Cô gái bị đuổi việc vì đi vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt ở Trung Quốc

Câu chuyện của Lin (hiện sống tại Quảng Châu) đã dấy lên cuộc tranh luận về những khó khăn trong kỳ kinh nguyệt của nữ giới chốn văn phòng.

Lin, nhân viên truyền thông của một công ty công nghệ thực phẩm ở Quảng Châu (Trung Quốc), đã bị sa thải vì đi vệ sinh quá nhiều lần trong một buổi làm việc, The Paper đưa tin trong ngày 1/6.

Trước đó, ngày 31/5, theo Sohu, Lin đã bị sa thải vào ngày 23/5. Cô có hợp đồng với công ty này 3 năm, bắt đầu làm việc từ 28/2.

Giải thích với phóng viên, Lin cho biết đó là ngày cô có kinh nguyệt và phải ra vào nhà vệ sinh thường xuyên để thay băng vệ sinh. Sau sự việc, cô đã nộp đơn khiếu nại lên cơ quan quản lý lao động.

Câu chuyện của Lin được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhanh chóng gây nên nhiều luồng ý kiến tranh cãi. Điều khiến nhiều người quan tâm là sự thông cảm đối với vấn đề vốn được xem là nhạy cảm của nữ giới chốn văn phòng: kỳ kinh nguyệt.

 Kinh nguyệt là vấn đề gây nhiều khó khăn cho nữ giới chốn văn phòng.

Kinh nguyệt là vấn đề gây nhiều khó khăn cho nữ giới chốn văn phòng.

Vấn đề khó nói

Dù mang đến nhiều phiền toái cho phụ nữ song những ngày đèn đỏ của nhân viên nữ ít khi được quan tâm, thậm chí còn bị ngó lơ và tránh nhắc tới.

Mỗi phụ nữ có một mức độ khó chịu khác nhau khi tới kỳ kinh nguyệt, và chỉ bản thân họ mới cảm nhận được điều đó. Thực tế, cần một chặng đường rất dài để hình thành nên sự thông cảm trong tập thể đồng nghiệp nơi làm việc với vấn đề này.

Câu chuyện của Lin đã khơi dậy lòng đồng cảm của rất nhiều người, đặc biệt là những phụ nữ làm việc văn phòng. Nhiều người để lại bình luận, xác nhận rằng phụ nữ đi vệ sinh nhiều lần trong ngày đèn đỏ là chuyện bình thường, đó cũng chỉ là một phản ứng nhẹ nhàng nhất của cơ thể.

Sự bất tiện tại văn phòng trong những ngày đèn đỏ không phải khó khăn riêng của Lin mà nó là nỗi lo chung của nhiều phụ nữ.

 Bất tiện trong kỳ kinh nguyệt trở thành nỗi lo chung của nhiều nhân viên nữ.

Bất tiện trong kỳ kinh nguyệt trở thành nỗi lo chung của nhiều nhân viên nữ.

Trên thực tế, có một số quy định cụ thể trong các luật và quy định liên quan đối với các điều kiện đặc biệt của thời kỳ kinh nguyệt của nhân viên nữ. Trong “Quy định về công tác chăm sóc sức khỏe của lao động nữ” có nội dung cho phép nhân viên nghỉ phép 1-2 ngày trong kỳ kinh nguyệt.

Điều khoản Đặc biệt về Bảo hộ Lao động cho Nhân viên Nữ ở tỉnh An Huy cũng quy định rằng nếu một nhân viên nữ không thể đi làm do rong kinh hoặc đau bụng kinh và xin nghỉ việc, người sử dụng lao động phải bố trí cho cô ấy nghỉ ngơi từ 1 đến 2 ngày, theo giấy xác nhận của cơ sở y tế.

Những cải tiến trong luật nêu trên thể hiện sự tiến bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình cấp giấy xác nhận sức khỏe trong kỳ kinh nguyệt không phải nhanh và đơn giản, không dễ thực hiện. Nhiều người còn lo lắng về việc nghỉ phép khi tới ngày đèn đỏ.

Theo một báo cáo khảo sát mẫu về việc thực hiện Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích do Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc phát hành, 78,5% phụ nữ không được bảo vệ đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt.

Theo các chuyên gia, văn hóa công sở Trung Quốc vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ về kinh nguyệt, chưa chú ý đến tình trạng đặc biệt này.

Việc đưa ra quy định chăm sóc kỳ kinh nguyệt cũng gặp nhiều hạn chế, vẫn tồn tại sự "xấu hổ về kinh nguyệt", phụ nữ ngại chia sẻ về vấn đề này vì coi nó là chuyện riêng tế nhị.

Xấu hổ về kinh nguyệt

"Xấu hổ về kinh nguyệt" không phải vấn đề riêng của nữ giới văn phòng Trung Quốc mà còn phổ biến ở nhiều quốc gia. Dù nhiều nơi đã đưa ra chính sách cho phép phụ nữ nghỉ phép ngày đèn đỏ, không ít người lo ngại nó sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng phân biệt giới tính nơi làm việc.

 Nhiều phụ nữ không sử dụng quyền được nghỉ trong ngày đèn đỏ vì sợ bị kỳ thị, mất cơ hội thăng tiến.

Nhiều phụ nữ không sử dụng quyền được nghỉ trong ngày đèn đỏ vì sợ bị kỳ thị, mất cơ hội thăng tiến.

Quyền được nghỉ phép khi đến kỳ kinh nguyệt đã tồn tại hơn 70 năm qua ở xứ Phù Tang. Đây không phải là quốc gia châu Á duy nhất có chính sách này.

Năm 1953, Hàn Quốc bắt đầu cho phép phụ nữ nghỉ phép “ngày dâu”. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều tỉnh thành và doanh nghiệp cũng áp dụng chính sách nghỉ kinh nguyệt với nhiều quyền lợi.

Tuy nhiên, ngày càng có ít phụ nữ sử dụng quyền nghỉ phép này. Trong một cuộc khảo sát năm 2013, 23,6% phụ nữ Hàn Quốc sử dụng chế độ nghỉ phép. Nhưng 4 năm sau, tỷ lệ này giảm xuống còn 19,7%. Cho đến hiện tại, năm 2022, con số này vẫn chưa có nhiều sự thay đổi, theo Koreaherald.

Theo Yumiko Murakami, người đứng đầu Trung tâm Tokyo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nguyên nhân gây ra tình trạng trên là bởi phụ nữ không biết đến quyền lợi này của mình. Đồng thời, các công ty cũng “tảng lờ”, không cung cấp thông tin cho nhân viên.

Các nhà nữ quyền chưa chắc chắn rằng liệu việc phụ nữ nghỉ làm khi đến “ngày đèn đỏ” là một bước tiến hay tụt hậu. Trong khi nhiều người ủng hộ sáng kiến này, một số khác cho rằng nó có thể làm sâu sắc thêm tình trạng phân biệt giới tính ở chỗ làm.

Trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa, không ít phụ nữ phải chật vật tìm kiếm băng vệ sinh, theo The Paper.

Trên các nhóm trực tuyến, nhiều người cho biết họ đang mắc kẹt trong văn phòng công ty, ký túc xá, chung cư và băng vệ sinh trở thành "xa xỉ phẩm".

Nhiều người phải "kêu cứu" trên các diễn đàn: "Chúng tôi có 18 phụ nữ đang chuẩn bị tới kỳ kinh nguyệt, cần số băng vệ sinh đủ dùng trong 7 ngày", "Nhiều nữ sinh trường cao đẳng ở Thượng Hải đang cần băng vệ sinh gấp"...

Cuộc khủng hoảng một lần nữa nhấn mạnh việc băng vệ sinh không được coi trọng và phân phối như mặt hàng thiết yếu.

"Khác với đồ ăn, rau củ, thậm chí là rượu, thuốc lá, không ai nghĩ tới việc mua và phân phối băng vệ sinh cho phụ nữ là cần thiết", The Paper đưa tin.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-bi-duoi-viec-vi-di-ve-sinh-trong-ky-kinh-nguyet-o-trung-quoc-post1322911.html