Cố gắng từng ngày, từng giờ, làm ngày làm đêm để hoàn thành dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: 'Tinh thần là phấn đấu, cố gắng từng ngày, từng giờ, huy động lực lượng làm ngày làm đêm, nếu thông qua được Luật ngay thì tốt'.

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, ngày 21/9, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về sự cần thiết sớm hoàn thiện, trình và ban hành Luật này.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Đây là dự án luật đang được cử tri, Nhân dân ngành y tế rất mong đợi, quan tâm và dư luận xã hội rất trông chờ. Tuy nhiên, qua các nội dung xin ý kiến, nhất là tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 8/9 có 18 lượt phát biểu ý kiến về dự án luật, góp ý nhiều vấn đề".

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm về thời điểm ban hành Luật. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, giữa 2 ý, một là chất lượng, hai là yêu cầu rất khẩn trương về mặt thời gian nên cần cần nhắc hết sức kỹ lưỡng để có giải pháp phù hợp.

Ngay sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: "Việc này các đồng chí nghiên cứu thêm, dù có thông qua tại Kỳ họp thứ 4 hoặc kỳ họp thứ 5 nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024".

Các đại biểu tại Phiên họp.

Các đại biểu tại Phiên họp.

Cùng nêu ý kiến về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc ban hành sớm luật này có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc tạo khuôn khổ pháp lý trong công tác khám, chữa bệnh. Nên ông Bùi Văn Cường đề xuất: "Có thể xem xét ngày 1/7/2023 có hiệu lực thi hành được không".

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: "Đội ngũ cán bộ y tế, các bệnh viện, các cơ sở y tế rất kỳ vọng ở luật này, ban hành được sớm thì rất tốt nhưng cũng không nên vội vàng. Ban hành sớm nhưng khắc phục được một số hạn chế hiện nay, nhưng lại phát sinh những hạn chế mới thì có khi lại khó khăn hơn".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nêu quan điểm nếu kéo dài: "Việc gì cứ cho thời hạn kéo dài ra là chùng xuống ngay".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc khống chế thời hạn có hiệu lực của luật này là 1/1/2024. Tinh thần là phấn đấu, cố gắng từng ngày, từng giờ, huy động lực lượng làm ngày làm đêm, nếu thông qua được Luật ngay thì tốt. Nếu còn ý kiến khác nhau, có những vấn đề chưa giải quyết được thì gửi phiếu xin ý kiến Quốc hội thông qua 2 hay 3 kỳ họp.

Nêu ý kiến về việc thông qua Luật 2 kỳ hay 3 kỳ họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là cố gắng làm sao để làm ở mức tối đa với trách nhiệm cao nhất.

Quyền Bộ trường Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Quyền Bộ trường Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

"Nếu đáp ứng được yêu cầu và đủ điều kiện để thông qua vào 2 kỳ thì đó cũng là điều kiện rất tốt để có thời gian thể chế hóa các nội dung trong luật", Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu cho biết.

Về vấn đề thời điểm Luật có hiệu lực, Quyền Bộ trưởng cho rằng nên có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 bởi còn nhiều nội dung cần phải thể chế hóa bởi thông qua 2 hay 3 kỳ thì thời gian Luật có hiệu lực đều như nhau.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-gang-tung-ngay-tung-gio-lam-ngay-lam-dem-de-hoan-thanh-du-an-luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-169220921151334939.htm