Cổ áo ố vàng, kiến bu lọ đường, dính keo 502... xử lý đơn giản bất ngờ

Không cần vứt bỏ chiếc sơ mi trắng khi cổ áo ố vàng; Nếu vô tình dính keo 502 vào tay, chân... bạn sẽ rất khó để có thể tách rời chúng...

Cổ áo ố vàng, làm sao khắc phục?

Có nhiều nguyên nhân khiến cổ áo bị ố vàng. (Ảnh: GQ)

Có nhiều nguyên nhân khiến cổ áo bị ố vàng. (Ảnh: GQ)

Có nhiều phương pháp để khắc phục tình trạng cổ áo ố vàng. Dưới đây là một số cách hiệu quả mà bạn có thể áp dụng:
Sử dụng chanh và muối

Chanh là một chất tẩy tự nhiên có tính axit, trong khi muối có tác dụng như một chất tẩy nhẹ.

Sử dụng chanh và muối là một trong những cách hiệu quả để khắc phục tình trạng cổ áo ố vàng. Để thực hiện, bạn hãy trộn nước cốt chanh với muối thành hỗn hợp sệt, sau đó thoa lên vùng cổ áo bị ố vàng. Để hỗn hợp này khoảng 30 phút rồi giặt sạch với nước ấm.

Sử dụng baking soda

Baking soda cũng là một lựa chọn tuyệt vời, không chỉ giúp làm sạch mà còn khử mùi hiệu quả. Bạn chỉ cần trộn baking soda với nước để tạo thành hỗn hợp sệt, thoa lên vết ố và để khoảng 30 phút, sau đó giặt lại với nước.

Sử dụng giấm trắng

Giấm trắng là một sản phẩm tự nhiên với khả năng tẩy rửa mạnh.

Bạn có thể pha giấm trắng với nước theo tỉ lệ 1:1, ngâm áo trong dung dịch này khoảng 30 phút rồi giặt lại với xà phòng như bình thường.

Sử dụng ôxy già

Dùng nước ôxy già, với tính khử trùng và làm trắng hiệu quả, cũng là một phương pháp hữu ích để tẩy vết ố vàng trên áo.

Bạn chỉ cần pha nước ôxy già với nước theo tỉ lệ 1:1, thoa dung dịch lên vùng cổ áo ố vàng và để khoảng 30 phút, sau đó giặt lại áo với nước sạch.

Sử dụng xà phòng đặc trị

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại xà phòng đặc trị dành riêng cho việc loại bỏ vết bẩn cứng đầu. Bạn chỉ cần tìm kiếm và làm theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì để đạt hiệu quả tốt nhất.

Một số lưu ý khi xử lý cổ áo ố vàng

Khi xử lý cổ áo bị ố vàng, bạn cần lưu ý một số điểm sau để đảm bảo hiệu quả mà không làm hỏng vải:

(Ảnh: Bright Clean)

(Ảnh: Bright Clean)

- Thử nghiệm trước: Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào, hãy thử nghiệm trên một vùng nhỏ của vải để đảm bảo không gây hại cho áo.

- Giặt ngay: Nếu bạn phát hiện vết ố, hãy giặt ngay khi có thể để ngăn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

- Tránh ánh nắng mặt trời: Sau khi xử lý, tránh phơi áo trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, vì điều này có thể làm vải bị ố vàng thêm.

Bao lâu nên thay ga gối một lần?

Thay ga gối định kỳ là yêu cầu bắt buộc nhằm giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây hại như vi khuẩn, nấm, bụi... Vậy bao lâu nên thay ga gối một lần để đảm bảo không gian ngủ sạch sẽ và an toàn, bảo vệ sức khỏe gia đình bạn?

Bao lâu nên thay ga gối một lần? (Ảnh: Everyday Health)

Thật ra, không có đáp án chính xác cho câu hỏi này vì mức độ bẩn của ga gối với từng gia đình, từng người sử dụng đều không giống nhau. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, người bị dị ứng, hoặc những người có nhu cầu cao về chất lượng vệ sinh, thay ga gối hàng tuần là lựa chọn tốt nhất. Trẻ nhỏ thường làm ướt giường hoặc hay ăn uống trên giường khiến ga gối dễ bị bẩn và cần phải thay thường xuyên. Nếu bạn có các vấn đề về da và hô hấp như dị ứng hoặc hen suyễn, việc thay ga gối thường xuyên giúp giảm tiếp xúc với mạt bụi và vi khuẩn.

Còn với những người không có vấn đề đặc biệt về sức khỏe, có thể kéo giãn thời gian thay ga gối nhưng không ít hơn 2 tuần một lần. Đây là khoảng thời gian đủ giữ cho ga gối sạch sẽ, giảm thiểu tích tụ bụi bẩn mà không tốn quá nhiều công sức.

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý kiểm tra ga gối thường xuyên để đảm bảo chúng không bị hỏng hóc hoặc bám bẩn. Nếu ga gối có dấu hiệu bị bẩn hoặc hỏng, hãy thay ngay lập tức, dù lần thay trước mới diễn ra vài ngày.

Một số đồ dùng cần được thay sau thời gian ngắn

Những món đồ sau cũng có thời hạn sử dụng ngắn, cần được thay thường xuyên theo định kỳ.

Ruột gối

Ruột gối cần được thay sau 6 tháng - 1 năm bởi nó chứa nhiều mạt bụi (Ảnh: Etsy)

Ruột gối cần được thay sau 6 tháng - 1 năm bởi nó chứa nhiều mạt bụi - loài rệp nhỏ kích thước khoảng 1/4mm, là tác nhân gây nổi mẩn, sưng tấy, ngứa ngáy. Ruột gối cũng chứa nhiều bào tử nấm. Theo nghiên cứu của Đại học Manchester, Anh, có hàng nghìn bào tử nấm ở những chiếc gối đã dùng quá 1,5 năm. Chúng có thể xâm nhập đường hô hấp, gây hen suyễn, viêm mũi.

Lời khuyên: 6 tháng - 1 năm nên thay ruột gối một lần.

Thảm chùi chân

Do được dùng để thấm nước và thu nhận chất bẩn ở chân nên vật dụng này chứa rất nhiều vi khuẩn. Bạn cần thay mới thảm chùi chân 6 tháng một lần.

Khăn mặt

Khăn lau mặt luôn ướt, lại thường được để trong môi trường ẩm, chứa nhiều chất dầu từ da mặt người nên vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhiều. Bạn nên thay mới nó sau 3 tháng.

Lược chải tóc

Lược chải tóc khá bền nhưng vẫn chứa các mầm bệnh, vì vậy nên thay sau 1 năm cho dù bạn đánh rửa thường xuyên.

Nhỏ vài giọt này vào, keo 502 có dính đến mấy cũng tan ngay

502 là loại keo dính rất chắc. Nếu vô tình dính keo vào tay, chân... hay bất cứ đồ dùng nào, bạn sẽ rất khó để có thể tách rời chúng. Nếu bạn dùng lực để tách ra thì có thể sẽ gây thương tích, chảy máu, hỏng đồ đạc.

Một vài mẹo được trang Sohu đăng tải dưới đây sẽ giúp bạn tách rời được mọi thứ khi bị keo 502 kết dính:

Dầu gió

Nếu ngón tay bị dính keo 502, bạn chỉ cần nhỏ vài giọt dầu gió lên chỗ dính rồi xoa xoa và chờ trong 2 phút. Chỗ keo dính sẽ dần tan ra.

Dùng nước xà phòng

Xà phòng là thứ hầu như gia đình nào cũng có, được sử dụng để tắm giặt, rửa tay...

Ngâm phần bị dính keo vào nước xà phòng ấm, bạn sẽ thấy hiệu quả sau vài phút. Ảnh: Sohu

Nếu chẳng may ngón tay bị dính keo 502, bạn chỉ cần ngâm phần dính keo vào nước xà phòng ấm khoảng 5 phút. Keo sẽ tự hết dính.

Dùng giấm trắng

Giấm trắng là một trong những loại gia vị phổ biến trong nấu ăn. Thành phần chính của giấm trắng là axit axetic, có tác dụng làm mềm, đánh tan vết bẩn.

Nếu ngón tay bị dính keo 502, bạn chỉ cần cho một ít giấm trắng vào bát, sau đó ngâm chỗ bị dính keo vào khoảng 2 phút. Bạn có thể dùng cách này với các loại đồ vật, nhưng cẩn thận kẻo món đồ mất đi màu sắc ban đầu.

Dùng nước tẩy sơn móng tay

Nếu trong nhà có lọ nước tẩy sơn móng tay, bạn chỉ cần nhỏ vài giọt lên phần keo 502 bị dính vào tay, sau đó chà nhẹ. Bạn sẽ thấy keo dần bong ra, hết dính sau 2 phút làm liên tục như vậy.

Dùng dầu ăn

Một mẹo rất đơn giản là dùng dầu ăn, thứ mà hầu hết các gia đình đều có. Bạn đổ một ít dầu ăn lên chỗ dính và lau nhẹ. Keo sẽ dần bong ra. Dầu ăn có thể dùng với các loại gỗ, sứ, đá bị dính keo 502.

Dùng máy sấy tóc

Máy sấy tóc có thể dùng để làm bong keo 502 dính trên gỗ, đá, sứ… Bạn bật máy ở chế độ nóng, sau đó sấy phần có keo dính. Không nên để quá nóng, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của đồ dùng.

5 cách đuổi kiến khỏi lọ đường nhanh nhất

Để có thể nhanh chóng đuổi hết kiến ra khỏi lọ đường, có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây.

Ảnh minh họa: freepik.com

Dùng nguyên liệu có mùi đặc trưng

Kiến rất nhạy cảm với mùi hương của thực phẩm nên có thể dùng chính cách này để đuổi kiến ra khỏi lọ.

Chỉ cần cho vào bên trong lọ đường một ít quế, đinh hương, hồi hoặc ớt khô, tỏi... và đợi khoảng 30-60 phút. Khi quay lại bạn sẽ thấy kiến đã di chuyển tới nơi khác bởi chúng không thích mùi hương của những nguyên liệu này. Chú ý là không nên để lâu bởi mùi hương nguyên liệu sẽ bám vào đường.

Đặt lọ đường vào trong chậu nước

Lấy một chiếc chậu, đặt lọ đường chứa kiến vào trong. Sau đó đổ nước xâm xấp mặt chậu và giữ nguyên khoảng vài giờ đồng hồ. Kết quả là kiến sẽ không còn trong lọ nữa mà sẽ chết chìm trong chậu nước.

Nguyên nhân chính là khi kiếm được thức ăn, kiến sẽ tha chúng về tổ. Việc có nước xung quanh lọ như một cái bẫy để kiến không có cơ hội quay trở lại lọ đường nữa.

Phơi nắng

Kiến không thích nhiệt độ cao, ở nơi nào nắng nóng chúng sẽ tự động bỏ đi. Bởi vậy có thể tận dụng đặc tính này để đuổi kiến ra khỏi lọ đường.

Đầu tiên cần sử dụng bất cứ mặt phẳng nào sạch, chẳng hạn như mâm hay tờ giấy khổ lớn. Tiếp đó đổ đường bị lẫn kiến ra, dàn đều đường và phơi ở nơi khô ráo có nhiều nắng. Có thể gõ vài cái lên mặt phẳng để kiến giật mình mà bò ra nhanh hơn. Nếu cần tăng hiệu quả đuổi kiến, có thể đặt ở gần nơi phơi đường một miếng bánh ngọt, dụ kiến bò nhanh qua hướng đó.

Hơ nóng

Một trong những cách có thể đuổi kiến nhanh nhất là dùng nhiệt, dễ nhất là hơ lửa. Theo đó, bật bếp gas ở mức to nhất, để khoảng 20 giây rồi tắt bếp. Mở nắp và đặt lọ đường lên bếp. Vài phút sau hơi nóng phả lên từ bên dưới sẽ khiến đàn kiến khó chịu và phải bò ra ngoài. Chú ý là nhiệt độ không quá cao bởi khiến đường bị chảy, thậm chí kiến sẽ chết trong lọ.

Ngoài ra có thể đốt một cây nến và hơ xung quanh lọ đường. Không áp dụng cách thức này với lọ làm từ nhựa.

Dùng đũa hoặc muỗng (inox hoặc gỗ)

Cách thực hiện khá đơn giản. Dùng đũa, muỗng hoặc que dài cắm sâu vào dưới đáy lọ đường. Đợi khi vật dụng này có thể dụ được kiến bám lên đó rồi rút cùng lũ kiến ra. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi rút được toàn bộ kiến khỏi lọ.

Ngoài ra, có thể mở nắp lọ, gõ nhẹ vào thành để kiến tìm đường thoát ra vì kiến sẽ bỏ trốn khi phát hiện có động. Tuy nhiên cách này hiệu quả không cao.

NS (th)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/co-ao-o-vang-kien-bu-lo-duong-dinh-keo-502-xu-ly-don-gian-bat-ngo-196240925104316025.htm