Chuyện về những người 'giữ lửa' công tác dân số

Dù không có lương, chế độ phụ cấp hàng tháng thấp nhưng những cộng tác viên Dân số, Gia đình và Trẻ em (CTV) vẫn miệt mài 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng' để tuyên truyền, vận động. Họ được ví như những người 'giữ lửa' công tác dân số (DS) ở cơ sở.

Những bước chân không mỏi

Có dịp đến nhà bà Trương Thị Nhi (ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An), chúng tôi ấn tượng trước Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp DS và nhiều bằng khen, giấy khen được treo trang trọng trong phòng khách. Hỏi ra mới biết, bà Nhi bắt đầu làm CTV DS, Gia đình và Trẻ em cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó, bà Nhi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, đường sá còn sình lầy, mỗi lần đi cơ sở rất vất vả. Nhận thức của người dân địa phương về công tác DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) còn hạn chế, nếp nghĩ sinh con trai để “nối dõi tông đường” vẫn còn. Vì vậy, bà Nhi tìm cách đổi mới phương pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Trương Thị Nhi vẫn nhiệt tình với công tác dân số

Dù tuổi đã cao nhưng bà Trương Thị Nhi vẫn nhiệt tình với công tác dân số

Những bước chân không mỏi của bà Nhi in dấu trên từng đường làng, ngõ xóm. Bà kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tranh thủ các buổi trưa hoặc tối, bà đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con hay các cặp vợ chồng sinh con một bề để vừa trò chuyện, kết hợp tư vấn, vận động không sinh nhiều con, không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh để bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dạy con thật tốt. Mưa dầm thấm lâu, dần dần, các cặp vợ chồng hiểu và thay đổi nhận thức. Bà Nhi chia sẻ: “Để làm tốt công việc được giao, tôi thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức qua sách, báo, các phương tiện truyền thông và sâu sát địa bàn. Không phải gia đình nào cũng đồng thuận, nhất trí ngay từ lần đầu vận động nên mỗi khi tuyên truyền thành công là niềm vui nhân đôi. Đó là động lực giúp tôi gắn bó với công việc”.

Công việc nhiều, phụ cấp dành cho CTV còn thấp nhưng không vì thế mà bà Nhi lơ là trong công việc. Trải qua biết bao chuyện vui, buồn của nghề “vác tù và hàng tổng”, đến nay, bà Nhi nắm như lòng bàn tay tình hình DS cũng như gia cảnh từng hộ trên địa bàn phụ trách. Các số liệu về DS đều được bà cập nhật đầy đủ, chính xác và thường xuyên. Vừa qua, bà Nhi vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào DS. Chia sẻ về những tâm tư, tình cảm với nghề, bà Nhi cho biết: “Nếu nặng về vật chất sẽ khó hoàn thành công việc được giao. Niềm vui lớn nhất của tôi là được chị em tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ những tâm sự thầm kín và có thể đóng góp chút công sức vào công tác DS-KHHGĐ của địa phương”.

"Cầu nối" đưa chính sách dân số đến người dân

Với người dân khu phố Thủ Khoa Thừa 3, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, hình ảnh người phụ nữ miệt mài với chiếc xe đạp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” lâu nay trở nên quen thuộc. Người phụ nữ đó là bà Nguyễn Thị Mới - người có “thâm niên” 22 năm làm CTV DS, Gia đình và Trẻ em.

22 năm qua, bà Nguyễn Thị Mới vẫn miệt mài trên chiếc xe đạp, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động

22 năm qua, bà Nguyễn Thị Mới vẫn miệt mài trên chiếc xe đạp, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động

Dù đã 68 tuổi nhưng hàng ngày, bà Mới vẫn thầm lặng làm việc có ích cho đời mà không quản ngại khó khăn. Nơi nào có người dân, nơi đó có dấu chân của bà đến tuyên truyền, vận động. Bà là "cầu nối" đưa chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân. Nhờ đó, các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ của khu phố đều đạt và vượt. Nhiều năm liền, địa bàn do bà Mới phụ trách không có người sinh con thứ 3 trở lên; trên 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại.

Ngoài ra, bà còn đi đầu trong các phong trào và làm gương cho người khác noi theo; đồng thời, phối hợp chặt chẽ viên chức DS, ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vãng gia. Qua đó, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng DS như khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, thanh niên; sàng lọc trước sinh, sơ sinh để kịp thời phát hiện dị tật thai nhi (nếu có) để có phương pháp xử lý tốt nhất. Là người địa phương, bà Mới nắm rõ từng đối tượng nên khi nắm biết các cặp vợ chồng sinh con một bề, gia đình khá giả có tư tưởng muốn đông con hoặc trọng nam, khinh nữ, quan niệm sinh con trai để “nối dõi tông đường”, bà thường xuyên tìm cách tuyên truyền, giải thích để họ hiểu và dừng ý định đó.

Bà Nguyễn Thị Mới luôn nỗ lực phát huy tốt vai trò "cầu nối", đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với người dân

Bà Nguyễn Thị Mới luôn nỗ lực phát huy tốt vai trò "cầu nối", đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với người dân

Chia sẻ kinh nghiệm gắn bó với công việc trong suốt ngần ấy thời gian, bà Mới cho rằng: “Việc tuyên truyền về công tác DS phải bằng cái tâm, cái tình, thật khéo léo, tế nhị để không chỉ chị em hiểu mà chồng cũng hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Công tác tuyên truyền những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ được thực hiện không chỉ tại các hội nghị, cuộc họp, qua loa phát thanh mà còn “gặp đâu tuyên truyền đó”. Điều quan trọng nhất là phải yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới gắn bó được lâu dài”.

Với những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian dài làm công tác DS-KHHGĐ, bà Mới biết cách vượt qua khó khăn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Những bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp DS minh chứng cho những đóng góp tích cực của bà trong phong trào DS tại địa phương.

CTV là “cánh tay nối dài”, người “giữ lửa” công tác DS ở cơ sở. Ở họ có điểm chung là tận tâm, nhiệt huyết trong công việc. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, song đội ngũ CTV vẫn thầm lặng thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao để góp phần nâng cao chất lượng công tác DS trên địa bàn tỉnh /.

Hiện toàn tỉnh có 3.503 cộng tác viên DS, Gia đình và Trẻ em. Để phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên, thời gian tới, cùng với việc đào tạo, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cần thiết trong công tác tuyên truyền, vận động, cần có chế độ đãi ngộ, chính sách khen thưởng kịp thời nhằm khuyến khích, “giữ chân” đội ngũ cộng tác viên gắn bó lâu dài với công việc.

Huỳnh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-giu-lua-cong-tac-dan-so-a146957.html