Cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội

PTĐT - Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 09/6 Quốc hội thảo luận tại tổ về Nghị quyết một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cùng thảo luận với Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Bến Tre .

Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn của đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn ở mức cao, hằng năm đều tăng gấp 1,3 - 1,5 lần so với trung bình cả nước; động lực thúc đẩy sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển... Vì vậy, trong khi chờ tổng kết để sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành để phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.Đồng tình với tờ trình của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, nhiều ý kiến cho biết Nghị quyết điều chỉnh một số chính sách chủ yếu về quản lý thu ngân sách, quản lý chi ngân sách, mức dư nợ vay và sử dụng quỹ dự trữ tài chính. Việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh hơn như: thêm danh mục thuế, lệ phí ngoài luật phí và lệ phí đã có; tăng mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí ngoài quy định của luật; HĐND thành phố được quyền quyết định các loại phí, lệ phí… Mục đích của việc trao các cơ chế, chính sách đặc thù này là nhằm tăng nguồn lực đầu tư phát triển cho Hà Nội. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Minh Châu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm tại sao cần cơ chế mới cho thủ đô Hà Nội, sự khác biệt giữ cơ chế này so với cơ chế trước đây... việc làm rõ được nội dung này sẽ tạo điều kiện cho việc xem xét, quyết định cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội. Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Việc triển khai dự án trên thực tế đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc huy động vốn tín dụng cho dự án và năng lực nhà đầu tư. Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần phải có sự chấn chỉnh lại khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư công; đánh giá tác động nợ công khi chuyển đổi các dự án; đồng thời Chính phủ cần nhìn nhận thực tế về số vốn đầu tư cần bổ sung để cân đối nguồn cho phù hợp, đảm bảohiệu quả, thành công cho dự án, không để lặp lại tình trạng chậm tiến độ của các dự án giao thông như thời gianvừa qua.Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Tổ cho ý kiến vào dự án Luật cư trú (sửa đổi). Luật Cư trú được ban hành năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2013. Việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Đồng thời, việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202006/co-che-dac-thu-cho-thanh-pho-ha-noi-171220