Citi dự báo lạc quan hơn về kinh tế Việt Nam hậu bão Yagi

Citi nâng dự báo GDP của Việt Nam sau khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý 3.

 Bà Ngô Thị Hồng Minh

Bà Ngô Thị Hồng Minh

Tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý 3 tăng tốc lên 7,4% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 7,1% trong quý 2, nhờ sự đóng góp của cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Con số này vượt ngoài kỳ vọng, ngay cả khi không tính đến những các động từ El Nino khiến nền quý 2 thấp. Tiêu dùng và đầu tư tiếp tục tăng tốc, kết hợp với sự phục hồi mạnh mẽ nhờ xuất khẩu bắt đầu từ nửa cuối năm 2023.

Các chuyên gia kinh tế của Citi nhận định động lực tăng trưởng mạnh nhất trong quý 3 có khả năng đã diễn ra vào tháng 7 và tháng 8.

Các biến động thời tiết gần đây có thể đã làm suy yếu đà tăng trưởng trong tháng 9 và ảnh hưởng một phần sang tháng 10. Dữ liệu tháng 9 cho thấy doanh thu bán lẻ giảm cùng với Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất và lượng khách du lịch. Lạm phát thực phẩm tăng nhẹ trong tháng 9, một phần có thể do các gián đoạn về chuỗi cung ứng, nhưng đã được bù đắp bởi giá xăng dầu giảm.

Với mức tăng trưởng GDP tính đến quý 3 năm 2024 đạt 6,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ vượt mức 6,5%, cao hơn so với dự báo trước đây của Citi là 6,3%.

"Chúng tôi tin rằng hậu quả của bão Yagi có thể ảnh hưởng đến GDP trong ngắn hạn, nhưng sự phục hồi của nhu cầu nội địa vẫn duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam. Tại thời điểm này, chúng tôi cho rằng phạm vi dự báo tăng trưởng GDP của Citi trong năm 2024, từ 6% đến 6,5%, vẫn hợp lý", bà Ngô Thị Hồng Minh, Giám đốc Khối Thị trường Tài chính và Nguồn vốn của Citi Việt Nam cho biết.

Về triển vọng kinh tế năm 2025, Citi thận trọng trước những bất ổn chu kỳ trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng vẫn lạc quan về sự phục hồi đều đặn của nhu cầu nội địa. Nhìn xa hơn, với đà tăng mạnh mẽ của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực xuất khẩu mở rộng, Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng thị phần thương mại quốc tế của mình trong trung hạn.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu có thể chậm lại vào năm 2025 do những thách thức mang tính chu kỳ, nhất là khi đã xuất hiện dấu hiệu chững lại trong thị trường máy tính toàn cầu, lĩnh vực gần đây đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu điện tử của Việt Nam.

Sự phục hồi gần đây của xuất khẩu dệt may cũng không ổn định, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ đang suy yếu.

Citi vẫn đang theo dõi sát sao kết quả cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, một yếu tố có thể ảnh hưởng đến các chính sách thương mại. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế của ngân hàng tin rằng nhu cầu nội địa vẫn là một bệ đỡ quan trọng cho kinh tế Việt Nam.

Khi Mỹ hạ lãi suất, việc giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái nói chung sẽ làm giảm áp lực tăng lãi suất ngắn hạn trong nước. Thị trường bất động sản vào năm 2025 cũng dự báo tiếp tục phục hồi nhờ những cải cách cơ cấu và giải phóng hàng tồn.

Dữ liệu cán cân thanh toán đã cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về các yếu tố gây áp lực lên đồng nội tệ trong quý 2. Thặng dư tài khoản vãng lai và dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI ròng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, đạt khoảng 8% GDP. Bước sang năm 2025, các chuyên gia kinh tế của Citi nhận định áp lực đối với đồng tiền Việt Nam sẽ giảm bớt so với năm nay, khi lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục có xu hướng giảm.

PV

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/citi-du-bao-lac-quan-hon-ve-kinh-te-viet-nam-hau-bao-yagi-156931.html