Chuyện về những người thầy không bảng đen, phấn trắng

'Ta lặng lẽ bên ngoài song cửa sắt/Phía trong kia không kho báu ngọc ngà/Là tội ác những mảnh đời lầm lỗi/Theo tháng năm dài gắn cuộc đời ta/Ta dốc hết sức thanh xuân tuổi trẻ/Dùng đạo nghĩa để chỉ lối, soi đường… Người quản giáo, một người thầy bản lĩnh/Tóc bạc dần dù không bụi phấn bay/Trang giáo án là tấm lòng nhân ái/Trò học xong không quay lại nơi này…'

Đại úy Nông Văn Kiều, Quản giáo Đội phân trại dạy chữ cho phạm nhân.

Đại úy Nông Văn Kiều, Quản giáo Đội phân trại dạy chữ cho phạm nhân.

Những vần thơ trên trang Page Facebook Công an Trại giam đã hàm chứa khá đầy đủ câu chuyện về những người thầy không bảng đen, phấn trắng. Song được trực tiếp trò chuyện cùng các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh, chúng tôi mới cảm nhận đầy đủ hơn tình thầy - trò ở nơi đây.

Trong câu chuyện với một số phạm nhân, chúng tôi nhận thấy rất nhiều lý do dẫn đến phạm tội. Có người rơi vào vòng lao lý chỉ vì một phút nông nổi không kiềm chế được bản thân; người phạm tội do làm ăn buôn bán; có trường hợp phạm tội là do không biết chữ. Trường hợp phạm tội của anh Nguyễn Văn T. ở xã Trung Hội (Định Hóa) là một ví dụ. Quê anh T. ở Hà Nam, anh theo bố mẹ lên Định Hóa khai hoang, sinh sống từ nhỏ. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh không được đi học như các bạn cùng trang lứa. 21 tuổi lấy vợ, sinh được 3 cô con gái. Sau nhiều năm tích cóp, gia đình mua được 1 chiếc ô tô tải, anh thuê người cháu lái xe, mình đi theo phụ việc vận chuyển hàng hóa. Vợ anh ở nhà đi theo nhóm bán hàng đa cấp thua lỗ, vay nợ khắp nơi. Chỉ đến khi các chủ nợ kéo đến nhà đòi tiền anh mới biết. Bán cả xe, ruộng để trả nợ vẫn không hết, vợ anh đã viết giấy bán nhà rồi nói dối anh cứ điểm chỉ vào không có vấn đề gì đâu. Do không biết chữ nên vợ bảo sao anh làm vậy. Đến khi mất nhà, anh mới biết. Hai vợ chồng xảy ra cãi cọ, trong lúc nóng nảy, sẵn cái kéo anh T. đã đâm vào tay vợ. Qua giám định, vợ anh mất 12% sức khỏe, anh T. bị tòa án xử 15 tháng tù giam. Anh T. bảo: Đi cải tạo tôi mới hiểu không biết chữ là cái khổ lớn nhất. Cũng chỉ vì không biết chữ mà tôi bị vợ lừa rồi phạm tội. Trong quá trình cải tạo, các “thầy” chỉ bảo nhiều điều trong cuộc sống mà còn dạy tôi biết đọc, biết viết.

Cầm trên tay cuốn sách Tiếng Việt lớp 1, tôi thấy anh T. đã đánh vần, ghép chữ rất trơn chu. Đại úy Nông Văn Kiều, Quản giáo Đội Phân trại, quản lý phạm nhân, người trực tiếp dạy chữ cho anh T. nói với chúng tôi như tâm sự: Các phạm nhân đang cải tạo ở đây số không biết chữ tập trung vào người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Từ đặc điểm của mỗi phạm nhân, chúng tôi đề ra các biện pháp giáo dục, cảm hóa phù hợp để phạm nhân yên tâm về tư tưởng, chấp hành cải tạo tốt, sớm hoàn lương.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, Đội trưởng Đội Quản giáo chia sẻ chuyện nghề với chúng tôi: Gần 20 năm vào Ngành, thì cũng gần như ngần ấy năm Tết nào tôi cũng trực đợt 1 và đón giao thừa ở đơn vị. Trong con số gần 600 can, phạm nhân mà Trại Tạm giam đang quản lý, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Để giáo dục, cảm hóa các phạm nhân cải tạo tốt, phải thực hiện bằng cả tình yêu thương mới khiến phạm nhân tin tưởng, nghe theo người cán bộ quản giáo. Để làm được việc đó, đòi hỏi mỗi quản giáo phải tận tụy, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hết lòng, hết sức, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của phạm nhân để giúp đỡ, chia sẻ, giải đáp, giải quyết đúng pháp luật và thỏa đáng mọi kiến nghị chính đáng của phạm nhân. Có người ý thức cải tạo rất tốt, song một số vào đây có suy nghĩ tiêu cực. Vì thế, chúng tôi luôn sát sao, nắm bắt tâm lý từng can, phạm nhân để có biện pháp cảm hóa, giáo dục phù hợp. Bên cạnh việc tổ chức học pháp luật, giáo dục công dân, văn hóa, chúng tôi còn hướng dẫn cách ăn, ở hợp vệ sinh; dạy nghề, dạy trồng rau, nuôi lợn, gà, cá; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… tạo khí thế vui tươi, phấn khởi để phạm nhân cải tạo tốt. Trại tạm giam đã xây dựng được Quỹ tình thương, hằng ngày, mỗi cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm từ 2 đến 5 nghìn đồng ủng hộ Quỹ để mua các đồ dùng, thực phẩm cho các can, phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (những trường hợp bị bệnh xã hội, gia đình hoàn cảnh khó khăn, ở xa, hoặc không còn ai thân thích thăm nuôi).

Trò chuyện cùng chúng tôi, phạm nhân Trần Văn A., ở xã Ký Phú (Đại Từ) cho biết: Những người như chúng em tưởng không ai quan tâm, để ý, song vào đây luôn được cán bộ động viên, chăm lo, bản thân em thấy rất ân hận. Tết, chúng em được các “thầy” dạy gói bánh chưng, thịt lợn làm giò, chả, trang trí đón Tết… như ngoài đời thường. Đêm giao thừa, giám thị và các quản giáo đi từng phòng chúc Tết, tặng quà các can, phạm nhân. Từ sự động viên, giúp đỡ của các cán bộ, bản thân em đã nhận ra những lỗi lầm, cố gắng phấn đấu cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình. Còn phạm nhân Nguyễn Hoàng Đ., ở xã Thanh Ninh (Phú Bình) lĩnh án 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích nói: Chỉ vì một phút nông nổi nên cháu phạm tội. ơ nhà, cháu được bố mẹ chiều chuộng nên không biết làm gì cả. Trong quá trình cải tạo, cháu được các “thầy”, chỉ dạy từ cách ăn, nói, ứng xử, đặc biệt được dạy trồng rau, nuôi gà, chăn lợn, nấu cơm, những việc mà từ trước tới nay cháu chưa bao giờ phải đụng chân, đụng tay làm. Từ sự giáo dục của các “thầy” cháu mới biết trân trọng những giá trị trong cuộc sống. Cháu sẽ phấn đấu chấp hành tốt để được giảm án, sớm về với bố mẹ.

Thượng tá Đặng Kiên Cường, Giám thị Trại tạm giam khẳng định: Tập thể cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh luôn hiểu rõ vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục, cải tạo và chính sách “trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục, cải tạo” mới làm tốt nhiệm vụ trên”. Trong những năm qua, Trại tạm giam đã phát động phong trào thi đua đối với phạm nhân toàn phân trại với các chủ đề như “Giúp nhau cải tạo tốt”; xây dựng buồng giam, phòng ở “An toàn, vệ sinh, tình cảm”; thực hiện nghiêm các tiêu chí chấp hành án phạt tù, nội quy trại giam, cải tạo tốt. Công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân được vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, mang tính nhân văn sâu sắc, cảm hóa phạm nhân bằng thu phục nhân tâm, giúp họ nhận ra lỗi lầm từ chống đối chuyển sang tích cực, tự nguyện, tự giác học tập, cải tạo để sớm hòa nhập với cộng đồng.

Thúy Hằng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/chuyen-ve-nhung-nguoi-thay-khong-bang-den-phan-trang-267608-113.html