Chuyện về tổ dân phố không rác

Những du khách từ Hà Nội nếu một lần đến những 'tổ dân phố không rác' ở TP.HCM sẽ thầm ước rằng, giá như Thủ đô cũng có phong trào này.

Ảnh minh họa.

Được phát động từ năm 2009 với 26 mô hình điển hình được TP hỗ trợ kinh phí thực hiện tại 5 quận, đến nay, mô hình “khu phố không rác” đã nhân rộng khắp TP với 932 khu phố ở TP mang tên Bác.

Cách làm cũng đơn giản. Các hộ dân phải ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không để tồn đọng rác trước cửa nhà, gốc cây vỉa hè, hẻm; mỗi ngày chỉ đem rác ra một lần và ký hợp đồng thu gom rác với Cty dịch vụ công ích; các hộ kinh doanh buôn bán ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường; các quán ăn lớn, nhỏ phải có thùng rác bên cạnh…

Khi có một DN đến thuê địa điểm kinh doanh, một ban bệ với đầy đủ thành phần trong phường, ban điều hành khu phố đến vận động ký vào bản cam kết với nhiều nội dung cụ thể. Thí dụ chỉ để một hàng xe 2 bánh trước mặt tiền theo quy định; ký hợp đồng và giao rác đúng thời gian quy định, không để tràn lan dưới đường… Nếu để bị phạt 3 lần trong một tuần, chủ tiệm phải chấp nhận để cơ quan chức năng thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh...

Với cách làm ấy, người dân ở đây không chỉ vì cuộc sống của chính mình mà còn coi đó là niềm tự hào về ý thức trách nhiệm đối với vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

Thấy đây là một cách làm hay, từ năm 2012, TP Đà Nẵng cũng đã triển khai thực hiện mô hình "tổ dân phố không rác". Từ đó đến nay, từ chỗ chỉ có 469 tổ đăng ký triển khai mô hình này, đến năm 2013 đã nhân rộng lên 1.886 tổ.

Vậy với Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước thì sao?

Cũng đã có một tấm gương. Với kinh nghiệm thành công về quản lý đô thị của những năm trước, Q.Long Biên đã đề ra mục tiêu phấn đấu cho "Năm 2014 - năm trật tự văn minh đô thị" là: 100% các tuyến đường trên địa bàn quận không còn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, mái che mái, bục bệ, các vi phạm trật tự đô thị mang tính cố định còn xảy ra; 100% các hộ dân tuân thủ các quy định về trật tự đô thị; 100% các công trình xây dựng được kiểm soát, tỷ lệ công trình xây dựng có phép đạt 100% và đảm bảo “không nhìn thấy rác trên đường phố”.

Đến đây, nhiều người sẽ nhớ lại câu nói của Bác Hồ trong buổi nói chuyện với Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện ngày 18/01/1967: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Nguyễn Hoàng Linh

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/so-tay-nha-quan-ly/chuyen-ve-to-dan-pho-khong-rac.html