Cô giáo truyền lửa hát Then

Nhận thấy việc hát Then ngày càng mai một, cô giáo Bùi Thị Thu Hồng đã nỗ lực khôi phục và truyền dạy các em học sinh thông qua câu lạc bộ do mình thành lập

Về thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi rất bất ngờ trước những nhạc cụ truyền thống được giảng dạy trong nhà trường. Đó là các bộ đàn Tính, bên cạnh những bộ trang phục truyền thống của người dân tộc thiểu số. Đây là tâm huyết của cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, giáo viên âm nhạc của nhà trường.

Mạnh dạn đề xuất

Sinh năm 1974, sau khi học xong ngành âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương năm 1996, cô Hồng về Trường Phổ thông DTNT Tuyên Quang công tác. Trong một lần tham gia văn nghệ khối các trường nội trú, cô nhận thấy nhiều nơi gìn giữ âm nhạc truyền thống rất tốt, được lớp trẻ yêu thích.

Là một người con Tuyên Quang, từ nhỏ cô Hồng ít nhiều đã được nghe điệu hát Then truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Cô đã mạnh dạn đề xuất với ban giám hiệu nhà trường thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Then - đàn Tính; đưa hát Then vào giảng dạy trong môn âm nhạc của nhà trường và đã được đồng ý.

Cô Hồng đã tìm đến vài nghệ nhân hát Then gạo cội - như nghệ nhân Thàm Văn Kiến, nghệ nhân Hà Thuấn (Tuyên Quang) - để học hỏi. Từ 10 cây đàn Tính đầu tiên được đầu tư, cô tìm kiếm những học sinh yêu thích và có năng khiếu để truyền dạy, lan tỏa đam mê với làn điệu hát Then độc đáo. Cô Hồng cũng đã nhiều lần mời các nghệ nhân về trường giảng dạy trực tiếp và giao lưu với các em học sinh.

Cô Hồng cho biết hát Then là loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc. Tuyên Quang cũng là một trung tâm hát Then lớn. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nên hát Then dần có dấu hiệu bị mai một. Một số loại hình âm nhạc nước ngoài du nhập khiến giới trẻ ít quan tâm hơn đến văn nghệ dân gian. Vì vậy, CLB tích cực truyền lửa đam mê cho các em học sinh, với mong muốn gìn giữ và phát huy làn điệu hát Then.

Ngoài ra, với đặc thù học sinh của trường đi học xa nhà, ở nội trú lâu lâu mới về thăm gia đình nên hát Then còn giúp các em thêm phong phú đời sống tinh thần, tăng cường khả năng giao lưu với bạn bè và tự hào về nguồn gốc dân tộc mình.

Cô Hồng (bìa trái) cùng đồng nghiệp trong trang phục hát Then truyền thống

Cô Hồng (bìa trái) cùng đồng nghiệp trong trang phục hát Then truyền thống

Trái ngọt cho cô và trò

Ẩn sau nụ cười hiền hậu, cử chỉ ân cần của cô giáo Bùi Thị Thu Hồng là một nghị lực vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống. Năm 2014, người chồng đầu ấp tay kề của cô lâm bệnh nặng và đã rời xa mẹ con cô. Cô Hồng một tay nuôi con gái bé bỏng với điều kiện kinh tế eo hẹp.

Nếu như thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, đồng nghiệp của cô Hồng có thời gian quây quần bên gia đình hoặc đi làm thêm để cải thiện kinh tế thì cô dành trọn thời gian và tâm huyết với CLB hát Then. Cô đã dày công biên soạn và đưa vào giảng dạy các bài hát Then như: "Mùa xuân ơn Đảng", "Trong xanh Khuôn Pén", "Đường về bản", "Tuyên Quang quê em".

Cô Hồng đã tích cực kết nối và chuẩn bị để các em đi thi tại các liên hoan văn nghệ dân gian toàn quốc. "Học sinh dân tộc thiểu số thường rụt rè hơn các bạn nên cần động viên, gần gũi và khích lệ các em thể hiện bản thân, đặc biệt là tại các hội thi. Đó có thể là bước đệm cho sự nghiệp của các em sau này" - cô Hồng tâm sự.

Với vai trò huấn luyện chuyên môn, cô Hồng đã cùng học trò giành nhiều giải cao tại các hội thi, như huy chương bạc "Giai điệu tuổi hồng" toàn quốc năm 2013; 6 huy chương vàng, 12 huy chương bạc tại Festival các trường dân tộc nội trú toàn quốc. Liên hoan văn nghệ dân gian của tỉnh Tuyên Quang tổ chức qua các năm, CLB đều đoạt giải cao. Hiện nay, nhiều học trò của cô Hồng đi theo con đường nghề thuật chuyên nghiệp. Trong đó, điển hình là em Ngọc Văn Hưng, đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Cô Hồng cũng từng đoạt giải vàng cá nhân trong cuộc thi trình diễn thơ toàn quốc năm 2018, với tiết mục "Về Tuyên Quang" do tác giả Hà Minh Thứ sáng tác, cùng rất nhiều giải thưởng khác trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian.

Em Ma Đình Anh Tuấn, học sinh lớp 12C Trường Phổ thông DTNT tỉnh Tuyên Quang, bày tỏ: "Em rất thích học hát Then, đánh đàn Tính do cô Hồng dạy. Tuy chủ yếu học cuối tuần nhưng chúng em không bỏ buổi học nào. Biết hát Then, chúng em càng thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng như nỗ lực bảo tồn, lan tỏa trong cộng đồng".

Nhiều năm sống trong căn nhà cũ, gần đây, mẹ con cô Hồng nhờ sự hỗ trợ của Công đoàn nhà trường đã xây được ngôi nhà mới khang trang, ổn định cuộc sống. Con gái cô đang học năm cuối đại học và chuẩn bị viết tiếp ước mơ của mình. Còn cô Hồng thì khẳng định vẫn sẽ tiếp tục hết lòng với CLB hát Then, truyền dạy cho các em học sinh ngay kể cả khi sau này nghỉ hưu.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh Tuyên Quang - bà Hà Thị Hải Yến - nhận xét: Dẫu hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cô Hồng luôn nỗ lực trong công việc. Từ việc đề xuất thành lập CLB hát Then - đàn Tính 12 năm trước và duy trì đến nay, cô đã truyền dạy cho hàng trăm học trò biết hát, biết đàn làn điệu truyền thống của dân tộc mình, góp phần gìn giữ vốn văn hóa dân gian quý giá.

Xuất sắc, tận tâm

Với học trò, cô Hồng luôn coi như con em của mình, gần gũi, sẻ chia, động viên các em vươn lên trong học tập và cuộc sống. Thầy cô trong trường rất mừng vì có một đồng nghiệp xuất sắc và tận tâm như cô Hồng.

Những nỗ lực của cô Hồng đã được các cấp ghi nhận, tôn vinh kịp thời. Cô đã được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2011; bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2015; bằng khen của UBND tỉnh Tuyên Quang năm 2016...

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Vũ Thị Phương Anh (Hà Nội)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-giao-truyen-lua-hat-then-196240919215011362.htm