Có bất thường khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu giá trị gấp 16 lần vốn?

Việc Công ty TNHH Yamagata với số vốn điều lệ 100 tỉ đồng có tổng dư nợ trái phiếu đạt gần 16.000 ngàn tỉ đồng đang đặt ra câu hỏi làm thế nào công ty này huy động được số tiền lớn gấp nhiều lần số vốn điều lệ và nhà đầu tư thực chất đứng đằng sau mua số trái phiếu kia là ai?

 Một trong những trái chủ của Yamagata là CTCP Bông Sen, chủ sở hữu tổ hợp khách sạn Daeha (bao gồm khách sạn Daewoo) tại Hà Nội.

Một trong những trái chủ của Yamagata là CTCP Bông Sen, chủ sở hữu tổ hợp khách sạn Daeha (bao gồm khách sạn Daewoo) tại Hà Nội.

Công ty Yamagata được cấp phép đăng ký kinh doanh số 0104079212 năm 2009 bởi Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, có ngành nghề kinh doanh chính là hoàn thiện công trình xây dựng. Từ năm 2017 tới giữa năm 2019, công ty này đã có 29 đợt phát hành trái phiếu, kỳ hạn từ 2 đến 10 năm, với tổng dư nợ trái phiếu đầu kỳ ghi nhận ở mức 6.207 tỉ đồng và tổng dư nợ trái phiếu cuối kỳ đã lên tới 15.902 tỉ đồng tại thời điểm 30-6-2019. Số dư lãi phải trả lên tới hơn 709,128 tỉ đồng.

Riêng trong tháng 1 năm nay, công ty đã phát hành 5 đợt trái phiếu, với số dư gốc trái phiếu lên tới 10.035 tỉ đồng, kỳ hạn 10 năm, theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, sau nhiều đợt phát hành trái phiếu như vậy, Yamagata có lẽ đang hoạt động giống như một tổ chức có mục đích hạn chế (Special Purpose Entity - SPE) được thực hành tại nhiều nước trên thế giới. Mục đích của hình thức hoạt động này, theo định nghĩa, là để phục vụ như một đơn vị trung gian phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu có bảo đảm. Một SPE có thể là một công ty, một đơn vị ủy thác, liên doanh, hay công ty trách nhiệm hữu hạn.

Các chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng Yamagata là một công ty cấu trúc tài chính hay công cụ trung gian giúp các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, như Hàn Quốc, vào Việt Nam để hưởng mức lãi suất trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp cao hơn. Ngoài ra, đồng tiền Việt Nam đang khá ổn định tại thời điểm hiện tại cũng là một điểm cộng.

Với các đợt phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, các nhà đầu tư của Yamagata thường giới hạn dưới con số 100. Các nhà đầu tư của Yamagata là ai và ai đứng sau công ty này đang là vấn đề cần tìm hiểu thêm, theo các chuyên gia.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp của Yamagata trong kỳ báo cáo từ ngày 1-1-2019 đến 30-6-2019 được ghi nhận ở mức gần 380 tỉ đồng thanh toán dư nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành từ năm 2017, có kỳ hạn 2 năm.

Một trong những trái chủ của Yamagata là Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) - chủ sở hữu tổ hợp khách sạn Daeha (bao gồm khách sạn Daewoo) tại Hà Nội. Vào tháng 9-2019, Bông Sen Corp được biết đã thế chấp hơn hơn 5,88 triệu trái phiếu do Yamagata phát hành tại Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS).

Yamagata thành lập với quy mô vốn ban đầu khá khiêm tốn ở mức 40 tỉ đồng. Trong tháng 1 năm 2019, quy mô vốn của Yamagata đã được nâng lên mức 100 tỉ đồng và chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn với sự tham gia góp vốn của 2 cá nhân là bà Quách Mai Vân và bà Trần Thị Thu Trang với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 2% và 98%.

Theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ phải thỏa mãn một số chỉ tiêu tài chính trong 3 năm liền kề trước năm phát hành như vốn chủ sở hữu, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE), và tỷ lệ an toàn vốn.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng phải công bố thực trạng về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu đã phát hành trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu và tình trạng nộp thuế của doanh nghiệp.

SPE là một công ty con được công ty mẹ tạo ra với mục đích là cô lập rủi ro tài chính. Với tư cách pháp nhân là một công ty riêng biệt nên các nghĩa vụ của công ty này được đảm bảo kể cả trong trường hợp công ty mẹ phá sản.

Khái niệm về SPE đã phổ biến trên các thị trường tài chính trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì chưa được biết đến nhiều.

Tình trạng tài chính của SPE có thể không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của công ty mẹ dưới dạng vốn chủ sở hữu hoặc nợ. Thay vào đó, tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của nó sẽ chỉ được ghi lại trên bảng cân đối kế toán của chính nó.

Do đó, SPE có thể che giấu thông tin quan trọng từ các nhà đầu tư, khiến cho họ không có được cái nhìn đầy đủ về tình hình tài chính của công ty. Nhà đầu tư cần phân tích bảng cân đối kế toán của công ty mẹ và SPE trước khi quyết định có nên đầu tư vào doanh nghiệp hay không.

Theo investopedia.com

Trang Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295559/co-bat-thuong-khi-doanh-nghiep-phat-hanh-trai-phieu-gia-tri-gap-16-lan-von.html