Cô gái 26 tuổi bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, nguyên nhân và cách phát hiện bệnh sớm

Chị N.T.T ở Đà Nẵng 26 tuổi, đau khớp háng nặng không thể ngồi xổm, vắt chéo chân, leo cầu thang... Chị T được bác sĩ chẩn đoán hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, phải phẫu thuật thay khớp nhân tạo.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là tình trạng máu cung cấp cho xương bị gián đoạn khiến các mô xương bị hoại tử. Khi nguồn cung cấp máu bị cắt đứt, các ổ xương bị khuyết hổng sẽ khiến cho phần sụn và xương dần bị phá hủy lâu dần sẽ gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi sau đó thoái hóa chức năng khớp háng dẫn đến tàn phế.

Nguyên nhân hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi?

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi thứ phát thường gặp ở độ tuổi trung niên, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi như:

- Do chấn thương: Các chấn thương như trật khớp, gãy cổ xương đùi, gãy vỡ ổ khớp làm đứt các động mạch đến nuôi xương ảnh hưởng tới việc cung cấp máu tới xương, dẫn tới hoại tử xương. Nếu không được điều trị sớm hoại tử xương thường xuất hiện sau chấn thương khoảng 2 năm.

- Do tắc nghẽn tĩnh mạch: thường gặp trong bệnh lý ở bao khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến… gây nên hoại tử chỏm xương đùi.

- Do tắc nghẽn trong lòng mao mạch: các hồng cầu có hình dạng bất thường (như ở bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm) có thể bị gây tắc nghẽn khi di chuyển trong các mạch máu nhỏ như mao mạch. Một bệnh khác nữa là bệnh Caisson (ở thợ lặn) khi từ độ sâu trồi nhanh lên mặt nước, lúc này các bọt khí ni-tơ hình thành trong máu làm tắc các mao mạch có đường kính nhỏ.

- Do chèn ép các mao mạch trong ống xương: thường gặp ở những người uống rượu và sử dụng corticoid thường xuyên.

Các yếu tố nguy cơ khác có thể gây tình trạng hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi bao gồm:

- Tuổi tác: tuổi tác cao làm tăng khả năng mắc bệnh.

- Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới

- Lạm dụng rượu bia: Uống nhiều rượu bia trong thời gian dài có thể khiến chất béo tích tụ trong mạch máu, làm giảm lưu lượng máu tới xương.

- Một số bệnh lý có thể dẫn đến hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi: Các bệnh mạn tính như bệnh Gaucher, viêm tụy, HIV/AIDS, Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh giảm áp hay còn gọi là bệnh thợ lặn, một số loại ung thư khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ hoại tử xương rất cao.

Khi xuất hiện cơn đau vùng bẹn lan xuống mặt trong đùi cần phải đi khám

Khi xuất hiện cơn đau vùng bẹn lan xuống mặt trong đùi cần phải đi khám

Biểu hiện hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

Những triệu chứng người bệnh thường gặp khi bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi gồm:

- Đau khớp háng: Cơn đau xuất hiện ở mặt trong vùng bẹn lan xuống mặt trong đùi. Một số trường hợp cơn đau có thể lan đến vùng mông.

- Cơn đau có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên khớp háng. Cơn đau trở nên nghiêm trọng khi vận động, đứng lâu và thuyên giảm khi nghỉ ngơi, đau nhói ở khớp háng khi lên – xuống cầu thang, ngồi xổm, đi bộ lâu, vận động khớp háng đột ngột,… Triệu chứng đau thường âm ỉ, khiến người bệnh khó chịu. Đau dữ dội hơn khi tác động mạnh vào khớp háng.

- Cứng khớp: cứng khớp háng thường xuất hiện vào buổi sáng, khó dạng chân hoặc bước chân, giảm sau vài cử động khớp. Triệu chứng xuất hiện thường xuyên vào ngày trời lạnh hoặc ẩm thấp.

- Hạn chế vận động khớp: Cơn đau có thể khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động khớp háng như xoay trong, xoay ngoài, dạng hoặc khép. Đặc biệt, người hoại tử chỏm xương đùi rất khó ngồi xổm, gần như rất khó để thực hiện tư thế này.

Điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

Tùy từng bệnh nhân, giai đoạn bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp, cụ thể.

- Điều trị bảo tồn

Ở giai đoạn sớm dùng thuốc giúp cải thiện triệu chứng, giảm đau và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Trong những trường hợp nặng các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả và đau đớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị tốt nhất để giải quyết vấn đề.

- Điều trị phẫu thuật thay khớp

Phẫu thuật điều trị hoại tử chỏm xương đùi có thể giúp bệnh nhân giảm đau khớp háng, giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Các phẫu thuật gồm: Khoan giải ép chỏm xương đùi; Ghép xương mác có cuống mạch; Đục xương chỉnh trục...

Thay khớp háng: Khi chỏm xương bị xẹp, người bệnh cần được thay khớp háng. Đây là lựa chọn điều trị cuối cùng.

Tuy nhiên trong trường hợp, tình trạng hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi của bệnh nhân chưa quá nghiêm trọng, các phương pháp điều trị bảo tồn giúp giảm đau và cải thiện sức khỏe người bệnh có thể là lựa chọn tốt hơn.

Tóm lại: Hoại tử chỏm xương đùi là biến chứng nguy hiểm với những bệnh lý xương đùi gồm cả chấn thương và không do chấn thương. Ở giai đoạn cuối của hoại tử chỏm xương đùi, người bệnh đã bị thoái hóa khớp thứ phát không đáp ứng thuốc, lún xẹp chỏm, thoái hóa ổ cối nặng, dễ bị chấn thương gãy cổ xương đùi. Việc phát hiện bệnh sớm và có biện pháp can thiệp ngoại khoa (thay khớp háng) sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ tàn phế cho người bệnh.

Cô gái trẻ bị hoại tử chỏm xương đùi

Chị T, 26 tuổi ở Đà Nẵng bị đau khớp háng nặng phải đi khập khiễng và không thể thực hiện các động tác thường ngày như ngồi xổm, vắt chéo chân, đi cầu thang... trong một năm rưỡi qua. Tháng 9/2023, chị T từ Philippines về Việt Nam điều trị.

ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị T bị hoại tử chỏm xương đùi cả hai bên khớp háng chưa rõ nguyên nhân. Bệnh này có thể điều trị bảo tồn bằng cách dùng thuốc và tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên, tình trạng chị T. đã tiến triển nặng, đau dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, cần được phẫu thuật thay khớp.

Ths. Bs. Lê Văn Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-gai-26-tuoi-bi-hoai-tu-vo-khuan-chom-xuong-dui-nguyen-nhan-va-cach-phat-hien-benh-som-169230919185316873.htm