Có cần thiết lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương?
Đây là một trong những vấn đề đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành thành lập Quỹ, song các thành viên cũng cho rằng vẫn cần phải xem xét các nguyên tắc hoạt động của Quỹ cho phù hợp với các Luật pháp hiện hành.
Mở đầu phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã điều hành nội dung Ủy ban Thương vụ Quốc hội cho một số ý kiến về Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày tóm tắt một số ý kiến Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Trong đó, Bộ trưởng và các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và đưa ra ý kiến nhiều về vấn đề Quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương. Quỹ được quy định tại Điều 10 Luật hiện hành được thành lập ở cấp tỉnh, chưa có ở Trung ương nên có một số vướng mắc trong hoạt động tạo nguồn lực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để hỗ trợ các địa phương, nhất là trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai được kịp thời.
Theo trình bày của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Sửa đổi Điều 10 về Quỹ phòng, chống thiên tai: Bổ sung kế hoạch trung hạn, Quỹ dự trữ tài chính vào nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động phòng chống thiên tai để phù hợp với Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công; Bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định.
Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể việc thành lập, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương và ở cấp tỉnh sẽ được quy định chi tiết trong Nghị định của Chính phủ.
Đại diện, Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường tán thành việc cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai địa phương.
Đưa ra ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Về Quỹ phòng chống thiên tai đề nghị Bộ Tài chính xem xét, khi dân và doanh nghiệp địa phương nộp quỹ này, một số địa phương có nhưng mà có tỉnh thừa tỉnh thiếu. “Tôi đề nghị có thêm Quỹ trung ương và có bộ máy điều hành. Có quỹ địa phương thành lập nguồn của quỹ địa phương, nguồn có đóng góp tự nguyện bắt buộc của địa phương, nhưng phải tính toàn để có tính đồng bộ”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nói.
Bổ sung ý kiến, Trưởng ban Công tác đại biểu,Trần Văn Túy cho rằng: Xây dựng Quỹ bổ sung quyền kêu gọi của các bộ, ngành, tỉnh thì cần cân nhắc. Nếu đưa vào phải đưa vào rất chặt chẽ, phải quy định cấp nào được kêu gọi, kêu gọi cái gì? Nguyên tắc là gì để nếu không sẽ rất tràn lan. Giờ không nên huy động triệt để sức dân cái gì mà nhà nước lo được thì chủ động lo. Nếu kêu gọi cái này mà không minh bạch thì sẽ gây mất niềm tin trong dân.
Cùng nói về vấn đề này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng cho rằng: Quỹ tài chính ngoài ngân sách, cũng phải làm rõ lý do, Quỹ này đã được thành lập đã là 61/63 tỉnh thành nhưng có 8 trên địa phương chưa sử dụng. Có địa phương thu một số địa phương không thu, có một số địa phương chưa chi chúng tôi cần phải làm rõ tại sao chưa chi. Chúng ta phải cân nhắc kỹ, vì có tỉnh không chi thì có cần thành lập Quỹ ở trung ương không?
Trả lời các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, về Quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương hiện nay chúng ta có 61 tỉnh thành lập quỹ, ba năm vừa qua tổng huy động được 2.500 tỷ mới chi hết hơn 1.000 tỷ. Tại sao không tiêu hết vì thiên tai xảy ra không đều, vì vậy có tỉnh huy động được nhiều nhưng không có thiên tai có tỉnh không huy động được thì thường xuyên xảy ra thiên tai.
Cũng theo Bộ Trưởng Nguyễn Xuân cường, một lý do đề xuất lập Quỹ phòng chống thiên tại ở trung ương bởi trước tình hình quốc tế ủng hộ khi Việt Nam gặp thiên tai. Năm 2016 UNDP đã ủng hộ Việt Nam 16,2 triệu USD nhưng chưa có Quỹ chưa có một chế tài nào vì vậy phải đưa theo kiểu tiếp nhận ODA 2 năm sau mới có thể giải ngân. Năm 2017 khi xuất hiện cơ bão số 10 Việt Nam đã nhận từ quốc tế được 5,2 triệu USD, 520 tấn hàng nhưng cũng không có Quỹ nào tiếp nhận.
"Quỹ này không huy động, không phát sinh bộ máy thu mà chủ yếu hoạt động để nhận ủng hộ. Về chi phải có nguyên tắc, điều phối cụ thể cho từng tỉnh", Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Về Quỹ phòng chống thiên tại có thêm một cái tổ chức mới, thì có cần biên chế mới hay không? Bộ trưởng nói không cần có biên chế cho Quỹ nhưng tôi thấy cần thiết có biên chế mới. Nhiều tổ chức đưa tiền tới cho mình không có quỹ này làm phân bổ ngay mỗi tỉnh, tôi thấy quỹ trung ương cần thiết. Nhưng cần nghiên cứu phải phù hợp, cơ chế điều hòa sử dụng các thành phố lớn dân đông thu nhâp cao, thu được nhiều cần phải điều hòa về quỹ trung ương để phân bổ lại như thế nào cho phù hợp với các luật hiện hành".
Kết luận phiên thảo luận đầu tiên sáng ngày 9/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Về Quỹ phòng chống thiên tai cần phải xác định rõ mối quan hệ của trung uống và địa phương thế nào, việc điều phối ra sao tránh chồng chéo. Điều phối từ nơi ít có thiên tai nhưng nguồn thu lớn về nơi thường xuyên xảy ra thiên tai nhưng không thu được. Vì vậy phải cân nhắc điều phối như thế nào để tránh tình trạng không công bằng. Ngoài ra, nên có những quy định và có đánh giá tác động.