Cờ búa liềm rạng soi vùng đất mới

PTĐT- Minh Hòa với nhiều dãy núi cao nối tiếp nhau trùng điệp, từng nổi tiếng với thế 'Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ' đã được Đảng, Mặt trận Việt Minh lựa chọn để xây dựng Chiến khu Phục Cổ, giúp đội quân cách mạng chiến đấu thuận lợi thời chống Pháp, kháng Nhật. Thấm thoát đã 75 năm, cùng với các chương trình, dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước, vùng quê cách mạng giờ đây đã thay da đổi thịt từng ngày.

Kỳ II: Trở lại đất rừng Phục Cổ

PTĐT- Minh Hòa với nhiều dãy núi cao nối tiếp nhau trùng điệp, từng nổi tiếng với thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” đã được Đảng, Mặt trận Việt Minh lựa chọn để xây dựng Chiến khu Phục Cổ, giúp đội quân cách mạng chiến đấu thuận lợi thời chống Pháp, kháng Nhật. Thấm thoát đã 75 năm, cùng với các chương trình, dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước, vùng quê cách mạng giờ đây đã thay da đổi thịt từng ngày.
>>> Kỳ I: Nơi đầu tiên “dựng cờ, mở nghiệp”

Bia lịch sử ghi dấu sự ra đời của Chiến khu Phục Cổ còn được lưu giữ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bia lịch sử ghi dấu sự ra đời của Chiến khu Phục Cổ còn được lưu giữ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Từ thị trấn Yên Lập theo tỉnh lộ 313 chạy giữa 2 dãy núi Kiếu và Đọi Đèn, chúng tôi vượt dốc Ba Khoanh, dốc Suối Rắn đến với khu căn cứ Phục Cổ, xã Minh Hòa. Ven tỉnh lộ, những người nông dân đang tất bật việc đồng áng; những nương sắn, đồng lúa, rừng cây xanh tốt, yên lành đến lạ kỳ. Nổi bật giữa những đồi chè và đại ngàn xanh thẳm là những dãy nhà xây kiên cố của trạm y tế, trường học, nhà văn hóa khu dân cư…
Nằm trong một thung lũng nhỏ, khu căn cứ Phục Cổ (lòng chảo Minh Hòa) có diện tích 1.757ha, chiều dài 7km, chiều rộng 1,5km với nhiều dãy núi cao trùng điệp bao quanh. Đây là nơi sinh tụ của cộng đồng dân tộc Mường, chiếm hơn 80% dân số xã. Phát huy truyền thống yêu nước, trong những năm cuối của thế kỷ XIX, nhân dân nơi đây đã tích cực tham gia phong trào Cần Vương do Đề Kiều chỉ huy. Vào cuối những năm 1940, thực hiện chủ trương của Đảng xây dựng căn cứ địa ở nông thôn, làng Phục Cổ được tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng các cơ sở. Vào tháng 6 năm 1945, từ 13 thanh niên ưu tú được giác ngộ ban đầu, căn cứ du kích Phục Cổ được chính thức thành lập. Cùng với Vần- Hiền Lương, Hạ Hòa và Vạn Thắng- Đồng Lương, Cẩm Khê, căn cứ Phục Cổ là một trong 3 địa bàn quan trọng của lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ.Ngày 18/8/1945, phối hợp với lực lượng du kích chiến khu Vần - Hiền Lương. Đội du kích Phục Cổ gồm 70 chiến sĩ đã tiến về khởi nghĩa giành chính quyền huyện Yên Lập. Hai ngày sau (20/8/1945), du kích Phục Cổ tiếp tục tham gia khởi nghĩa giành chính quyền huyện Cẩm Khê và ngày 25/8, cùng với du kích chiến khu Vạn Thắng tiến về phối hợp, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Phú Thọ. Mấy mươi năm đã trôi qua, đình làng Phục Cổ và cây đa cổ thụ trước sân đình - nơi hình thành cơ sở cách mạng đầu tiên của Minh Hòa đã được tôn tạo, thế núi, hình sông nơi đây vẫn vững vàng muôn thuở. Dòng suối Cái lúc hiền hòa róc rách, lúc ào ào đổ thác như sợi chỉ bạc luồn giữa các khe sâu…, tạo nên bức tranh thủy mạc đẹp đến nao lòng. Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bia ghi dấu di tích căn cứ Phục Cổ được xây dựng ngay cổng vào lòng chảo, minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc.

Khu vực lòng chảo Chiến khu Phục Cổ ngày nay.

Khu vực lòng chảo Chiến khu Phục Cổ ngày nay.

Trở lại vùng đất chiến khu Phục Cổ vào những ngày tháng Tám mùa thu cách mạng, diện mạo nông thôn mới đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn. Những con đường bê tông trải dài, xen lẫn những ngôi nhà mới còn vương mùi sơn, bên cạnh màu xanh của rừng, của ruộng đồng và những đồi cây ăn quả. Nếu như nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Yên Lập lấy phát triển kinh tế đồi rừng là khâu đột phá thì với Minh Hòa, đồi rừng chính là nguồn sống, là cơ nghiệp của mỗi gia đình trong phát triển kinh tế. Toàn xã hiện có hơn 900ha tổng diện tích rừng, trong đó có hơn 600ha là rừng sản xuất. Không chỉ phát triển kinh tế từ đồi rừng mà người dân Minh Hòa còn thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, nhờ đó tỷ lệ che phủ rừng Minh Hòa đạt 66%, cao hơn bình quân chung toàn huyện Yên Lập. Lợi thế đồi rừng còn giúp người dân Minh Hòa phát triển các cơ sở chế biến chè, gỗ, đồ mộc, nâng mức thu nhập đầu người trong xã đạt 33,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm giảm 3,32%; gần 90% số lao động có việc làm thường xuyên. Không chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất mà đời sống văn hóa, tinh thần cũng được người dân Minh Hòa quan tâm. Các trường học trên địa bàn xã từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều đạt chuẩn Quốc gia và Trường THPT Minh Hòa đóng trên địa bàn xã là điều kiện thuận lợi để học sinh trong xã học tập, nâng cao kiến thức. Vùng đất chiến khu xưa cũng là nơi có đông đồng bào Mường sinh sống nên việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của người Mường cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm và người dân hưởng ứng tích cực. 7 năm trở lại đây, từ khi Lễ hội mở cửa rừng của người Mường huyện Yên Lập được phục dựng, xã Minh Hòa được UBND huyện Yên Lập giao chủ trì tổ chức lễ hội hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa phong phú mang đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc như hò Đu, múa Mỡi, múa Sênh Tiền… Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở Minh Hòa phát triển mạnh góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, giúp cho 93% số gia đình đạt gia đình văn hóa, 100% khu dân cư văn hóa. Các di tích lịch sử ghi dấu chiến khu Phục Cổ Minh Hòa như: Bia lịch sử, Đình Phục Cổ đã được lưu giữ và tu bổ để nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay ghi nhớ những ngày tháng Tám lịch sử trên quê hương cách mạng.Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông mới ở khu Quyết Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa Nguyễn Văn Tiếp bộc bạch: Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất chiến khu xưa, nhìn thấy quê hương ngày càng đổi mới và phát triển như ngày hôm nay, đời sống của người dân trong xã đã có nhiều thay đổi, ngày càng khấm khá hơn. Đến nay, xã Minh Hòa đã đạt 16/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có khu Minh Đức đạt chuẩn nông thôn mới, tạo nên diện mạo mới cho vùng đất chiến khu xưa.Từ Minh Hòa nhìn ra Yên Lập hôm nay cũng có nhiều khởi sắc. Huyện đã phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa dạng theo hướng gắn với vùng nguyên liệu và lợi thế về cây lâm nghiệp; chế biến gỗ, cây chè, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng. 2 cụm công nghiệp tại thị trấn Yên Lập và xã Lương Sơn đã thu hút, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động, ngoài ra còn có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, 699 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… đã tạo điều kiện thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt trung bình 7,44%/năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 3,4%/năm, vượt 0,9%/năm, đến nay còn 10,2%.

Kỳ III: Chiến khu từ lòng dân

Nhóm phóng viên CT-XH

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202008/co-bua-liem-rang-soi-vung-dat-moi-172530