Cô gái Ấn Độ thành anh hùng sau khi bị đánh vào đầu bằng gậy sắt

Sau khi bị nhóm tín đồ Hindu cực đoan tấn công bạo lực bằng gậy sắt, cô gái trẻ Aishe Ghosh trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình chống chính quyền Thủ tướng Modi.

Dưới cây cầu cao tốc ở thủ đô New Delhi, cuộc biểu tình quy mô lớn của những người bất đồng chính kiến làm tê liệt tuyến đường. Trong đám đông là nhiều người đàn ông với bộ râu rậm, ca sĩ cầm đàn ghi-ta và cả các nhà hoạt động xã hội đang vô tư nhổ nước bọt.

Đám đông hỗn loạn bỗng chốc như có luồng điện xẹt qua khi một người phụ nữ nhỏ bé, trẻ trung và mỏng manh bước lên bục phát biểu. Không giấy tờ, không băng khẩu hiệu, cô gái này bắt đầu cất tiếng:

"Nhiều người hỏi tôi rằng tôi có sợ không. Tôi nói với họ: Làm sao mà tôi phải sợ chứ?".

 Aishe Ghosh (giữa) phát biểu tại một cuộc biểu tình ở New Delhi vào ngày 15/1. Ảnh: New York Times.

Aishe Ghosh (giữa) phát biểu tại một cuộc biểu tình ở New Delhi vào ngày 15/1. Ảnh: New York Times.

Đám đông gật đầu, chăm chú lắng nghe từng lời cô gái nói. Ngay cả Amit Shah, Bộ trưởng Nội vụ, hay Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, cũng không khiến cô sợ, cô tuyên bố.

"Ngay cả khi các người đánh bại chúng tôi, chúng tôi sẽ không lùi bước. Cách mạng muôn năm!", cô gái hô vang trong khi đám đông ồ lên hưởng ứng.

Ấn Độ đang chứng kiến phong trào biểu tình có quy mô lớn và sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tràn qua mọi ngóc ngách. Và nổi lên trên những đợt sóng đó là cô gái trẻ Aishe Ghosh, biểu tượng của phong trào.

Biểu tượng của phong trào

Đầu tháng 1, khi đang dẫn dắt một cuộc biểu tình ôn hòa trong khuôn viên trường đại học của mình, Ghosh bị một nhóm côn đồ theo đạo Hindu tấn công. Những người này lấy thanh sắt đập vào đầu và vào người Gosh. Hình ảnh gương mặt dính đầy máu của cô ngay lập tức được lan truyền trên khắp Ấn Độ.

Nhưng bức ảnh chụp hai ngày sau đó mới là ấn tượng khắc sâu trong tâm trí người dân nước này. Trong ảnh, cô gái trẻ Gosh, 25 tuổi, nhìn thẳng vào máy ảnh, đầu quấn băng keo y tế trắng, mái tóc rối và đôi mắt ánh lên ý chí quyết đoán không gì có thể dập tắt.

 Ghosh bị tấn công trong chính khuôn viên trường đại học của mình hôm 5/1. Ảnh: New York Times.

Ghosh bị tấn công trong chính khuôn viên trường đại học của mình hôm 5/1. Ảnh: New York Times.

Nói với New York Times, Vidit Panchal, bác sĩ trẻ đã đi xuyên Ấn Độ để gặp Ghosh, cho rằng: "Mỗi cuộc biểu tình đều cần có gương mặt đại diện".

Và Ghosh chính là gương mặt đó.

Thừa hưởng năng khiếu từ cha mẹ sống ở miền Tây Bengal, Ghosh có tài hội họa và theo học ngành chính trị tại đại học. Mùa thu năm 2019, cô được bầu làm chủ tịch hội sinh viên tại một trong những trường học uy tín và sôi động nhất Ấn Độ, Đại học Jawaharlal Nehru, nổi tiếng với quan điểm chống Thủ tướng Modi.

Trước khi bị nhóm người ủng hộ ông Modi tấn công, Ghosh vẫn tham gia biểu tình, tổ chức đình công và chiêu mộ người thành viên để thúc đẩy phong trào. Giờ đây, cô được mời đến khắp nơi tại Ấn Độ để diễn thuyết.

"Các giáo sư đã viết thư cho chúng tôi nói rằng nên tham gia biểu tình, bởi vì chúng dạy cho chúng tôi nhiều điều hơn trong lớp học", cô Ghosh nói.

Phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo?

Kể từ khi nhà nước Ấn Độ hiện đại hình thành, câu hỏi cơ bản được đặt ra là làm thế nào để quốc gia này đi theo định hướng của đạo Hindu. Dù 80% dân số đều là tín đồ Hindu giáo, Ấn Độ còn có nhiều tôn giáo khác như Hồi giáo với 200 triệu tín đồ. Con số này khiến Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất trên thế giới.

Ông Modi thể hiện quan điểm khá rõ ràng trong việc thúc đẩy chính sách tôn giáo gây chia rẽ ở Ấn Độ. Ông ưu tiên các nhóm đa số trong khi phớt lờ nhiều nhóm thiểu số.

Kể từ khi ông Modi tái đắc cử, vấn đề khiến hàng triệu người Ấn Độ bức xúc là luật công dân mới với nội dung cho phép người không theo đạo Hồi từ ba quốc gia Bangladesh, Pakistan và Afghanistan được nhập quốc tịch Ấn Độ. Những người phản đối, hầu hết là người Hồi giáo, cho rằng đây là sự phân biệt đối xử và lo ngại họ sẽ bị "lấn át" bởi người Hindu từ Bangladesh.

Ông Modi nhấn mạnh luật này nhằm bảo vệ những người di cư bị đàn áp từ các nước láng giềng và phủ nhận họ có thành kiến về tôn giáo. Ngay sau khi dự luật được thông qua vào tháng 12/2019, các trường đại học trên cả nước đã bùng nổ phong trào biểu tình.

 Ghosh trả lời phỏng vấn với báo giới. Ảnh: New York Times.

Ghosh trả lời phỏng vấn với báo giới. Ảnh: New York Times.

Cuộc tấn công của nhóm cực đoan

Đại học Jawaharlal Nehru ở trung tâm New Delhi, nơi Ghosh đang theo học bằng thạc sĩ chuyên ngành biến đổi khí hậu, là một trong những trường đại học uy tín nhất của Ấn Độ.

Những ngày này, mỗi khi đi trong trường, Ghosh đều phải dừng lại vì mọi người thi nhau hỏi thăm.

"Bạn có ổn không?", một cô gái trẻ hỏi Ghosh.

"Bạn có năng lượng và sức chịu đựng đáng kinh ngạc", một người khác nói.

"Làm ơn đừng để bị đánh nữa nhé!", một người bạn vừa cười vừa nói.

Trong khi đó, Ghosh, với nụ cười thường trực trên khuôn mặt, để mọi người nói hết trước khi cô bắt đầu cất tiếng. "Một vài người nói: 'Trông bạn chẳng giống chủ tịch gì cả, vì bạn gầy quá. Rồi tôi hỏi họ: 'Cần nặng bao nhiêu kg thì trông mới giống chủ tịch?", Ghosh nói.

Trong một thời gian dài, những tín đồ Hindu cực đoan đã chĩa mùi dùi vào trường học của Ghosh và đến ngày 5/1, cuộc tấn công diễn ra. Tối hôm đó, cô Ghosh đang phát biểu trong cuộc biểu tình phản đối tăng học phí tại trường đại học của cô.

Các nhân chứng cho biết những kẻ tấn công bao gồm cả sinh viên và người ngoài trường. Đây là nhóm người ủng hộ ông Modi và nhắm vào các nhà hoạt động theo quan điểm tự do. Một nhóm cực đoan Hindu giáo sau đó đã thừa nhận tham gia vào cuộc hỗn chiến và cho biết họ có vũ trang để tự vệ.

Những kẻ tấn công mang theo thanh sắt, ống nước và búa tạ. Chúng quật ngã Ghosh xuống đất và liên tiếp đánh đập cô.

"Lúc đó tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết", Ghosh hồi tưởng lại.

 Cô Ghosh (giữa) tại một cuộc biểu tình ngày 9/1 ở New Delhi. Ảnh: Reuters.

Cô Ghosh (giữa) tại một cuộc biểu tình ngày 9/1 ở New Delhi. Ảnh: Reuters.

"Tôi sẽ không bỏ cuộc"

Người Ấn Độ giờ đây đùa rằng ở đất nước này, có tự do ngôn luận nhưng không có tự do "sau ngôn luận".

Sau khi lên tiếng về vụ tấn công, Ghosh tiếp tục trở thành nạn nhân của những thông tin giả. Nhóm cực đoan Hindu giáo đã lan truyền những bức ảnh giả của cô và cáo buộc cô nói dối. Nhóm này thậm chí còn nói rằng cô đã tự đập thanh sắt vào đầu mình.

Cảnh sát sau đó cáo buộc Ghosh và nhiều sinh viên cánh tả khác xúi giục bạo lực. Ghosh phủ nhận điều này. "Tôi không quan tâm kể cả khi họ nêu tên tôi trong 70 cáo buộc. Tôi sẽ không bỏ cuộc".

Kể từ khi bị tấn công, Ghosh chưa có thời gian để gặp cha mẹ mình và hiếm khi gặp bạn trai. Cô ý thức được rằng đây là thời điểm quan trọng. "Tôi quá bận với tất cả mọi việc đang diễn ra gần đây", cô nói trong khi vội đi tới một cuộc biểu tình khác.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/co-gai-an-do-thanh-anh-hung-sau-khi-bi-danh-vao-dau-bang-gay-sat-post1037473.html