Cô giáo của nông dân

Vượt qua con đường bê tông chỉ rộng tầm 1m, nhìn từ xa tựa như sợi chỉ ngoằn ngoèo dẫn qua núi, chị Nguyễn Thị Lan Anh dừng lại ở thôn Phìn Páo 1, xã Trung Lèng Hồ (Bát Xát). Đỗ xe máy bên bờ rào, cởi bộ quần áo chống nắng bám đầy bụi đường, chị vào nhà văn hóa thôn để giảng dạy cho 35 học viên lớp kỹ thuật trồng rau an toàn. Đây là lớp học do địa phương và Trường Cao đẳng Lào Cai phối hợp tổ chức, 100% học viên là người dân tộc thiểu số.

Chị Lan Anh hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân (Ảnh chụp trước ngày 28/4/2021).

Chị Lan Anh hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân (Ảnh chụp trước ngày 28/4/2021).

Đã quen với việc lên vùng cao và giảng dạy cho bà con nên chị Lan Anh rất dễ bắt nhịp, hỏi thăm và hướng dẫn học viên. Bằng giọng nói truyền cảm, luôn pha thêm sự hài hước, những tiết học trở nên hấp dẫn và mới mẻ. Sau hơn 2 tháng học tập, vườn rau sạch thực hiện theo mô hình của chương trình giảng dạy “Kỹ thuật trồng rau an toàn” đã được hình thành. Cuốc đất, trồng rau, công việc mà những nông dân làm mỗi ngày, tưởng rằng chẳng cần phải học, thế nhưng khi tham gia khóa học, các học viên mới biết cách trồng rau sạch, trồng rau cho năng suất cao và mang lại hiệu quả kinh tế. Ngày nhận chứng chỉ tốt nghiệp, cả cô và trò đều vui, hứa duy trì vườn rau này cho thôn và về áp dụng tại nhà.

Đây chỉ là một trong nhiều lớp học mà Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng Khoa Nông lâm - Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai trực tiếp giảng dạy. Là tiến sỹ ngành nông nghiệp say mê nghiên cứu, sáng tạo và mong được góp phần phát triển ngành nông nghiệp Lào Cai, chị hiểu, những năm gần đây, UBND tỉnh đã có những đầu tư lớn cho lĩnh vực này. Vì vậy, sau khi được lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ cho Khoa Nông lâm - Xây dựng phối hợp với các đơn vị trong trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, chị đã đi thực tế tìm hiểu nhu cầu của người dân, từ đó xác định đào tạo nghề gì cho phù hợp. 100% lớp dạy nghề được mở tại các thôn, xã vùng cao như Nậm Mòn (Bắc Hà), Nàn Sán (Si Ma Cai), Tả Thàng (Mường Khương)… với các ngành nghề: Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn theo hướng an toàn sinh học; kỹ thuật trồng quế hữu cơ…

Với đặc điểm 100% đối tượng học là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tổ chức lớp học gặp nhiều khó khăn. Lớp thường vắng học viên vào thời điểm vụ mùa, nhiều học viên chưa có nhận thức đúng về mục đích học… Thực hiện quan điểm học gắn với thực hành, học viên được trực tiếp làm, chị đã liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng thành công các kỹ thuật nông - lâm nghiệp, xây dựng được mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với nội dung học tập để học viên được trải nghiệm.

Năm 2009, Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được ban hành. Từ mục tiêu tổng quát của đề án, UBND tỉnh đã căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương để xây dựng chương trình đào tạo nghề cho người lao động của tỉnh.

Trong 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020), Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh cùng các giảng viên của Khoa Nông lâm - Xây dựng đã giảng dạy 40 lớp trong tổng số 56 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà nhà trường được giao tuyển sinh đào tạo, với tổng số 1.370 học viên/1.842 học viên. Con số này cho thấy kết quả từ sự nhiệt huyết của chị Lan Anh cùng đồng nghiệp trong việc giúp người dân vùng sâu, vùng cao thay đổi phương thức canh tác, sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Qua 5 năm thực hiện Đề án 1956, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Trong đó, Trường Cao đẳng Lào Cai đã góp phần vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp hàng nghìn người (đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo...) được chuyển giao khoa học, kỹ thuật, kỹ năng nghề. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Một số lao động sau khi học nghề có khả năng tự tìm việc làm hoặc tạo việc làm tại địa phương...

Ngoài ra, với những địa phương cần hỗ trợ sau đào tạo, chị Nguyễn Thị Lan Anh và các giảng viên của Khoa Nông lâm - Xây dựng vẫn quay lại giúp đỡ bà con phát triển các mô hình sản xuất, nổi bật là mô hình trồng nấm, trồng rau an toàn ở Bảo Thắng, trồng quế ở Bảo Yên… Điều đó mang lại thêm niềm vui cho những người dạy nghề như chị Nguyễn Thị Lan Anh, là động lực để họ cố gắng hơn nữa trong giảng dạy, nghiên cứu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/212997-co-giao-cua-nong-dan