Có đam mê sẽ thành công

Đó là chia sẻ của chị Lý Thị Lành, thôn Phiêng Chỉ, xã Thượng Giáo (Ba Bể) khi trao đổi với chúng tôi về việc hình thành và phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Năng và sản phẩm chả cá đang được ưa chuộng trên thị trường huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Năng đem lại thu nhập cao cho gia đình chị Lý Thị Lành, thôn Phiêng Chỉ, xã Thượng Giáo (Ba Bể).

Theo chị Lành chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của dòng sông năng chảy qua địa phương nên cách đây gần 5 năm, gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi thí điểm 1 lồng cá dung tích khoảng 30m3. Khi mới nuôi chưa có kinh nghiệm cũng như cách phòng bệnh cho cá… nên cá chậm lớn và bị chết nhiều, hiệu quả kinh tế không cao.

Sản phẩm Chả cá lồng sông Năng được thị trường tin dùng và ưa chuộng trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực học hỏi trên mạng, từ sách báo và đúc rút kinh nghiệm thực tế, đến nay cá lồng của gia đình chị Lành luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay gia đình đã tăng lên 3 lồng nuôi với quy mô gần 100m3 nước. Trong hai năm gần đây, bình quân mỗi năm gia đình bán gần 1,5 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Hiện nay, sản phẩm chả cá lồng sông Năng được gia đình chế biến từ cá diêu hồng và cá rô phi đơn tính, bán chủ yếu ở khu vực huyện Ba Bể và một số khách hàng thân thiết trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm riêng bán chả cá, gia đình có thu nhập trên 50 triệu đồng.

Kết hợp từ bán cá thương phẩm, chả cá và tăng gia sản xuất khác nên gia đình chị Lành đã xây dựng được nhà kiên cố và mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt.

Từ chăn nuôi cá lồng kết hợp với những nguồn thu nhập khác, đến nay gia đình chị Lý Thị Lành đã xây dựng được ngôi nhà rộng rãi, khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của gia đình được nâng cao.

Vượt khó để phát triển

Mô hình trồng trọt và chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Ánh, thôn Phiêng Chỉ, xã Thượng Giáo cũng là một trong những mô hình tiêu biểu ở địa phương trong việc vượt khó để phát triển kinh tế.

Mô hình trồng hơn 700 gốc bưởi da xanh tại trang trại của chị Hoàng Thị Ánh, thôn Phiêng Chỉ, xã Thượng Giáo (Ba Bể) cho thu nhập cao, góp phần tạo việc làm ở địa phương.

Chị Ánh cho biết trước đây kinh tế rất khó khăn, nhờ được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi, gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình có hơn 10ha đất vườn đồi, trong đó có hơn 2ha trồng bưởi da xanh đã cho thu hoạch quả; hơn 4ha trồng quế, mỡ và phần đất còn lại trồng chuối tây.

Chị Ánh chia sẻ: "Cây bưởi da xanh được gia đình tôi trồng cách đây khoảng 5 năm, trong 2 năm gần đây đã cho thu hoạch quả, bán rất được giá. Thời điểm làm cỏ và bỏ phân, gia đình giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày.

Bên cạnh đó, gia đình chị Ánh còn nuôi cá lồng ở sông Năng; tổ chức thu mua các mặt hàng nông sản của người dân địa phương rồi bán lại cho thương nhân đến từ các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Trừ chi phí mỗi năm gia đình đạt thu nhập gần 200 triệu đồng, xây dựng được nhà ở khang trang với đầy đủ tiện nghi. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, theo chị Hoàng Thị Ánh, gia đình đã phải nỗ lực rất nhiều và luôn có niềm tin ở công việc mình đang làm.

Chị Hà Thị Việt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Giáo (Ba Bể).

Chị Hà Thị Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Giáo cho biết: Hiện nay toàn xã có hơn 1.100 hội viên, trong đó còn hơn 130 hội viên thuộc diện hộ nghèo. Phần lớn các hội viên đều nỗ lực vượt khó trong phát triển kinh tế, gương mẫu trong hoạt động của Hội. Trong đó, trường hợp chị Lý Thị Lành và Hoàng Thị Ánh là những gương điển hình nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế gia đình, xứng đáng để nhiều người tham khảo. Đến thời nay trong xã đã có nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi với tổng dư nợ hơn 30 tỷ đồng./.

Đình Văn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/co-dam-me-se-thanh-cong-post56787.html