc chuông gió xoay được mô phỏng theo chiếc đàn T’rưng.
Những chiếc chuông đá này không gõ mà anh Đức dùi cọ quanh thành miệng tạo ra âm thanh cộng hưởng nhẹ nhàng kết hợp với âm thanh giàn chuông gió bên trên hòa thành một giai điệu Thiền.
Tần số Solfeggio 528Hz, còn được gọi là tần số tình yêu, giai điệu kỳ diệu, tần số sửa chữa DNA, tần số biến đổi được biết đến với tác dụng biến đổi mạnh mẽ đối với cơ thể con người vì nó giúp trả lại DNA của con người về trạng thái ban đầu, hoàn hảo, và đó là lợi ích của việc tăng cường năng lượng.
Theo một số nghiên cứu, tần số 432Hz có tác dụng giúp giải phóng căng thẳng và giảm stress khỏi cơ thể và tâm trí một cách tự nhiên; giải phóng serotonin và endorphin, giữ cho huyết áp và nhịp tim ổn định; giải phóng sự tắc nghẽn năng lượng tiêu cực và hoạt động như một công cụ chữa lành âm thanh tốt để thải độc tố.
“Từ ngàn xưa, âm thanh đã được dùng trong trị liệu, phục hồi sức khỏe cho con người. Ngày nay, âm thanh được ứng dụng trong các kỹ thuật nuôi trồng… Rất đa dạng và nhiều công dụng. Tôi đang dự định xây dựng cho mình một không gian mà khi ai bước vào đó cũng có thể được "tắm" âm thanh, gột rửa đi những ưu tư trong tâm trí, phục hồi sức khỏe”, anh Đức nói về dự định của mình.
Phạm Nguyễn