Chuyện về những ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử

Để có được một Việt Nam hòa bình và tươi đẹp, biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống và viết nên những trang sử vẻ vang, thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước. Long An có nhiều nhà hoạt động cách mạng mà khi nhắc tới, ai cũng kính phục và tự hào. Càng vinh dự hơn khi nhiều trường học được đặt theo tên các nhân vật lịch sử để khắc ghi công lao to lớn và nhắc nhở thế hệ hôm nay sống, cống hiến để xứng đáng với các bậc tiền nhân.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ trong buổi lễ khai giảng năm học

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ trong buổi lễ khai giảng năm học

1. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), quê làng Long Phú, Trung Quận (nay thuộc huyện Bến Lức). Sau khi tốt nghiệp trung học ở Mỹ Tho, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp cử nhân luật năm 22 tuổi. Về nước, ông mở văn phòng luật sư bênh vực cho dân nghèo và tham gia các hoạt động yêu nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia kháng chiến và lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp: Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,...

Được dạy và học ở ngôi trường mang tên THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức), giáo viên (GV), học sinh (HS) không chỉ hãnh diện, tự hào mà còn ra sức phấn đấu để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, trường tổ chức dạy phân hóa theo năng lực HS dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học, GV tạo điều kiện hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với đối tượng HS. Trong quá trình thực hiện các hoạt động dạy học, GV chú trọng rèn luyện kỹ năng và khả năng tự học cho HS; đồng thời, hướng dẫn HS tự quan sát, đánh giá quá trình, kết quả hoạt động học tập, rèn luyện của mình.

Thầy Nguyễn Duy Thanh - GV môn Tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, chia sẻ: “Tùy theo học lực của mỗi lớp, tôi có phương pháp dạy học phù hợp. Tuy nhiên, điểm chung luôn là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiết học được trực quan, sinh động; tổ chức các trò chơi để HS hứng thú học tập và theo sát HS yếu. Nhờ vậy, nhiều HS dần tiến bộ trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường".

2. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1837-1868), một trong những nhân vật lừng danh và là niềm tự hào của quê hương Long An. Ông là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Tên tuổi người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực gắn với chiến công vang dội: Đốt cháy tàu L’Espérance - tàu Hy Vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16/6/1868. Theo đó, ngày 11/12/1864, ông dùng hỏa công đốt tàu L’Espérance trên vàm sông Nhựt Tảo, tiêu diệt toàn bộ địch quân, trong số này có Trung tá Parfait. Chiến thắng này là chiến công oanh liệt và lần đầu tiên kháng chiến quân dưới sự lãnh đạo của ông đã dùng chiến thuật du kích, tiêu diệt được một tàu chiến Pháp.

Sau đó, ông còn mở những cuộc tấn công táo bạo khác nhắm vào các đồn Thuộc Nhiêu, Thủ Thừa, Bến Lức, Mỹ Hạnh, Phước Lý, Long Thành, Phú Lâm, Bà Hom. Và sau khi Pháp lấn chiếm các tỉnh miền Tây, Nguyễn Trung Trực cũng đổi địa bàn hoạt động kháng chiến về vùng Hà Tiên để cản bước quân thù. Trong đó, trận đánh đột kích thành Rạch Giá đêm 16/6/1868 vô cùng thần kỳ và táo bạo.

Nguyễn Trung Trực còn nổi tiếng với câu nói được coi là chân lý, tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, chống ngoại xâm đến cùng của cả dân tộc Việt Nam: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”. Cuộc đời và sự nghiệp của ông trở thành huyền thoại đầy tự hào của người dân Long An nói riêng và Nam bộ nói chung.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trung Trực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trung Trực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Khi được giảng dạy, học tập tại ngôi trường mang tên THCS Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức), GV, HS nơi đây rất đỗi tự hào và luôn cố gắng để xứng đáng với vị Anh hùng dân tộc. Một trong những hoạt động nổi bật của trường là giáo dục truyền thống, lịch sử cho HS. Thông qua những bài học lịch sử, trường không chỉ muốn HS hiểu, cảm nhận về một thời gian khó, vẻ vang của dân tộc mà còn khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước trong các em. Bởi, lịch sử chứa đựng những bài học giá trị không thể thay thế. Đó là giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, trách nhiệm đối với quê hương, Tổ quốc. Do vậy, trong phần lịch sử Việt Nam, trải dài từ thời cổ đại đến hiện đại, GV luôn thông qua những câu chuyện lịch sử, phim tư liệu, tranh,… để giúp HS hiểu bài và hứng thú học tập.

Ngoài ra, trường còn tổ chức cho HS lớp 9 đi thực tế tại các di tích lịch sử. HS được nghe, xem phim tư liệu về những trận đánh, sự gian khổ của ông cha ta ngày xưa khi phải sinh sống trong lòng đất, trải nghiệm đường hầm trú ẩn,... Từ đó, HS có những cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử.

Cô Nguyễn Thị Xuân Trang - GV môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Trung Trực, cho biết: “Trong quá trình dạy, tôi lồng ghép những câu chuyện, nhân vật lịch sử của Long An, đặc biệt là Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; đồng thời, cho các em xem phim tư liệu, video hay về lịch sử,... Nhờ vậy, tiết Lịch sử không còn nhàm chán, các em chú ý vào tiết học và hiểu về lịch sử, được đắp bồi tinh thần yêu nước, quý trọng thời bình. Đó là những giá trị quý báu mà môn Lịch sử mang lại”.

Được dạy và học ở những ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử - những người con ưu tú, kiệt xuất của quê hương, GV, HS không chỉ tự hào mà luôn dạy, học và sống xứng đáng với những người đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước/./.

Ngọc Thạch

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ve-nhung-ngoi-truong-mang-ten-nhan-vat-lich-su-a119931.html