Có công bằng khi giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công?
Thuế thu nhập cá nhân hiện nay đánh vào cá nhân có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh... Vì vậy, nếu chỉ giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương thì chưa thực sự đảm bảo công bằng cho các đối tượng nộp thuế khác, đặc biệt là các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh. Đây là chia sẻ của PGS.TS Lý Phương Duyên - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), với phóng viên TBTCVN. .
PV: 6 tháng đầu năm 2022 số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng 25% so với cùng kỳ. Lý do của tăng thu thuế TNCN được Tổng cục Thuế cho biết là từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản 5 tháng đã đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, do kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên các chuyên gia, lao động tay nghề cao sang làm việc có thu nhập và nộp thuế TNCN cao. Bà đánh giá thế nào về diễn biến của số liệu tăng thu thuế TNCN vừa qua?
PGS.TS Lý Phương Duyên: Với các con số mà Tổng cục Thuế đưa ra có thể thấy, số thuế TNCN tăng chủ yếu là do hoạt động chuyển nhượng bất động sản, mà như vậy thì số thu có thể không ổn định. Tuy nhiên, nếu số thu từ các chuyên gia có tay nghề cao sang làm việc tại Việt Nam mà có xu hướng tăng thì đây là một tín hiệu rất tốt, góp phần ổn định số thu từ thuế TNCN cho các năm tiếp theo.
PV: Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nâng mức giảm trừ gia cảnh, giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế TNCN. Theo bà, mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN đang áp dụng cho người lao động thu nhập từ tiền lương, tiền công có phù hợp với mức sống hiện nay?
PGS.TS Lý Phương Duyên: Một trong những đặc trưng cơ bản của thuế TNCN là có tính đến hoàn cảnh của từng cá nhân, vì vậy, thu nhập tính thuế TNCN được xác định sau khi đã cho phép giảm trừ khỏi thu nhập chịu thuế một số khoản nhất định. Mức giảm trừ đó thường được thể hiện dưới 2 dạng: giảm trừ cá nhân và giảm trừ tiêu chuẩn. Trong đó, giảm trừ cá nhân thường bao gồm hai loại là giảm trừ có tính chất kinh tế và giảm trừ có tính chất xã hội. Giảm trừ có tính chất kinh tế là các khoản giảm trừ được xem như là chi phí liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập như chi phí đi lại, ăn ở… kể cả các khoản đóng góp bảo hiểm. Còn giảm trừ có tính chất xã hội là những khoản giảm trừ nhằm khuyến khích các cá nhân hỗ trợ cộng đồng (Ví dụ: các khoản đóng góp từ thiện...). Nếu xét từ lý thuyết trên thì khoản giảm trừ gia cảnh chính là khoản giảm trừ cá nhân có tính chất kinh tế.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, quy đổi ra USD vào năm 2020, nếu so sánh mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế với thu nhập bình quân đầu người thì con số này ở Việt Nam là 2.06 lần (132 triệu đồng = 5.730 USD với thu nhập bình quân đầu người là 2.785,72 USD), gần bằng Malaysia (2,45 lần), Campuchia (2,48 lần) nhưng cao hơn nhiều so với một số nước như Singapore (0,98 lần), Indonesia (0,97 lần), Thái Lan (0,87 lần). Vì vậy, nếu nói mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN có phù hợp với mức sống hiện nay hay không thì cũng khó có thể có một câu trả lời chính xác vì mức sống của các địa phương, các khu vực là khác nhau, nhưng nếu so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người thì mức giảm trừ cá nhân của Việt Nam đang ở mức trung bình cao so với các nước trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay của Việt Nam đang áp dụng chung cho mọi đối tượng nộp thuế mà chưa có sự phân biệt đối với người tàn tật cũng như những người phụ thuộc là người tàn tật, ví như ở Malaysia: mức giảm trừ cơ bản là RM9,000, mức giảm trừ cho người tàn tật tăng thêm RM6,000. Vì vậy, theo tôi, nên điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho những người tàn tật và người phụ thuộc là người tàn tật. Đồng thời, ngưỡng thu nhập bình quân tháng dùng để xác định người phụ thuộc theo quy định hiện nay là 1 triệu đồng cũng không còn phù hợp, cần phải có sự điều chỉnh tăng.
PV: Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ nên có chính sách giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương do thu nhập sụt giảm trong khi giá hàng hóa liên tục tăng, bà đánh giá thế nào về ý kiến trên?
PGS.TS Lý Phương Duyên: Thuế TNCN hiện nay đánh vào cá nhân có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh... Vì vậy, nếu chỉ giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương thì chưa thực sự đảm bảo công bằng cho các đối tượng nộp thuế khác, đặc biệt là các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh. Các quy định về việc giảm thuế trực thu - trong đó có thuế TNCN thường có tác động trực tiếp đến người nộp thuế nên trong điều kiện chưa sửa được Luật thuế thì Chính phủ có thể đưa ra các chính sách giảm thuế TNCN cho người nộp thuế, chủ yếu đối với những khoản thu nhập có nguồn gốc từ tiền lương tiền công và từ kinh doanh.
Tuy nhiên, trong dài hạn, Luật thuế TNCN cũng cần có những thay đổi như tăng ngưỡng doanh thu miễn thuế đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, hiện nay con số này là 100 triệu đồng/năm; bổ sung các khoản chi phí cá nhân được trừ đối với thu nhập từ tiền lương tiền công; giãn cách các bậc trong biểu thuế lũy tiến... để đảm bảo tính toàn diện và tổng thể hơn trong việc phân phối thu nhập của các đối tượng.
Khoảng 1,2 triệu người lao động theo quy định mới không phải nộp thuế
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, điều chỉnh giảm thu nhập tính thuế đến khoảng 6 triệu người lao động, giảm thu ngân sách nhà nước khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó có khoảng 1,2 triệu người lao động đang thuộc diện chịu thuế ở bậc 1 thì theo quy định mới thuộc diện không phải nộp thuế.
PV: Chính phủ đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, các chính sách này đang đi đúng hướng. Vậy theo bà Chính phủ có nên tiếp tục hỗ trợ bằng các chính sách an sinh thay vì giảm thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng này?
PGS.TS Lý Phương Duyên: Ý nghĩa lớn nhất của các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khi gặp khó khăn là tính kịp thời bên cạnh giá trị của các khoản hỗ trợ. Thuế TNCN được kê khai quyết toán 1 lần/năm, với thời hạn quyết toán cố định là 31/3 hàng năm (n+1) đối với các cá nhân ủy quyền quyết toán và 30/4 hàng năm (n+1) đối với các cá nhân tự quyết toán. Lợi ích mà người lao động nhận được từ việc giảm thuế TNCN có thể có độ trễ nhất định so với các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội. Vì vậy, chính sách an sinh là một giải pháp không thay thế mà nên được thực hiện đồng thời với việc giảm thuế TNCN.
PV: Xin cảm ơn bà!
Giảm thuế thì đối tượng được hưởng chủ yếu là nhóm có thu nhập cao
Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của pháp luật thuế TNCN hiện hành, thu nhập làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo theo quy định.
Với quy định hiện hành, người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế TNCN, đối với mức thu nhập cao hơn thì sẽ tính các khoản giảm trừ theo quy định và áp dụng biểu thuế lũy tiến. Nếu người lao động có 2 người phụ thuộc và có đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc, thì với mức thu nhập 22 triệu đồng/tháng không phải nộp thuế và không bị tạm khấu trừ thuế TNCN; với mức thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì nộp thuế ở bậc 1 với thuế suất 5% và số thuế khấu trừ hàng tháng chỉ là 39.250 đồng/tháng.
Do đó, nếu giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương, thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập cao. Điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bởi vì số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% trong tổng số thu từ thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công.