Chuyện về những người lính cứu hỏa

Nghề nào cũng có những vinh quang riêng, song với những cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào về nghề nghiệp, là sự hy sinh thầm lặng và nỗi niềm ít được sẻ chia. Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thậm chí là đánh đổi cả mạng sống, họ vẫn không chùn bước, luôn nỗ lực vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

38 năm tuổi đời, 18 năm gắn bó với nghề phòng cháy chữa cháy và cứu nạ cứu hộ (PCCC và CNCH), Thiếu tá Nguyễn Duy Long, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Thủy điện Sơn La, không thể nhớ nổi đã trực tiếp cùng với đồng đội tham gia bao nhiêu vụ chữa cháy và CNCH. Song, trong ký ức của anh, “trận chiến với giặc lửa” mà anh không thể quên là vụ tham gia chữa cháy kho hương Hà Vững ở thành phố Sơn La năm 2004. Anh Long kể: Hôm đó đang gần Tết, trực tại đơn vị, nhận được tin báo cháy lúc 12 giờ đêm, chỉ huy tập hợp lực lượng gồm xe chuyên dụng và cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng di chuyển đến hiện trường tham gia chữa cháy. Do cháy vào ban đêm, toàn bộ khu vực kho xưởng là các mùn trầm sản xuất hương, gỗ dễ cháy lại trong điều kiện nhiệt nhiều, khói, khí độc che khuất tầm nhìn, nên việc khống chế ngọn lửa gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều giờ kiên cường chiến đấu, tôi và đồng đội đã khống chế được đám cháy. May mắn, vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hành bơi CNCH dưới nước.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hành bơi CNCH dưới nước.

Kế tiếp là vụ cháy rừng phía sau Điện lực Sơn La cách đây hơn 14 năm, cũng là lần anh Long may mắn thoát nạn được nguy hiểm khi đang làm nhiệm vụ. Anh Long kể: Khi tôi cùng đồng đội đang dùng lăng vòi chữa cháy dập lửa vụ cháy rừng thì thì gió bất ngờ đổi chiều, lúc đó tôi cảm nhận được hơi nóng bỏng rát của lửa tạt vào người, thật may lúc đó, có một đội chữa cháy khác dùng lăng vòi phun nước dập lửa, đảm bảo an toàn cho anh em. Như vậy mới thấy, để có thể trở thành người lính cứu hỏa, ngoài sự dũng cảm, thì sự ăn ý giữa những người đồng đội trong lúc làm nhiệm vụ cũng rất quan trọng, giúp quá trình khống chế, dập tắt vụ cháy nhanh chóng hơn. Sau mỗi vụ, toàn đội thường nhìn lại quy trình, rút ra những kinh nghiệm để xử lý, khắc phục hạn chế trong quá trình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tiếp theo.

Một trong những chiến sỹ có tuổi đời còn trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm và tham gia nhiều vụ cứu hộ, cứu nạn, phải kể đến Thượng sỹ Tòng Văn Đức, sinh năm 1999. Sau 3 năm tham gia nghĩa vụ, vừa rồi, Đức được xem xét, tuyển dụng vào lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, hiện, anh đang công tác tại Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Thành phố. Gần đây nhất, một mình Đức trực tiếp xuống giếng trục vớt thi thể người phụ nữ tử vong dưới giếng sâu tại tổ 2, phường Chiềng Cơi. Anh nhớ lại: Đây là lần đầu tiên, tôi thực hiện cứu nạn một mình, không gian giếng hẹp chỉ đủ 1 người xuống, xuống sâu không khí trong giếng càng thấp, khi xuống đáy mực nước còn sâu 2m, gặp nhiều khó khăn tiếp cận thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, nhờ những kiến thức đã được huấn luyện, tôi đã đưa được nạn nhân ra khỏi giếng nước.

Bằng tuổi với Đức, chiến sỹ trẻ Lường Văn Thắng cũng đã có 4 năm tham gia chữa cháy, CNCH, Thắng bảo: Nhớ nhất là vụ vớt thi thể rơi xuống giếng ở Thuận Châu vào năm 2020. Hôm đó là chiều tối mùa đông, thời tiết lạnh buốt, thi thể lại bị gạch đá đè, vùi lấp dưới nước, tôi và đồng đội vừa ngâm mình trong nước lạnh, thay nhau dùng xẻng để bới gạch tìm nạn nhân, sau 3 tiếng đồng hồ mới trục vớt được thi thể. Xúc động nhất là sau khi nạn nhân được đưa lên, người nhà và người dân đứng xếp hàng, bắt tay cảm ơn chúng tôi, đó chính là động lực lớn nhất để tôi thêm yêu nghề.

Trò chuyện với 2 chiến sỹ trẻ Đức và Thắng, họ đều có chung một tâm sự, những lần tham gia cứu nạn cứu hộ, lại là vớt tử thi đuối nước hay tai nạn giao thông..., đều bị ám ảnh về những gì mình chứng kiến, mất ngủ nhiều đêm. Mặc dù đã qua huấn luyện và đã có thời gian trong nghề, song không bao giờ quên được cảm giác tim mình thắt lại khi chạm vào nạn nhân lạnh toát, hay thi thể không còn nguyên vẹn... Nhưng vì tính chất khẩn thiết của công việc, vì hiểu được ý nghĩa của công tác cứu nạn, cứu hộ, tất cả vì sự bình an của nhân dân, nên các anh đã vượt lên chính mình, làm quen và dần dạn dày hơn trong công việc.

Càng trò chuyện nhiều càng hiểu thêm được nỗi vất vả của những người lính cứu hỏa. Hễ nghe được thông tin cháy, tai nạn, họ không bao giờ nề hà, sẵn sàng lên đường, bất chấp mọi nguy hiểm. Điều họ lo lắng, áy náy nhất, là không cứu được người hay tài sản của nhân dân.

Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, chia sẻ: Công tác PCCC và CNCH là nghề nguy hiểm, đối diện với nhiều gian nan, vất vả; chỉ cần một giây sơ suất, chúng tôi lại có thể trở thành nạn nhân. Do đó, đơn vị luôn thường xuyên tổ chức tập luyện, rèn luyện thể lực, ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Đồng thời, thường xuyên trau dồi kiến thức, tập huấn kỹ năng, nâng cao tay nghề, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân; thường trực 24/7, sẵn sàng đáp ứng nhanh chóng, có mặt kịp thời khi có cháy nổ, CNCH xảy ra... Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tham gia hàng chục vụ chữa cháy; tổ chức 25 vụ CNCH, trực tiếp cứu được 30 người và tìm được 15 thi thể nạn nhân; cứu hộ thành công 9 ô tô và 2 xe máy, phối hợp với các lực lượng và quần chúng nhân dân di chuyển tài sản ra vị trí an toàn...

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong bất cứ trường hợp nào xảy ra, những người lính cứu hỏa luôn dặn lòng “Cứu tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết”. Nhân 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, chúng tôi xin được chúc những người lính PCCC và CNCH luôn vững tinh thần, nghị lực để vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuyen-ve-nhung-nguoi-linh-cuu-hoa-52766