Có bao nhiêu loại vaccine phòng Covid-19?

Cuộc đua sản xuất vaccine phòng Covid-19 hiện bước vào giai đoạn bứt phá với hy vọng sớm chấm dứt đại dịch. Chính phủ các nước và tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới đang dốc sức với những thành công bước đầu.

Trải qua hơn một năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch Covid-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2 vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Thế giới tiếp tục lo sợ, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc phát triển vaccine phòng Covid-19 sẽ là “chìa khóa” để sớm chấm dứt đại dịch.

Tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại việc nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 trong vòng 18 tháng sẽ gặp nhiều khó khăn, do đây là quá trình vô cùng phức tạp và đòi hỏi những thử nghiệm kỹ lưỡng. Tuy vậy, chỉ tám tháng sau, hơn 320 ứng viên vaccine đang được phát triển và cho nhiều kết quả đáng khích lệ. Vaccine phòng Covid-19 được ghi nhận là loại vaccine có tốc độ nghiên cứu nhanh nhất trong lịch sử.

Vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech hiện đang là liều vaccine thông dụng nhất trên thế giới (Nguồn Getty)

Vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech hiện đang là liều vaccine thông dụng nhất trên thế giới (Nguồn Getty)

Cơ chế hoạt động

Hiện tại, tám loại vaccine Covid-19 đã được các nước phê duyệt và đã hoặc đang chuẩn bị triển khai tiêm chủng. Số vaccine này được phát triển bởi những hãng dược khác nhau, với công nghệ khác nhau, theo bốn cơ chế chính: virus bất hoạt, mRNA, protein và vector.

Các nhà khoa học sản xuất vaccine bất hoạt bằng cách đưa các virus đã chết vào cơ thể người được tiêm phòng. Các vaccine này ổn định và an toàn hơn vaccine sống do các vi sinh vật chết không thể đột biến trở lại dạng gây bệnh. Tuy nhiên, đa số vaccine bất hoạt kích thích hệ miễn dịch yếu hơn vaccine sống. Vì vậy, loại vaccine này thường được tiêm thành nhiều liều hoặc tiêm nhắc để duy trì tính miễn dịch.

Vaccine mRNA là vaccine đưa phân tử RNA được tổng hợp vào tế bào của cơ thể. Khi đã vào trong tế bào, mRNA tổng hợp của vaccine hoạt động như một mRNA tự nhiên, khởi động tổng hợp protein mới (bình thường protein này do virus tổng hợp). Sau đó protein mới sẽ kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại protein của virus. Như vậy cơ thể được nhận vaccine, vừa tạo kháng nguyên - protein của virus, vừa tạo đáp ứng miễn dịch chống lại protein này.

Vaccine protein bao gồm các mảnh protein tinh khiết của virus SARS-Cov-2. Sau khi tiêm vaccine vào cơ thể, hệ miễn dịch ghi nhận rằng protein này là “kẻ xâm nhập” và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Đồng thời, vaccine giúp tế bào ghi nhớ nhận diện tác nhân gây bệnh, tiến hành tiêu diệt chúng nếu bị tấn công trong tương lai.

Vaccine vector khác với hầu hết các loại vaccine thông thường ở chỗ chúng không thực sự chứa kháng nguyên, mà sử dụng chính tế bào của cơ thể để sản xuất chúng. Vaccine tiêm vào trong cơ thể sẽ kích thích tạo ra một lượng lớn kháng nguyên. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Trong cuộc đua với thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine Covid-19, Việt Nam đã chỉ định bốn đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam. Theo đó, dự kiến sẽ có bốn loại vaccine phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất là Nanocovax của Nanogen theo cơ chế vaccine protein tái tổ hợp, vaccine theo cơ chế vector của ba nhà nghiên cứu và sản xuất khác là Vabiotech, IVAC, PoLyvac.

Các vaccine thông dụng

Trong số những vaccine thông dụng nhất, vaccine do hãng dược Mỹ Pfizer và hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech phát triển là loại được sử dụng phổ biến nhất ở 61 quốc gia.

Vaccine có tên BNT162b2 là vaccine đầu tiên được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hồi cuối năm 2020. Đây là một trong số những vaccine hàng đầu được nhiều quốc gia phê duyệt sử dụng khẩn cấp và đặt mua nhiều hơn cả.

Vaccine Pfizer-BioNTech được sản xuất theo cơ chế mRNA với hai mũi tiêm vào cơ bắp tay trên cách nhau 21 ngày, được khuyên dùng cho người từ 16 tuổi trở lên. Một số tác dụng phụ phổ biến có thể kể đến là đau, sưng tấy, mẩn đỏ ở cánh tay nơi được tiêm và ớn lạnh, mệt mỏi.

Đứng thứ hai là vaccine do hãng dược Anh AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển, đã có 41 quốc gia sử dụng. Vaccine này được phát triển dựa trên nền tảng virus Adeno bị làm suy yếu. Đây là một loại virus gây cảm cúm thông thường. Vaccine này cũng mang lại hy vọng lớn nhờ giá thành thấp, dễ phân phối, dù bị hạn chế tiêm phòng cho người trên 65 tuổi tại một số quốc gia như Đức và Ba Lan.

Phổ biến thứ ba là vaccine mRNA-1273, sản xuất bởi Moderna. Đây cũng là loại vaccine thứ hai được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ. Quyết định của FDA dựa vào dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên khoảng 30.000 tình nguyện viên của Moderna, cho thấy hiệu quả của vaccine vào khoảng 94%, theo Reuters.

Trong khi đó, vaccine NVX-CoV2373 của công ty Novavax cũng cho thấy hiệu quả phòng ngừa Covid-19 lên tới 89% trong các cuộc thử nghiệm tại Anh và cũng có hiệu quả cao với biến thể Covid-19 phát hiện tại nước này.

Vaccine JNJ-78436735 của công ty Johnson & Johnson (Mỹ) được phát triển bởi công ty con Janssen Pharmaceuticals tại Bỉ. Số liệu do công ty cung cấp cho thấy, vaccine này cho thấy hiệu quả ngừa 66% trong các cuộc thử nghiệm trên toàn cầu. Trong khi đó, thử nghiệm tại Mỹ cho hiệu quả lên tới 72%.

Điều đặc biệt là, trong khi các loại vaccine khác cần hai mũi tiêm phòng để thực sự có hiệu quả. Vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần một liều. Hiện tại, Mỹ đã đặt 100 triệu liều, còn Johnson & Johnson cho biết công ty này có kế hoạch sản xuất tới một tỷ liều trong năm nay.

Về giá cả, vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca có giá rẻ hơn nhiều so với các loại vaccine Covid-19 khác và cũng dễ bảo quản và phân phối hơn nhiều. Điều này đồng nghĩa đây là lựa chọn khả quan hơn cho các khu vực kinh tế kém phát triển trên thế giới.

Theo Our World in Data, vaccine ít phổ biến nhất là Covaxin do công ty Bharat Biotech của Ấn Độ phát triển. Vaccine này hiện mới chỉ được cấp phép sử dụng tại chính nước này.

Nga, Trung Quốc hụt chân

Một loại vaccine gây chú ý khác là Gam-COVID-Vac jab, hay Sputnik V của Nga, do Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya phát triển theo cơ chế vaccine vector.

Sputnik V của Nga thực chất là hai loại vaccine khác biệt, được tiêm cách nhau 21 ngày. Liều thứ nhất sử dụng vector là virus rAd26 (cùng loại với vaccine của Johnson & Johnson). Liều thứ hai là các vector rAd5 (cùng loại với vaccine đang được của CanSino Biology phát triển ở Trung Quốc).

Các thử nghiệm lâm sàng của Sputnik V đã được công bố ở UAE, Ấn Độ, Venezuela và Belarus cho thấy, hiệu quả đạt đến 91,4% sau 28 ngày khi tiêm liều vaccine đầu tiên (bảy ngày sau liều thứ hai). Hiệu quả này lên đến 95% sau 42 ngày kể từ mũi vaccine đầu tiên.

Các nhà khoa học Nga cho rằng, việc tiêm mũi thứ hai cách mũi đầu 21 ngày sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2. Đồng thời, điều này được hy vọng là sẽ kéo dài khả năng miễn dịch hơn so với chỉ tiêm một liều một loại vaccine hoặc hai liều cùng một loại vaccine.

Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, cũng không đứng ngoài cuộc đua tìm ra vaccine với một loạt cái tên như Ad5-nCoV của Cansino Biologics, Coronavac của Sinovac Biotech, BBIBP nCorV của Viện sinh phẩm sinh học Bắc Kinh và SinoPharm. Trong đó, ứng viên sáng giá nhất là vaccine Coronavac của Sinovac Biotech.

Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm ở Brazil công bố, vaccine Coronavac chỉ cho hiệu quả phòng ngừa khoảng 50%, thấp hơn rất nhiều so với dữ liệu công bố ban đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai loại vaccine Covid-19 do công ty Sinopharm và Sinovac của nước này phát triển hiện mới chỉ được phê duyệt và phân phối tại lần lượt 12 và sáu nước.

Trong khi đó, mặc dù là vaccine đầu tiên được công bố trên thế giới, Sputnik V mới chỉ được phân phối tại chín quốc gia. Nga cho biết đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc cung cấp vaccine Spunik V với khoảng 50 quốc gia nhằm cam kết chung tay với nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch.

Thông thường, một loại vaccine phải mất một thập niên để phát triển, tuy nhiên, quy trình này đã được rút ngắn xuống chỉ còn 10 tháng do tính cấp bách và tác động nặng nề của đại dịch, với mục tiêu đưa thế giới trở về trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất. Đây thực sự là một trong những thành tựu về khoa học công nghệ đáng ghi nhận trong lịch sử loài người.

THIỀU HƯƠNG

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-bao-nhieu-loai-vaccine-phong-covid-19-139737.html