Cơ bản hoạt động trên môi trường số

Ngoài việc thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện thì đích đến quan trọng của quá trình chuyển đổi số là giúp ngân hàng tiết giảm chi phí tối đa, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận. Sau thời gian triển khai, mọi hoạt động điều hành và làm việc của Agribank đã được thực hiện trên nền tảng số hóa; góp phần quan trọng thay đổi tư duy thanh toán, giao dịch của người dân, đặc biệt là đồng bào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh

Ngoài kênh phân phối truyền thống như mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, xe lưu động, thời gian qua, các chi nhánh Agribank đã chú trọng mở rộng và phát triển kênh phân phối qua ngân hàng điện tử (E-Banking), ngân hàng tự động (ATM/POS); triển khai mạnh mẽ ngân hàng số bằng những sản phẩm dịch vụ tiện ích mang dấu ấn của ngân hàng hiện đại, hướng tới công nghệ số, chuyển đổi số, như Internet Banking, Mobile Banking (SMS Banking, Agribank E-Mobile Banking, Bank Plus...).

Người dân ở vùng nông thôn đã quen với việc thanh toán bằng thẻ Ảnh: M. Hằng

Đơn cử tại Agribank Quảng Ninh, với hệ thống mạng lưới trải dài từ TX. Quảng Yên đến Bình Liêu, Ba Chẽ, Agribank Quảng Ninh hiện có 35 ATM, trong đó có 6 ATM có chức năng vừa gửi và rút tiền; 150 POS chấp nhận thanh toán... Bà Trần Thị Mai Lan, Phó Giám đốc Agribank Quảng Ninh cho biết, để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, ngay từ những ngày đầu tháng 4 vừa qua, Agribank Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh loại II trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phủ sóng đặt mã thanh toán VietQR tại các hộ kinh doanh tại địa phương.

Đặc biệt, tại TP. Hạ Long, Agribank đã phối hợp với UBND phường Trần Hưng Đạo, Ban Quản lý chợ Hạ Long 2 để mở tài khoản và đặt mã thanh toán VietQR tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn phường và trong chợ Hạ Long 2 trong 2 tháng vừa qua. Đến 31.5.2022, Agribank Quảng Ninh đã triển khai thành công 291 điểm đặt mã thanh toán VietQR của Agribank trên địa bàn TP Hạ Long. Trong tháng 6, Agribank Quảng Ninh cũng sẽ bắt đầu triển khai đặt mã thanh toán VietQR tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh mở tài khoản công đoàn cho khách hàng tổ chức để cấp trả kinh phí công đoàn vào tài khoản.

Nhờ tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp nên doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tại Agribank Thanh Hóa đã không ngừng tăng lên. Tính đến 20.6, Agribank Thanh Hóa đã lắp đặt 41 máy ATM, trong đó 4 máy CDM (giúp khách hàng có thể chủ động rút, nộp tiền mặt vào tài khoản), 300 máy POS và 100 điểm triển khai hình thức thanh toán quét mã QR đã tạo điều kiện cho khách hàng tham gia trải nghiệm các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Thời gian tới, Agribank Thanh Hóa tiếp tục lắp đặt 2 CDM về địa bàn huyện, thị xã để người dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng. 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ của Agribank Thanh Hóa đạt hơn 62 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Để khuyến khích khách hàng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các chi nhánh Agribank đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm dịch vụ và triển khai thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng.

Tại Agribank Thanh Hóa, hàng loạt chương trình như “Mở tài khoản, nhận quà lớn cùng Agribank"; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trong nước; sản phẩm tiền gửi trực tuyến, dịch vụ cung cấp tài khoản số đẹp; thanh toán hóa đơn trực tuyến và dịch vụ mã PIN điện tử; “Trao niềm tin - gửi Lộc Việt”... đã được quảng bá rầm rộ. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Agribank Thanh Hóa đã áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ chuyển tiền trên tất cả các kênh thanh toán của Agribank đối với khách hàng có tài khoản thanh toán tại ngân hàng này, không phân biệt giao dịch tại chi nhánh nơi mở tài khoản và khác nơi mở tài khoản. Cùng với đó, miễn phí chuyển tiền ra ngoài hệ thống đối với các kênh chuyển tiền điện tử của Agribank.

Chia sẻ về việc triển khai chuyển đổi số, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết, cùng với toàn ngành ngân hàng, Agribank đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ, chức năng, tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong năm 2021, Agribank đã triển khai dịch vụ thu hộ với gần 2.000 đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, điện nước, viễn thông, bảo hiểm, bệnh viện, công ty tài chính. Tích hợp các tiện ích đối với dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ lên Cổng thông tin dịch vụ Quốc gia; tích hợp các dịch vụ thanh toán thuế, phí, lệ phí thông qua Ví điện tử trên ứng dụng Ngân hàng điện tử Agribank E-Mobile Banking; triển khai dịch vụ thu hộ học phí cho các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý trường học của SSC, MISA,… Doanh số dịch vụ thanh toán hóa đơn tăng gần 50% so với năm 2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán đạt hơn 54 triệu giao dịch với gần 20 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, Agribank chú trọng tuyên truyền việc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi - khu vực khó thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt nhất. Agribank xác định, để bà con khu vực này thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, cần phải có những "cú hích" đủ mạnh, có sự đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở. Do đó, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới… Agribank thường xuyên tham gia các buổi roadshow, hội chợ, tọa đàm, giới thiệu các sản phẩm Ngân hàng điện tử và sản phẩm thẻ chip, đến các hộ kinh doanh, tiểu thương để tư vấn, mở thẻ, tạo mã VietQR cho khách hàng của mình.

Trên thực tế, với lợi thế chi nhánh rộng khắp cả nước đã giúp việc tuyên truyền rộng rãi chính sách thanh toán không dùng tiền mặt và các sản phẩm Ngân hàng hiện đại đến mọi đối tượng khách hàng”.

Agribank hiện có gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 16 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, gần 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh E-Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking. Phương thức thanh toán tự động chiếm khoảng 81% tổng số giao dịch thanh toán của khách hàng tại Agribank. Những con số trên cho thấy người dùng ít mặn mà với tiền mặt, còn thanh toán số ngày càng giàu sức hút.

Đức Kiên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-ban-hoat-dong-tren-moi-truong-so-post292956.html