Cô giáo miền cao thương quý học trò, đồng nghiệp
Công tác ở một nơi sâu xa, cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh (trường THPT Hòa Bình, Chi Lăng, Lạng Sơn) không nghĩ nhiều đến khó khăn mà chỉ càng thấy mỗi ngày lại thêm thương quý học trò, đồng nghiệp.
Là người con dân tộc Nùng của vùng đất Chi Lăng, được về công tác tại trường THPT Hòa Bình từ năm 2009, cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh hạnh phúc khi được gắn bó với quê nhà. Mặc dù phải đi làm xa nhà với khoảng cách hơn 12km, nhưng với cô Hạnh thì điều đó cũng không phải vấn đề nếu so với niềm vui được dạy học, được đồng hành với các lứa đàn em.
Thực tế, trường THPT Hòa Bình là một trong những trường THPT đặt ở địa bàn khó khăn bậc nhất của tỉnh Lạng Sơn. Cách trung tâm thị trấn huyện Chi Lăng hơn 13km, giao thông chủ yếu là đường bê tông và đường đất, thầy và trò nhà trường có một sự cách biệt nhất định, thiếu nhiều tiện ích cần thiết để tiếp cận với điều kiện dạy học hiện đại.
Theo cô Hạnh cho biết, đến hơn 98% học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất là dân tộc Tày, Nùng. Do điều kiện cuộc sống còn nghèo khó, nhiều hộ gia đình chưa đủ sự quan tâm, hỗ trợ cho con em trong việc học hành. Rất nhiều em đi bộ mấy cây số đi học, về nhà là lại làm nương làm đồi hộ bố mẹ.
Như nhìn nhận của cô Hạnh, cũng vì môi trường và điều kiện miền núi, học sinh nhà trường khá yếu về hiểu biết xã hội, kĩ năng sống. Để khắc phục điều này, bản thân cô Hạnh thường phải lồng ghép các nội dung giáo dục kĩ năng vào các hoạt động như giờ sinh hoạt, giờ học môn Địa lý, các hoạt động tập thể của Chi Đoàn thanh niên, chuyên đề ngoại khóa…
Trăn trở về học trò của mình, cô Hạnh nhấn mạnh: "Điều mà bản thân tôi luôn mong muốn và quan tâm nhất là hs của chúng tôi sẽ trở thành những con người “giàu có” về ý chí và nghị lực, bởi vì khi chúng ta không chùn bước thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, tôi mong các em sẽ luôn thành công trong cuộc sống.
Nhiều lúc nhìn các em thương lắm, chúng tôi cứ phải bảo từng li từng tí. Từ việc đi đường thế nào cho an toàn, giao tiếp trò chuyện sao cho đúng cho hay…, các cô đều phải sát sao chỉ bảo. Lo nhất là làm sao để các em có những kĩ năng cần thiết để chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành. Các em rất tình cảm, nghe lời thầy cô, nên chúng tôi rất vui” - cô Hạnh bày tỏ.
Thương quý học trò bao nhiêu, cô Hạnh lại càng thấu hiểu và trân trọng sự nỗ lực của đồng nghiệp trong trường bấy nhiêu. Các thầy cô giáo ở đây cùng lúc gánh nhiều “vai”, không chỉ lo việc lên lớp giảng dạy, mà còn thường xuyên phải đến tận nhà để “kéo” các em quay trở lại trường học tập. Truyền đạt kiến thức để các em ở đây học tốt dần lên đã là một cái khó, thì việc trao đổi thuyết phục với gia đình để các em quay lại trường học còn khó hơn.
Bản thân là người dân tộc thiểu số, là người con bản địa, tự thấy mình có thể “quen” với những thiệt thòi vất vả nơi đây, cô Hạnh dành nhiều sự trân trọng, nể phục cho những đồng nghiệp của mình, nhất là những giáo viên trẻ, những giáo viên từ miền xuôi lên và gắn bó lâu dài. Chính vì vậy, những “tấm gương” trong tâm trí cô Hạnh không phải một nhà giáo ở đâu xa vời, mà chính là những đồng nghiệp cùng trường vẫn sống và làm việc ở ngay bên cạnh mình hằng ngày.
“Các đồng nghiệp của tôi cứ lặng lẽ, miệt mài, gắn bó, hỗ trợ nhau. Trân trọng lắm. Khi chia sẻ với học sinh, bao giờ tôi cùng nói về những câu chuyện của chính các thầy cô giáo hằng ngày đang dạy dỗ các em, lấy đó làm tấm gương để lan tỏa một cách vừa tự nhiên, vừa thuyết phục trong suy nghĩ của học trò. Chẳng có gì ý nghĩa bằng những việc làm, những con người tốt đẹp ngay bên cạnh mình” - cô Hạnh bày tỏ.
Cũng từ tình cảm sâu sắc ấy, trong cuộc thi viết về những tấm gương nhà giáo tâm huyết sáng tạo, cô Hạnh đã chọn nhân vật cho bài viết của mình là đồng nghiệp cùng trường - cô giáo Nguyễn Thị Lệ, một giáo viên từ miền xuôi lên và gắn bó luôn với mảnh đất miền cao này.
“Ấn tượng lớn nhất của tôi về cô Lệ - đó là một cô gái nhỏ nhắn nhưng rất mạnh mẽ và nghị lực. Cô ở miền xuôi nhưng đã nguyện cống hiến tuổi trẻ của mình cho ngành giáo dục miền núi, đặc biệt là ngôi trường còn nhiều khó khăn như trường THPT Hòa Bình mà chúng tôi đang công tác” - cô Hạnh chia sẻ về nhân vật mà mình yêu quý, ngưỡng mộ.
Dành tất cả sự trân trọng, thương quý cho đồng nghiệp, cô Hạnh luôn lấy họ làm tấm gương để bản thân tiếp tục tự trau dồi, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ vừa “dạy chữ” vừa “dạy người” của mình.
“Cô Hạnh là một giáo viên lúc nào cũng say sưa tìm tòi trong chuyên môn, lo lắng và trách nhiệm với các học trò, gắn bó và tận tình với đồng nghiệp. Việc cô Hạnh viết về tấm gương giáo viên trong chính ngôi trường mình đang công tác càng lan tỏa một cách thiết thực những câu chuyện ý nghĩa cho học trò”