Cô giáo lớp em

Sáng nào em đến lớp/Cũng thấy cô đến rồi/Đáp lời 'Chào cô ạ!'/Cô mỉm cười thật tươi...

Cô dạy em tập viết

Gió đưa thoảng hương nhài

Nắng ghé vào cửa lớp

Xem chúng em học bài

Những lời cô giáo giảng

Ấm trang vở thơm tho

Yêu thương em ngắm mãi

Những điểm mười cô cho

Năm 1948

NGUYỄN XUÂN SANH

Chạm vào vùng ký ức tuổi học trò

Tôi lại đọc bài thơ "Cô giáo lớp em" của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trong tâm trạng của một cậu bé ngày nào còn ngơ ngác trước cửa lớp học. Đã gần ba mươi năm rồi, với người khác, thế hệ khác có thể còn hơn nữa. Hình ảnh của ngày xưa chập chờn hiện về dưới mái trường nghèo khó, heo hút một vùng bán sơn địa. Thuở chúng ta còn bé, sân trường rộng lớn lắm, hàng cây cao và già nua, cổng trường cao và trang nghiêm, tiếng trống trường bao giờ cũng làm trái tim rộn lên những nhịp thúc giục. Và hẳn nhiên, ở trung tâm của quang cảnh cao rộng đó, hình dáng cô giáo vẫn là điều khiến chúng ta bồi hồi mỗi khi nhớ lại. Thuở chúng ta còn bé, thuở bước chân còn rụt rè bỡ ngỡ, thuở ấy đến giờ sao cứ thấy thật thiêng liêng.

Đọc lại bài thơ là chạm vào một vùng ký ức. Một vùng ký ức trong sáng, ấm áp như sữa non trong vỏ hạt, như chồi búp đang cựa mình sau kẽ lá, như những hồn nhiên mãi mãi neo lại bên trời thương nhớ: Sáng nào em đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi/ Đáp lời “Chào cô ạ!”/ Cô mỉm cười thật tươi. Bài thơ mở đầu mộc mạc mà trong sáng. Thời thơ trẻ chắc là chúng ta sẽ đọc bài thơ này với nhịp điệu khác, nhanh hơn, vội hơn, và có lẽ cũng ít cảm xúc hơn bây giờ. Nhưng, sự trong sáng, mộc mạc thì vẫn còn nguyên đó. Nhịp điệu bây giờ chậm hơn bởi độ lùi thời gian, tuổi tác, bước chuyển của những vùng ký ức qua nhiều hình ảnh khiến cho mọi thứ chậm rãi, chùng chình hơn. Dẫu vậy, cái cúi đầu “Chào cô ạ!” và nụ cười thật tươi của cô giáo vẫn mãi không hề thay đổi. Sáng nào, sáng nào, rồi chúng ta lớn lên. Năm nào, năm nào, và chúng ta ra đi. Thuở nào, thuở nào, sân trường xưa, lớp học cũ, hình dáng cô giáo với nụ cười thân thương mỗi sớm mai đến trường vẫn là điều làm chúng ta thấy ấm áp. Tôi tin rằng, nếu có phép màu để quay về, bên bậc thềm ngày bé dại, hẳn chúng ta vẫn không quên cúi đầu và nhận lại những yêu thương trìu mến từ nụ cười của cô giáo. Nụ cười ấy bắt đầu một ngày mới trong tâm hồn thơ trẻ. Nụ cười ấy dắt chúng ta vào một thế giới mới: Cô dạy em tập viết/ Gió đưa thoảng hương nhài/ Nắng ghé vào cửa lớp/ Xem chúng em học bài. Quang cảnh thật đơn sơ, dịu dàng. Một buổi học với sự ân cần của cô, sự chăm chú của trò, nắng và gió thơm hương như cũng vào lớp học. Sao thân thương, gần gũi đến thế! Sao nhớ nhung đến thế! Có lẽ, cảm xúc này là của ba mươi năm, bốn mươi năm, hoặc nhiều hơn. Lấp lánh, đôi mắt trẻ thơ tròn đen lay láy đang kéo suy tư, cảm xúc của chúng ta trở về quá khứ. Những nét chữ đầu đời, những nắn nót thơ dại có tình yêu thương của cô, có hương nhài thơm trong gió, có ánh nắng như hân hoan reo cười. Làm sao mà không nhớ cho được!

Thầy cô, mái trường, bạn bè và thuở học trò vẫn là ký ức lung linh, sinh động nhất của đời người. Sự hồn nhiên trong sáng của tuổi trẻ, sự bao dung của trường học, sự thương yêu dạy dỗ của thầy cô, tiếng cười trong trẻo của bạn bè, cứ nhắc đến là nôn nao hoài niệm. Chúng ta rồi sẽ lớn, sẽ rời xa những tháng năm thơ dại ấy. Cuộc đời buộc chúng ta phải nhớ nhiều thứ khác và cũng buộc chúng ta quên đi nhiều thứ. Nhưng, thật may mắn cho ai còn nhớ lời cô giảng: Những lời cô giáo giảng/ Ấm trang vở thơm tho/ Yêu thương em ngắm mãi/ Những điểm mười cô cho. Như vẫn còn đây, trang giấy trắng ngần với bao hy vọng. Như còn đây, lời cô trìu mến, tay cô ân cần; nụ cười, ánh mắt học trò đăm đắm hân hoan ngắm mãi điểm mười cô cho. Khổ thơ ấm áp làm bừng sáng cả không gian. Lời cô giáo giảng và điểm mười cô cho sẽ là điểm tựa, là nguồn động viên lớn lao mà người học trò nhỏ bé cảm nhận được. Từ đó, nơi lớp học đơn sơ ấy, những khát vọng đã bay lên.

Bài thơ "Cô giáo lớp em" của Nguyễn Xuân Sanh. Tại sao tôi lại phải nhắc lại lần nữa cái tên Nguyễn Xuân Sanh. Đó là thi sĩ viết những dòng thơ tượng trưng tráng lệ trước năm 1945. Thời đó có lẽ vẫn còn thổn thức trong trái tim Nguyễn Xuân Sanh. Thế nên, sau những bước chuyển mình, đi theo cách mạng, nhịp đập tượng trưng của Nguyễn Xuân Sanh vẫn thầm thì trong từng nét chữ, hình tượng: Những lời cô giáo giảng/ Ấm trang vở thơm tho. Đẹp, trong sáng, giàu ý vị tượng trưng và dĩ nhiên cũng đã được sưởi ấm rất nhiều bởi cảm hứng của thời đại mới, câu thơ làm hồi sinh nguồn tượng trưng có lẽ đã thiêm thiếp từ dạo Xuân Thu. Nhưng, thật kỳ diệu, phải nói rằng, chính dưỡng chất tượng trưng trong huyết mạch thi sĩ đã nuôi nấng ý tứ, sự trong sáng, ấm áp, trìu mến của bài thơ "Cô giáo lớp em".

Chúng ta đã đọc bài thơ bằng một tâm thế khác, một trải nghiệm khác. Ngày xưa chúng ta không đọc như bây giờ. Khoảng trời thơ ấu nếu còn lưu đọng hình bóng trường xưa lớp cũ, thầy cô và những trang giấy ấm, cũng đã được phủ lên bao hình sắc của thời gian. Thế nhưng, trước mọi sự đổi khác ấy, bài thơ vẫn giữ trong lòng chúng ta cảm xúc ấm áp, trìu mến và trong sáng. Có lẽ, đó mới chính là lý do để bài thơ in dấu trong tâm hồn biết bao thế hệ.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/co-giao-lop-em-644296