Cơ chế đặc thù - động lực phát triển hạ tầng giao thông

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, cơ chế đặc thù mà thành phố bắt đầu triển khai sẽ là cơ hội thuận lợi để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đang trong tình trạng quá tải và nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay.

Kẹt xe, ngập lụt vì thiếu vốn

Ðược thông xe tháng 12-2015 đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân), dài hơn 10 km, rộng từ bốn đến sáu làn xe, là tuyến huyết mạch kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và Long An phục vụ xây dựng và khai thác các Khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Pounyen… Tuy nhiên, sau hai năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này xuống cấp trầm trọng. Ðoạn nút giao đường Võ Trần Chí đến Nguyễn Văn Cự (quận Bình Tân) kéo dài hơn 1 km bị bong tróc mặt đường, xuất hiện rất nhiều hố sâu, trong đó có hố đường kính gần 2 m, sâu 0,2 m. Mặt đường bị xới tung, đá cát vung vãi. Nhiều phương tiện phải di chuyển rất chậm, luồn lách qua những ổ gà, ổ voi, điểm sụt lún. Tại đây thường xuyên xảy ra va chạm, ùn tắc giao thông.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Bùi Xuân Cường cho biết: Vấn nạn kẹt xe, ùn tắc trong thời gian qua chưa được cải thiện là do nguồn vốn phân bổ cho ngành giao thông eo hẹp. Khi cân đối nguồn vốn đầu tư công cho danh mục các chương trình giao thông của thành phố, HÐND thành phố đã thông qua 122 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020, trong khi nhu cầu thực tế để xây dựng hệ thống giao thông giảm ùn tắc cần hơn 500 nghìn tỷ đồng. Qua hai năm đầu tiên (2016-2017), thành phố mới bố trí 21.600 tỷ đồng cho chương trình này. Dự kiến, trong ba năm còn lại, thành phố sẽ chi thêm khoảng 41 nghìn tỷ đồng.

Do chỉ được bố trí số tiền khiêm tốn, cho nên trong hai năm qua, ngành giao thông chỉ đầu tư mới được hơn 100 km đường giao thông (đạt 39%), đưa vào khai thác 21 trong số 76 cây cầu; đồng thời thực hiện được một số công trình giảm kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Dẫn chứng nguồn vốn đầu tư cho giao thông hạn hẹp, ông Cường nêu thí dụ: Nghị quyết của HÐND thành phố đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện đến trước năm 2020, phải đưa vào sử dụng đường vành đai 2 và một phần đường vành đai 3 của thành phố. Ðây là hai tuyến đường huyết mạch trong mạng lưới giao thông thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, đường vành đai 2 còn tới 14 km thuộc địa bàn quận 9, Thủ Ðức, quận 8, huyện Bình Chánh, chưa thể khép kín. 14 km còn lại cần đến 14.081 tỷ đồng, hơn nguồn kinh phí đầu tư cho toàn ngành giao thông thành phố trong năm 2017, tương ứng 11.300 tỷ đồng.

Động lực mới từ cơ chế đặc thù

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi triển khai thí điểm cơ chế đặc thù, thành phố sẽ có thêm nguồn lực dành cho ngành giao thông. Theo Sở Giao thông vận tải, cơ chế đặc thù cho phép thành phố giữ lại vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp, 50% số tiền sử dụng đất khi bán đất công của các cơ quan đơn vị trung ương đóng trên địa bàn, sẽ tạo nguồn lực rất lớn để đầu tư cho giao thông. Với cơ chế phân cấp, ủy quyền như trong dự thảo nghị quyết nếu được Quốc hội thông qua sẽ giúp thành phố chủ động hơn trong tổ chức điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của người đứng đầu. Thời gian tới, thành phố có thể vận dụng chính sách, đầu tư xây dựng ngay tuyến đường vành đai 3 để khép kín hệ thống giao thông thành phố. Do đây là dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương; để có thể đẩy nhanh tiến độ, thành phố sẽ ứng vốn ngân sách thành phố thực hiện (khoảng 21.000 tỷ đồng), sau đó ngân sách trung ương hoàn trả sau. TP Hồ Chí Minh cũng đang thành lập đề án nhằm huy động khoảng 20.000 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội nhằm phát triển giao thông…

Tại kỳ họp thứ sáu, HÐND thành phố Hồ Chí Minh khóa 9 vừa diễn ra, các đại biểu đều đồng tình với việc tận dụng cơ chế chính sách nhằm huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thành phố. Tuy nhiên, muốn giải quyết tình trạng kẹt xe, ngập nước, ngành giao thông phải khắc phục được những hạn chế như: đường vừa xây đã hỏng, đầu tư công trình chống ngập nhưng không phát huy hiệu quả; cứ ngập là nâng đường… khiến người dân bức xúc và gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn nhà nước. Chỉ khi nào những hạn chế nêu trên được khắc phục thì khi ấy, cơ chế đặc thù mới thật sự là động lực làm thay đổi bộ mặt đô thị TP Hồ Chí Minh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34974102-co-che-dac-thu-dong-luc-phat-trien-ha-tang-giao-thong.html