Chuyện về những cựu chiến binh trên mặt trận kinh tế

Sống gương mẫu, tích cực nỗ lực phát triển kinh tế là cách mà nhiều cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang thực hiện. Điển hình trong số đó có 3 hội viên CCB: Bùi Quốc Công, Lê Quang Hiền, cùng ngụ thị trấn Chợ Gạo; Huỳnh Ngọc Cường, ngụ xã Bình Phục Nhứt.1. CCB Bùi Quốc Công (sinh năm 1969, ngụ khu III, thị trấn Chợ Gạo), năm 1989, ông tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Đến năm 1991, ông trở về địa phương và tập trung làm ăn, phát triển kinh tế gia đình trên quê hương của vợ tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây với nghề sửa xe máy mà ông học được từ người cậu của mình. Còn vợ ông mở tiệm may nhỏ kiếm thêm thu nhập.

CCB Bùi Quốc Công.

CCB Bùi Quốc Công.

Với bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Công không ngại khó, tích cực làm việc, tiết kiệm mỗi ngày một ít từ việc sửa xe máy và tiền may vá của vợ. 10 năm sau dành dụm được ít vốn, ông Công cùng vợ mua mảnh đất nhỏ cất nhà tại khu III, thị trấn Chợ Gạo.

Được sự hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho ông Công của chính quyền thị trấn Chợ Gạo, gia đình ông đã có được căn nhà tươm tất, ổn định chỗ ở, yên tâm làm việc. Có nhà, ông Công tiếp tục mướn mặt bằng làm chỗ sửa xe máy tại khu I, thị trấn Chợ Gạo cho đến nay.

Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, tay nghề ngày càng cao, nhiều khách quen cách tiệm vài cây số vẫn mang xe đến cho ông sửa. Ông còn nhận dạy nghề sửa xe máy cho nhiều thế hệ học trò, với mong muốn các thanh niên có ý chí, chịu khó làm ăn, có nghề nghiệp ổn định, phát triển kinh tế gia đình.

Ông cùng vợ đã tạo dựng cuộc sống gia đình khấm khá, nuôi dạy con chăm ngoan, học tốt, hiện con gái lớn của ông đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, con gái nhỏ đang học lớp 12.

CCB Lê Quang Hiền.

CCB Lê Quang Hiền.

2. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, CCB Lê Quang Hiền, ngụ khu II, thị trấn Chợ Gạo chia sẻ: “Sau những tháng thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, năm 1989, tôi xuất ngũ trở về địa phương. Thời gian đầu mới xây dựng gia đình vào năm 1990, cuộc sống vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn, do không có đất, không có vốn sản xuất. Với ý chí quyết tâm vượt khó, vợ chồng tôi cố gắng phát triển kinh tế gia đình với nghề mua bán gà, vịt”.

Khi có điều kiện, ông Hiền đầu tư mua máy móc làm sạch lông gà, vịt, sau đó đem ra chợ bán mỗi ngày. Nhờ bản tính vui vẻ, nhiều năm mua bán, khách hàng ngày càng đông, mỗi ngày ông phải thuê từ 4 đến 5 nhân công làm sạch lông gà, vịt để kịp bán.

Kinh tế phát triển giúp vợ chồng ông có điều kiện nuôi 2 con ăn học thành đạt, con trai lớn của ông đã tốt nghiệp Học viện Hàng không, hiện đang công tác tại sân bay Tân Sơn Nhất, con gái út đang học năm thứ 4 Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Ông Hiền chia sẻ: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, trước hết bản thân tôi luôn cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất; sau đó tìm hiểu, tính toán làm nghề phù hợp với khả năng của bản thân, để phát triển kinh tế gia đình khấm khá”.

3. Phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, CCB Huỳnh Ngọc Cường, ngụ ấp Bình Khương II, xã Bình Phục Nhứt, đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên và trở thành tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương với mô hình trồng màu dưới chân ruộng.

CCB Huỳnh Ngọc Cường.

CCB Huỳnh Ngọc Cường.

Đi bộ đội năm 1988 tại Quân đoàn 4, sau thời gian làm nhiệm vụ, đến cuối năm 1990, ông Cường trở về địa phương. Khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho 1,5 công đất ruộng để làm ăn. Phát huy lợi thế của địa phương là phát triển cây màu dưới chân ruộng, ông Cường lên liếp trồng màu và chọn hẹ là cây trồng chủ lực. Theo ông Cường, hẹ khá dễ trồng, mỗi đợt trồng thu hoạch từ 6 - 7 lần/năm, mỗi lần thu hoạch cách nhau 40 ngày.

Bên cạnh đất canh tác của gia đình, ông Cường còn mướn thêm ruộng của bà con xung quanh để trồng các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao như hành, hẹ, rau, cải các loại… Ông Cường cho biết, để việc trồng rau màu đạt năng suất, người nông dân cần chú trọng đến việc chọn giống thuần và khâu xử lý đất. Trong quá trình canh tác, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do ngành chuyên môn huyện, xã tổ chức; đồng thời, học hỏi thêm kinh nghiệm của những người trồng rau màu hiệu quả.

Nhờ chịu khó học hỏi và cần cù, chăm chỉ, các đợt thu hoạch rau màu của gia đình ông Cường đều đạt năng suất và được giá. Từ đó, nâng cao thu nhập, ông Cường tích lũy mua thêm 4,5 công ruộng để phát triển diện tích trồng rau màu của gia đình.

Hiện tại, ông luôn duy trì 2,5 công đất trồng hẹ, phần còn lại trồng hành và các loại rau cải. Hằng năm, ông có nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 150 triệu đồng từ diện tích đất trồng rau màu của gia đình.

Vươn lên bằng nghị lực của bản thân để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, CCB Huỳnh Ngọc Cường không chỉ là điển hình về làm kinh tế giỏi, làm giàu chính đáng, mà còn là gương sáng “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình để hội viên, CCB học tập, noi theo.

N.DUYÊN - N.XUYÊN - P.M

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202410/chuyen-ve-nhung-cuu-chien-binh-tren-mat-tran-kinh-te-1022934/