Chuyện về vợ chồng 'Mai An Tiêm' nơi địa đầu Tổ quốc

Trong những năm tháng đi đánh bắt hải sản thuê, anh Hoàng Văn Hiển, quê ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) gặp chị Nguyễn Thị Cảnh. Họ nên duyên vợ chồng. Sau khi cưới, anh chị làm ở vùng biển thuộc huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Ban đầu đi về. Năm 2005, anh chị quyết định ra đảo Trần, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô mưu sinh lập nghiệp lâu dài.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Hiển, chị Cảnh, hộ dân đầu tiên ra đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô (Quảng Ninh) lập nghiệp.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Hiển, chị Cảnh, hộ dân đầu tiên ra đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô (Quảng Ninh) lập nghiệp.

Ở đảo Trần, nước ngọt khan hiếm. Trước đây, trên đảo không có dân cư sinh sống, chỉ có các đơn vị bộ đội. Anh chị là hộ dân đầu tiên trên đảo nên mọi điều kiện vật chất rất thiếu thốn. Những ngày đầu bám đảo, đôi vợ chồng trẻ sống trong ngôi lều tạm dựng bằng cót ép do bộ đội biên phòng cho mượn và một máy phát điện để thắp đèn chiếu sáng. Anh Hiển cho biết: "Những ngày đó, trên đảo cái gì cũng thiếu, từ cái bát, đôi đũa, gáo múc nước… đến cây rau. Để mưu sinh, vợ bán hàng tạp hóa, tôi chèo thuyền đánh cá ven bờ". Đảo Trần là nơi các tàu đánh cá qua lại nhiều và thường vào nghỉ ngơi nên việc buôn bán của chị Cảnh khá thuận lợi. Hết hàng mẹ chị lại mua rồi nhờ tàu chuyển ra. Lúc rảnh chị lên rừng kiếm củi, nuôi gà, vịt để cải thiện. Có khi tranh thủ đi bắt ngao, mò hến, gom lại gửi vào đất liền cho người nhà bán giúp rồi mua thực phẩm, bánh kẹo, rau quả mang ra đảo. Vào những ngày mưa gió, căn nhà không chịu nổi gió, bão anh chị vào ở nhờ đơn vị bộ đội. Dần dần có điều kiện anh chị sắm tủ lạnh để bảo quản thức ăn, mua được bếp gas...

Giữa năm 2012, thực hiện đề án vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống, Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động phong trào "Tuổi trẻ bộ đội biên phòng Quảng Ninh với 30 ngày trợ giúp hộ dân đầu tiên của đảo Trần ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất". Gần 100 triệu đồng được quyên góp, hàng trăm ngày công của cán bộ, chiến sỹ dành cho gia đình chị Cảnh, giúp anh chị xây dựng ngôi nhà kiên cố với diện tích 60 m2.

Giờ đây, đảo Trần đông vui nhộn nhịp hơn trước. Đã có nhiều hộ dân ra đây lập nghiệp, được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, điều kiện sinh hoạt. Nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi, có phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh tách biệt. Anh Nguyễn Văn Nhân, người dân trên đảo cho biết: Ngày ra đảo nhận nhà mới, chúng tôi rất cảm động khi được hỗ trợ ti vi, giường, tủ, xe đạp... Đảo tuy vẫn còn thiếu thốn nhưng nay đã có điều kiện tốt hơn trước rất nhiều. Chị Đặng Thị Nga chia sẻ: Trước khi ra đảo, tôi nghĩ ở vùng xa xôi địa đầu của Tổ quốc, giao thông đi lại khó khăn sẽ thiếu thốn nhiều về vật chất, tình cảm của đất liền. Nhưng khi ra đây mới biết mấy năm gần đây, Đảng, Nhà nước và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện nên đời sống trên đảo ngày càng được cải thiện.

Trên đảo Trần đã có trường liên cấp khang trang hoạt động từ năm học 2016 - 2017 với kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng, đầy đủ trang thiết bị dạy học như trên đất liền. Cùng với các dự án xây dựng hạ tầng trên đảo, hiện Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ninh đang nâng cấp cầu tàu Vụng Nam để tiếp nhận các tàu hàng trọng tải 2.000 tấn, hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ để mở thêm cơ hội cho đảo Trần. Các hạng mục đê biển, đường giao thông, trạm xá, trụ sở hành chính, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà công vụ... đã và đang hoàn thiện, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho quân và dân trên đảo.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/139144/chuyen-ve-vo-chong-mai-an-tiem-noi-dia-dau-to-quoc.htm