Cô gái thôn quê mang Hạt điều nhà Lê ra thế giới
Trăn trở với hạt điều của người nông dân khó tiếp cận với thị trường thế giới, cô gái Lê Thủy (Lê) ấp ủ xây dựng thương hiệu và tự tìm hướng đi riêng.
Khởi nghiệp vì…đói
3 năm trước, Hạt điều nhà Lê đã xuất hiện tại hơn 150 nước trên thế giới. Thế nhưng, đường đi của sản phẩm rất nhỏ lẻ thông qua hàng xách tay của du học sinh hoặc Việt kiều, doanh nghiệp mua làm quà biếu. 3 năm sau, Hạt điều nhà Lê đã khẳng định được thương hiệu và có mặt ở rất nhiều siêu thị ở châu Á và một số nước châu Âu, trở thành thương hiệu uy tín, rất được yêu thích tại Việt Nam và nước ngoài.
Hành trình khởi nghiệp của cô gái đến từ vùng quê huyện Long Khánh (Đồng Nai) dù đạt được một số tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn rất gian truân. Lê chia sẻ, cô từng mưu sinh rất nhiều ngành nghề ở Sài Gòn nhưng đều thất bại vì không đủ kiến thức, không có vốn. “Đụng đâu thua đó”- là bài học cay đắng đầu đời mà cô phải tự mình đối chọi và vượt qua.
Lần thất bại cuối cùng là vào năm 2014, Lê trắng tay hoàn toàn khi đầu tư vào lĩnh vực thời trang và trở về quê. Trong cái rủi, Lê tình cờ tìm thấy niềm hy vọng khi xem chương trình trên ti vi nói về xuất khẩu hạt điều. Với lợi thế về gia đình có nền tảng làm ngành hạt điều cộng với những kiến thức am hiểu về điều Lê đã cùng với gia đình làm nên một thương hiệu riêng của gia đình.
Khởi nghiệp với số vốn 10 triệu đồng và khoản nợ lớn sau nhiều lần thất bại trước đó, Lê tự tìm vận may cho mình khi đầu tư vào hạt điều. Cô đặt tên thương hiệu sản phẩm là Hạt điều nhà Lê và tự hoàn thiện bao bì, khắc phục nhưng lỗi kỹ thuật như: Tỷ lệ hạt điều sâu, hỏng rất cao hoặc hạt điều sau mỗi mùa sẽ khác nhau về độ ngon, độ ngọt, khách hàng đã ăn ngon quen rồi, chỉ cần dở đi một chút sẽ không hài lòng.
Những ngày đầu, Lê tự soạn hàng, đóng gói, bán hàng, chào hàng, chụp hình, làm quảng cáo, đều tự tay mò mẫm đi hỏi khắp nơi . Có lúc đi giao hàng đến khuya hoặc làm việc đến 1-2h sáng mới xong là chuyện rất thường, hôm sau đổ bệnh luôn nhưng cô vẫn gắng đi làm.
Lê nói chuyện với khách rất nhiều, tìm hiểu xem cách phản ứng của khách như thế nào khi sử dụng sản phẩm. “Tính mình thích hoàn hảo, khách hàng chê cái gì là mình hì hục hoàn thiện lại cái đó. Phải làm hết tâm hết sức chứ không phải làm láo cho qua chuyện", Lê nói.
Sau vài năm đầu tư lĩnh vực mới, khách hàng đông, Lê mua thêm nguyên liệu hạt điều từ các vườn khác về chế biến. Dù khách đông, sản phẩm tiêu thụ được nhiều nhưng Lê không vì thế làm ẩu mà ngược lại, cô rất kỹ tính trong việc quản lý sản phẩm, tự tay cùng công nhân lựa chọn hạt điều tốt, tránh bị sâu, hư hỏng nhằm giúp khách hàng an tâm sử dụng.
Mò mẫm tìm thị trường xuất khẩu
Làm ra một sản phẩm tốt đã rất khó, phải tốn nhiều năm để hoàn thiện quy trình, tích lũy tiền bạc, còn đưa đi xuất khẩu càng khó. Giống như nhiều starup khởi đầu khi mò mẫm tìm hướng ra thị trường quốc tế, kiến thức xuất nhập khẩu của Lê chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Tìm khách hàng nước ngoài là rào cản lớn nhất khiến cô phải đối diện nếu muốn đưa sản phẩm hạt điều rang thương hiệu của mình xuất khẩu. Vậy nhưng, điều may mắn là sản phẩm của cô được nhiều người mang ra nước ngoài, doanh nghiệp tặng cho người thân, đối tác nên thương hiệu được một số người biết đến, từ đó truyền miệng nhau. Những đơn hàng từ 10- 40kg liên tục được vận chuyển qua các công ty vận chuyển ra nước ngoài, đến hàng trăm quốc gia khác nhau trên thế giới là động lực giúp Lê dần dần tin vào cách làm của mình. Đơn hàng nhỏ thì xử lý được ổn nhưng đến những đơn hàng giá trị chục tỉ do khách có nhu cầu đặt hàng, Lê không thể giải quyết vì thiếu vốn.
Để deal được 1 đơn hàng đã khó, tới bước thanh toán càng khó hơn, và lúc làm càng khó gấp bội. Công ty quy mô nhỏ như Việt Nam, máy móc lạc hậu, giá cả cao hơn giá sàn thế giới, thật sự được bước chân ra nước ngoài không hề đơn giản, chưa kể kiếm lãi. Nên phần lớn xuất khẩu tập trung đi Trung Quốc và phần lớn đi tiểu ngạch cũng không có gì khó hiểu cả. Vì thị trường Trung Quốc chỉ đòi hỏi một thứ duy nhất, giá càng rẻ càng tốt, còn chất lượng lùi lại phía sau cũng được.
Đến năm 2019, một người khách hàng cũ người Singapore đồng ý với Lê cùng hợp tác thành lập 2 ở Đài Loan và Singapore , thành lập 2 chi nhánh ở đó để Việt Nam xuất hàng sang, xé công ra bán lẻ. Tất cả việc đó đều có đối tác lo pháp lý. Sở dĩ được họ giúp đỡ như vậy vì Lê đã rất thành thật và tận tâm với khách hàng, nên được họ yêu quý và giúp đỡ ngược lại.
Chuyến hàng đầu tiên của Hạt điều nhà Lê lỗ gần 7000 USD. Lý do rất thường tình, do cô không điều tra được giá bán chính xác của thị trường. Khi hàng xuất khẩu sang Đài Loan, tổng tiền thuế (thuế tới 30% tổng giá trị lô hàng, tiền tàu vận chuyển, tiền kho bãi, tiền vận chuyển nội địa, tiền phát sinh cho các rủi ro phát sinh như quảng cáo, kẹt tàu, lỡ dịp tết, tiền hàng bán ra còn thấp hơn tiền vốn.
Bù lại, lô hàng đầu tiên xuất khẩu số lượng lớn lại bán rất nhanh, phản hồi của thị trường rất tốt, có nhiều lời khen chất lượng sản phẩm và hương vị của sản phẩm.Lô hàng thứ 2, Lê xuất khẩu đã có chút lãi. Đến nay Lê đã xuất khẩu được hàng chục cont hàng hạt điều thương hiệu Hạt điều nhà Lê sang thị trường Singapore, Đài Loan, Malaysia. Sản phẩm hạt điều của Lê đã có mặt tại siêu thị Haomart, một trong những chuỗi siêu thị và cửa hàng có tiếng tại Singapore.
Với Lê, cô luôn ấp ủ xây dựng được thương hiệu Hạt điều nhà Lê phát triển mạnh mẽ thị trường trong và ngoài nước, từ đó giúp những người nông dân tìm được hướng ra tốt cho sản phẩm, đảm bảo thu nhập.