Cô con gái cả đời lặng thinh của ông lão đốt lò

Di chứng sốt bại liệt và hội chứng bệnh down đã khiến người phụ nữ hơn nữa cuộc đời làm bạn với chiếc giường, lặng thinh không nói…

Người dân ở ấp Phú Hòa, xã Quới Thành, huyện Châu Thành (Bến Tre) quen gọi ông Lê Văn Hòa (88 tuổi) là ông 9 Củi. Ông từng có thời gian dài làm thợ đốt lò cho các lò đường thủ công. Một dạo, ông còn mang cái nghề củi lửa nóng như nung cháy cơ thể sang tận miệt Thứ (Kiên Giang) để mưu sinh.

Rớt nước mắt vì đứa con gái tật nguyền

Việc đốt lò tổn hại sức khỏe nên cánh thanh niên đều từ chối. Riêng ông 9 cứ lầm lũi đảm nhận suốt mấy mươi năm.

Ông kể về thời tuổi trẻ của mình buồn đắng miệng. Cuộc hôn nhân thứ nhất tan vỡ một phần vì ông cứ mãi vắng nhà. Ông may mắn gặp được người để chắp nối là bà Nguyễn Thị Bê. Họ nên nghĩa vợ chồng đã 50 năm, cuộc sống nghèo khó nhưng niềm vui là đàn con hiếu thảo.

Chăm chỉ khai phá, về già ông bà cũng có mảnh đất để bám vào. Tuy nhiên, đến giờ dù tinh thần còn minh mẫn nhưng ông thì đi lại khó khăn vì di chứng tai biến mạch máu não còn bà thì bị đủ thứ bệnh khớp, cao huyết áp, tiểu đường hành hạ.

Ở tuổi này rồi điều ông bà bất an nhất là cô con gái út tên Thu Thủy, ở nhà hay gọi là Nữ. Cô Thủy nay đã 46 tuổi nhưng từ lúc lên 3 đã chỉ đi được chập chững chứ không nói được lời nào. Tai ọa ập đến khi cô bị sốt bại liệt, từ đó, Nữ chỉ nằm xoay trở lăn lê trên chiếc giường lúc nào cũng phảng phất mùi hôi từ chuyện sinh hoạt không tự chủ của cô.

Hàng ngày, bà Chín và người con gái lớn phải cận kề, chăm sóc cô Nữ từng miếng ăn, giấc ngủ

Hàng ngày, bà Chín và người con gái lớn phải cận kề, chăm sóc cô Nữ từng miếng ăn, giấc ngủ

Dẫn chúng tôi vào thăm, bà Bê rưng rưng kể: “Từ nhỏ đến giờ nó chỉ ú ớ duy nhất một chữ ba… ba… không tròn. Lúc nào nó cũng chỉ xoay tròn trên giường, trong người nóng nực, bứt rứt nên hễ mặt quần áo vào là nó ghì tuột ra và cứ để trần truồng suốt ngày”.

Những năm trước cô Nữ ít bệnh, ăn uống được nên có da có thịt nhưng giờ bệnh liên tục nên gầy trơ xương. Hiện tại chỉ duy nhất bàn tay trái của Nữ là có thể cầm nắm, vịn thanh giường nhưng rất yếu, các tay chân còn lại đều bị bại, teo tóp, co quắp.

Trông vào sự đùm bọc của cộng đồng

Cô Nữ từ nhỏ đến lớn sống được là nhờ thuốc, quanh năm phải nhận thuốc ở trạm xá. Ông Phan Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Quới Thành, cho biết: “Gia đình ông 9 thuộc diện đặc biệt khó khăn nên hễ có mạnh thường quân đến xã làm từ thiện chúng tôi đều ưu tiên để chia sẻ khó khăn với gia đình ông ấy”.

Hiện chế độ trợ cấp người cao tuổi của ông 9 Củi và cô con gái bệnh tật gộp lại chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Các con của ông mỗi người góp thêm vài trăm ngàn lo cho cuộc sống của ba người. Bà Thắng, con gái riêng của bà 9 mỗi ngày vẫn cố gắng vừa lo cho gia đình riêng vừa đỡ đần cha mẹ chăm em, giúp các em chăm cháu.

Tình cờ đến thăm gia đình ông vào bữa trưa, thấy mâm cơm dở dang chỉ có chao và rau luộc chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ông nói vui: “Ăn như vầy cho thanh sạch. Mình già rồi có làm việc chi đâu mà cần ăn nhiều đạm. Phải tằn tiện để tính lâu dài, giảm bớt gánh nặng cho các con”.

Ông Chín bên mâm cơm đạm bạc

Ông Chín bên mâm cơm đạm bạc

Chòm xóm ai cũng rớt nước mắt khi nhìn vóc dáng tiều tụy của người phụ nữ tật nguyền, thế nhưng chia sẻ cũng chỉ có chừng mực vì ai cũng khó khăn. Nhìn con gái lớn tuổi mà ngây ngô không bằng đứa trẻ, bà 9 sụt sùi: “Nó không biết gì hết. Mỗi khi lên cơn sốt, nó co giật từng cơn rồi nằm li bì... Nhiều lúc vợ chồng tôi cứ sợ nó sẽ bỏ mình mà đi. May nhờ ông bà thương độ cho nên mới sống được đến bây giờ”.

Dù cả đời vất vả vì con, ông bà 9 chưa bao giờ oán thán một lời, càng không có ý định bỏ con. Ông bà chỉ mong mình có đủ sức khỏe để lo cho đứa con bất hạnh cả cuộc đời này.

Bạn đọc giúp đỡ gia đình ông 9 Củi xin vui lòng gửi về số tài khoản: 1607201005173. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “giúp đỡ ông 9 Củi”).

TÂM PHÚC

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/co-con-gai-ca-doi-lang-thinh-cua-ong-lao-dot-lo-702249.html