Cô giáo tiểu học gợi ý mẹo 'hóa giải' các dạng đề tiếng Việt cuối kỳ lớp 1, bố mẹ có thể tự dạy ở nhà để con thi đạt điểm cao
Video hướng dẫn cực kì chi tiết về kĩ năng cần đạt và các dạng bài tiếng Việt cơ bản để bố mẹ tự ôn tập cùng con ở nhà trong kì thi này.
Kỳ thi cuối kỳ 1 đang sắp cận kề. Với những đứa trẻ lớp 1, việc kèm con học chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Có thể do khả năng tiếp nhận của mỗi bé khác nhau, cũng có thể do bố mẹ chưa biết cách giúp con tiếp cận bài học hiệu quả.
Với video hướng dẫn cực kì chi tiết về kĩ năng cần đạt và các dạng bài tiếng Việt cơ bản từ cô giáo Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội sau đây, bố mẹ nào cũng có thể kèm con ôn thi một cách dễ dàng.
Lưu ý hai kỹ năng quan trọng: Đọc và Viết+
Theo cô Ngọc Anh, trong môn tiếng Việt lớp 1 có hai kỹ năng quan trọng mà các con cần lưu ý: Đọc và Viết.
Ở kỹ năng viết sẽ thể hiện thông qua các bài viết chính tả, tập chép, hoặc nghe viết. Thông thường, cuối học kỳ 1 lớp 1 các con sẽ dừng lại ở kỹ năng Tập chép, tức là nhìn lên bảng và chép theo. Ở một số trường hoặc ở một số chương trình nâng cao hơn thì các giáo viên có thể đưa vào kỹ năng nghe viết nhưng khá ít.
Một bài chính tả, tập chép đạt yêu cầu trong bài thi phải viết đúng độ rộng và độ cao của các con chữ, viết đúng khoảng cách giữa các chữ cái với nhau, và viết đúng khoảng cách giữa các từ, các tiếng với nhau.
Một số lỗi nhỏ các con hay mắc phải và bị trừ điểm như độ rộng của nét móc ngược, nét khuyết trên khuyết dưới chưa được thẳng. "Mình vẫn thường lưu ý với học sinh những điều rất cơ bản. Đó là khi viết chữ các con hãy nhớ, độ rộng của nét cong kín, nét móc ngược hay những nét khuyết trên và nét khuyết dưới bao giờ cũng cố gắng đưa về đường kẻ dọc, và chỉ cần tô lại đường kẻ dọc đó là các nét khuyết của con đã rất thẳng và đẹp rồi".
Ở kỹ năng đọc được chia thành: Kỹ năng đọc thành tiếng và kỹ năng đọc hiểu. Với kỹ năng đọc thành tiếng các con sẽ phải đọc trơn được tất cả các tiếng, từ có âm có vần đã học. Bố mẹ hãy hướng dẫn cho các con đọc thật to và rõ ràng, đồng thời lưu ý ngắt ở những chỗ có dấu chấm hoặc dấu phẩy vì các con rất hay quên.
Ở phần đọc hiểu cuối học kỳ 1, các con phải trả lời được những câu hỏi đơn giản liên quan đến bài đọc.
Một số dạng bài tập tiếng Việt và cách hướng dẫn con dễ hiểu
Cô Ngọc Anh cho rằng, có 1 phần vô cùng quan trọng cần lưu ý là kỹ năng làm bài tập tiếng Việt. Trong một bài kiểm tra tiếng Việt cuối học kỳ 1 sẽ gồm các dạng đề sau:
Nối các từ để tạo thành câu
Điền âm hoặc điền vần: Điền âm (điền âm đầu: s hay x; ch hay tr...), Điền vần (điền những vần đã học và những từ ngữ để tạo thành tiếng, từ thích hợp)
Đây là hai dạng bài cơ bản nhưng các bạn nhỏ rất hay sai. Cô Ngọc Anh chia sẻ mẹo để các con dễ dàng "chinh phục" dạng đề này: "Đối với các bài nối để tạo thành từ hoặc câu có nghĩa, mình sẽ yêu cầu các con ghi số thứ tự vào cột bên tay trái, từng câu một. Các con ghi xong số câu 1, nối xong với cột bên tay phải rồi thì lúc đó mới được đánh số câu thứ hai. Cứ lần lượt như vậy đến khi các con nối xong hết. Không được đánh số cùng lúc cả 4 câu, để các con biết là mình đang nối ở đâu".
Đối với các bài nối từ, các con ghi số thứ tự vào cột bên tay trái, từng câu một.
Ở phần điền âm đầu liên quan đến quy tắc chính tả, cô giáo lưu ý các bố mẹ sẽ hướng dẫn cho con chỉ có chữ k, chữ ngh và gh... sẽ đi với i, e và ê. Còn đối với dạng bài điền vần để tạo thành tiếng đúng, với những bạn nào đọc chưa tốt, chưa đoán được từ đó là gì, các con sẽ ướm thử cả hai vần đó vào dấu ba chấm, đọc thử lên từ nào có nghĩa hơn thì các con sẽ điền vần đó.
Ngoài ra còn có các dạng bài:
Dạng bài nhìn hình để viết từ thích hợp, tức là đề bài sẽ cho một hình ảnh cụ thể và con phải nhìn vào hình để viết ra nội dung hình đó. Ví dụ con cá, con gà... Bố mẹ hãy nhắc các con trước khi viết hãy trả lời xem đó là cái đồ vật hay con vật gì. Điều thứ hai là con hãy đánh vần thầm trong đầu trước khi viết ra.
Ví dụ hình ảnh cái chén. Con sẽ đánh vần thầm là ch-en-chen-sắc-chén. Và đánh vần chữ gì trước thì con sẽ viết chữ đó trước. Con đánh vần chữ ch trước thì viết chữ ch trước, đánh vần vần en sau thì viết vần en sau.
Tuy nhiên có những bạn không biết viết chữ en đó viết như thế nào. Bố mẹ phải dặn con là đánh vần chữ en đó ra: e-nờ-en. Con vừa đánh vần âm e trước thì viết chữ e trước, đánh vần âm n sau thì viết âm n sau.
Dạng bài Tìm tiếng chứa vần và đặt câu với tiếng đó. Có rất nhiều bạn lúng túng với dạng bài tập này, có thể do vốn từ của các con chưa nhiều. Cô Ngọc Anh gợi ý: "Ví dụ đề bài yêu cầu con tìm một tiếng gì đó chứa vần am thì con sẽ giữ nguyên vần đó, chỉ cần thay âm đầu đi. Chẳng hạn giữ nguyên vần am, thêm âm t đằng trước thì con được tiếng Tam, tiếng Tám. Và con sẽ ghép thêm tiếng vào, như tiếng "số" thì con sẽ được "số Tám".
Hoặc con vẫn giữ nguyên vần am nhưng con thay âm t bằng âm l thì con có tiếng Lam hoặc Làm. Và con sẽ tìm thêm 1 tiếng nữa, ví dụ Việc làm để tạo thành từ có hai tiếng. Bố mẹ cần nhắc con nếu đề bài yêu cầu tìm từ thì con phải nhớ là từ đó phải gồm hai tiếng trở lên ghép lại với nhau".
"Mình vẫn hay hướng dẫn các con là ở bên trên các con đã tìm được những từ nào rồi thì bên dưới các con cố gắng nghĩ thêm về màu sắc, hình dáng hay đặc điểm của cái đồ vật, con vật vừa tìm được thì chắc chắn con sẽ tạo nên một câu có nghĩa. Một câu thông thường sẽ có hai phần. Một phần nói về đồ vật nào, cây cối... còn phần thứ hai mới nói về hoạt động, tính cách hay màu sắc của nó. Con phải có đủ hai phần đó mới tạo đủ một câu".
Dạng sắp xếp các từ ngữ để tạo thành câu. Dạng này nếu như đề bài dễ sẽ có gợi ý đi kèm. Ví dụ: Từ nào có dấu chấm thì sẽ đứng ở cuối câu và viết hoa sẽ đứng ở đầu câu. Sau đó những từ còn lại thì các con sẽ lựa và sắp xếp ở giữa. Tuy nhiên, có đề bài không cho sẵn những dấu chấm hay chữ viết hoa, các con sẽ phải làm như thế nào?
"Việc đầu tiên, các con sẽ phải đọc thật kỹ, hai ba lần những từ mà đề bài đã cho. Sau đó bố mẹ gợi ý cho con là một câu bao giờ cũng nói về các đồ vật, con vật, cây cối hay con người nào đó. Vì vậy những từ ngữ nào để chỉ đồ vật, con vật... thì sẽ đặt lên đầu câu. Những từ chỉ màu sắc, tính cách sẽ ở giữa câu, phần tiếp theo", cô Ngọc Anh nói.