Có đại dương và sự sống ở hành tinh 'thần chết'?
Nghiên cứu mới đã phát hiện bằng chứng về một đại dương bị chôn vùi, nơi nước tồn tại dưới dạng lỏng ngay dưới 'trái tim băng giá' của hành tinh lùn Pluto - Sao Diêm Vương.
Dù mang tên vị thần cai quản địa ngục Pluto, Sao Diêm Vương có thể không chết chóc như cái tên của nó, một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience phân tích. Các nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản và Mỹ đã tìm ra bằng chứng về một đại dương bị chôn vùi vẫn đang âm thầm sống bên dưới "trái tim băng giá" của hành tinh lùn này.
Nhóm tác giả bao gồm các nhà khoa học từ Đại học Hokkaido, Viện Công nghệ Tokyo, Đại học Tokushima, Đại học Osaka, Đại học Kobe (Nhật Bản) và Đại học California ở Santa Cruz (Mỹ) đã phân tích chi tiết những hình ảnh và dữ liệu mà tàu vũ trụ New Horizons của NASA đã gửi về trái đất.
Như nhiều hình ảnh đã cho thấy, Sao Diêm Vương sở hữu một hình trái tim thú vị màu trắng, vốn là cánh đồng băng rộng lớn trên bề mặt. Thùy bên trái của nó được đặt tên là Sputnik Planitia, bề rộng lên đến 1.000 km. Nghiên cứu mới này đã chỉ ra bên dưới Sputnik Planitia là một đại dương cùng tên lớn hơn kích thước bang Texas (Mỹ).
Sputnik Planitia cũng nằm thẳng hàng với trục thủy triều của Sao Diêm Vương, đường mà lực hấp dẫn từ Mặt Trăng Charon của nó tác động mạnh mẽ nhất. Dữ liệu từ NASA cho thấy một khối lượng vật chất lớn đã tập trung ở khu vực này. Khối lượng này có thể từ băng nitơ tích tụ nơi đồng băng và cũng có thể là một đại dương bị chôn vùi.
Nguồn gốc đại dương này đến từ lòng đất của Sao Diêm Vương. Giả thuyết dựa trên các dữ liệu tìm thấy mô tả một sao chổi lớn đâm vào hành tinh lùn này từ "buổi bình minh" trong lịch sử 4,6 tỉ năm của nó, hình thành nên cánh đồng băng hình trái tim và cả đại dương ngầm.
Điều quan trọng nhất là đại dương này có thể tồn tại dưới dạng nước lỏng. Nghiên cứu cũng cho thấy giữ lớp vỏ băng và lớp nước tồn tại một lớp khí hydrat clathrate, có vai trò như lớp cách nhiệt, giúp nước bên dưới không bị đóng băng. Trong khoa học hành tinh, nơi nào có nước, nơi đó có triển vọng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất.
Phó giáo sư Shunichi Kamata (Đại học Hokkaido), tác giả chính của nghiên cứu, phát hiện mới này còn cho thấy có thể có nhiều đại dương ngoài hành tinh khác trong vũ trụ so với suy nghĩ trước đây. "Điều đó làm cho sự tồn tại của sự sống ngoài Trái Đất trở nên khả dĩ hơn" – ông nói.