'Cơ hội cuối cùng' của Nhật Bản trong bài toán nhân khẩu học

Nhật Bản đang tận dụng mọi thời gian để đưa ra các biện pháp thúc đẩy tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Chuyên gia nói 10 năm tới là cơ hội cuối để chính phủ đảo ngược xu hướng này.

Sau 7 thập niên hoạt động, công ty cung cấp dụng cụ mỹ thuật Osaka Tsuboyone sẽ đóng cửa. Số lượng sinh viên ngày càng giảm tại Nhật Bản khiến doanh thu bảng màu, gọt bút chì, xô đựng cọ và các sản phẩm khác mà công ty này bán cho các trường học và cao đẳng nghệ thuật cũng thu hẹp.

Công ty này thành lập vào năm 1949 - cùng năm Nhật Bản ghi nhận kỷ lục 2,69 triệu ca sinh. Dẫu vậy, năm 2022, con số này chỉ còn 800.000, chưa bằng 1/3 so với mức cao nhất. Đối mặt với tình cảnh này, cộng với chi phí vật liệu tăng cao cùng hệ quả từ đại dịch Covid-19, công ty 12 người sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 3.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hy vọng sẽ thay đổi xu hướng nhân khẩu học, với cam kết đưa ra loạt biện pháp “chưa từng có”. Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản ngày 23/1, ông cảnh báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ở bờ vực “không thể duy trì các chức năng xã hội”, Reuters đưa tin.

Tuy vậy, với dân số trong độ tuổi sinh đẻ cũng đang giảm dần, Nhật Bản phải đối mặt với câu hỏi cơ bản: Liệu họ có thể đảo ngược điều này hay không? Theo Nikkei Asia, đáp án sẽ giúp ích cho loạt quốc gia Đông Á đang đối mặt với xu hướng tương tự.

“Hãy thay đổi suy nghĩ của tất cả đàn ông”

Nhật Bản đối mặt với vấn đề này trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm số ca sinh đang tăng tốc. Lần đầu tiên số ca sinh của nước này giảm xuống một triệu là vào năm 2016. 6 năm sau, con số này là 800.000 - nhanh hơn 8 năm so với dự kiến.

Doanh số bán hàng và triển vọng tuyển dụng của các doanh nghiệp như Osaka Tsuboyone giảm sút, do trung bình có 430 trường công đóng cửa vĩnh viễn mỗi năm trong suốt thập niên cho đến năm 2020.

Trong một xu hướng đáng lo ngại khác - và là dấu hiệu “không thể duy trì chức năng xã hội” - một số thị trấn nông thôn gặp khó trong việc tìm đủ ứng viên cho các cuộc bầu cử địa phương. Với 29% dân số từ 65 tuổi trở lên, gánh nặng tài chính công ngày càng tăng, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra mọi người đang lo ngại vấn đề tài chính. Trong khảo sát năm 2021, 53% người được hỏi cho rằng chi phí nuôi con cao, bao gồm cả giáo dục, là lý do không có hoặc có ít con hơn, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật Bản. 40% nói họ quá già để có thêm con.

Thủ tướng Kishida nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề. “Nhu cầu giải quyết vấn đề trẻ em và chính sách nuôi dạy trẻ là thách thức không thể trì hoãn”, ông nói.

Thủ tướng cho biết có kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách cho chính sách nuôi dạy trẻ em, tập trung vào 3 trụ cột: Hỗ trợ kinh tế, dịch vụ chăm sóc trẻ em và cải cách văn hóa làm việc.

Chi tiết kế hoạch vẫn chưa được tiết lộ. Thủ tướng cho biết sẽ trình bày các biện pháp cụ thể vào tháng 6.

 Lần đầu tiên số ca sinh ở Nhật Bản giảm xuống dưới một triệu là vào năm 2016. Ảnh: Reuters.

Lần đầu tiên số ca sinh ở Nhật Bản giảm xuống dưới một triệu là vào năm 2016. Ảnh: Reuters.

Khả năng trụ cột đầu tiên sẽ bao gồm mở rộng hỗ trợ tài chính, như tăng hoặc mở rộng trợ cấp cho gia đình có trẻ em. Hiện chính phủ cung cấp 75-111 USD/tháng/trẻ cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở (15 tuổi), với một số hạn chế với gia đình có thu nhập cao.

Trụ cột thứ 2 có thể là tăng số lượng và chất lượng chăm sóc trẻ em, gồm dịch vụ chăm sóc sau giờ học và dịch vụ cho trẻ em bị ốm, cũng như mở rộng dịch vụ sau sinh. Trụ cột thứ ba liên quan đến cải thiện hệ thống nghỉ phép của cha mẹ và các bước khác nhằm tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho việc có con.

Những cam kết của ông Kishida đang tạo ra một cuộc tranh luận. Một số người cho rằng động thái của đảng Dân chủ Tự do là quá ít, quá muộn. Những ý kiến khác nói chính phủ định tài trợ cho các chương trình mới ra sao, khi họ cũng có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng.

Kenta Izumi - lãnh đạo đảng Dân chủ Lập hiến đối lập - lập luận Nhật Bản đang có nhiều ưu tiên khác, khi ông kêu gọi cải cách hệ thống giáo dục đại học.

Ông Izumi cũng nói một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ sinh thấp tại Nhật Bản là vì gánh nặng việc nhà và chăm sóc con cái đặt lên vai phụ nữ. “Hãy thay đổi suy nghĩ của tất cả đàn ông”, ông nói.

Hy vọng “lội ngược dòng”

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng việc nuôi dạy trẻ em và các chính sách kinh tế nên được liên kết chặt chẽ với nhau.

Suốt 30 năm qua, “mỗi khi nền kinh tế tồi tệ đi, điều này lại gây ảnh hưởng tới thế hệ trẻ”, Takumi Fujinami - nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản - cho biết.

“Hậu quả của vấn đề này là tỷ lệ sinh giảm. Do đó, ngay cả khi chính phủ cung cấp một số lợi ích nhỏ, nhưng không giải quyết vấn đề, thì người dân cho rằng họ không thể làm gì chỉ với khoản tiền này”, ông giải thích thêm. “Tôi cho rằng tỷ lệ sinh sẽ không cải thiện trừ khi môi trường kinh tế được cải thiện”.

Tương tự, một số chuyên gia cho rằng tình hình khó có thể cải thiện nếu không có những thay đổi cơ bản với lao động nữ.

“Bình đẳng giới rất quan trọng giúp phụ nữ cảm thấy an toàn hơn trong công việc”, Thang Leng Leng - phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, người nghiên cứu xã hội Nhật Bản - cho biết.

 Khảo sát năm 2021 cho thấy 53% người Nhật Bản được hỏi nói chi phí nuôi con cao, bao gồm cả giáo dục, là lý do không có hoặc có ít con. Ảnh: CNN.

Khảo sát năm 2021 cho thấy 53% người Nhật Bản được hỏi nói chi phí nuôi con cao, bao gồm cả giáo dục, là lý do không có hoặc có ít con. Ảnh: CNN.

Ông Thang cho rằng cởi mở hơn với người nhập cư cũng có thể là giải pháp: “Mối lo chính của nền kinh tế là không có đủ nhân lực. Dù có thể áp dụng công nghệ, chúng ta vẫn cần con người. Nếu có chính sách di cư cởi mở, người lao động có thể đến và ổn định cuộc sống”.

Các chính phủ khắp thế giới đã giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm bằng nhiều biện pháp và đạt được mức độ thành công nhất định. Mức tiêu chuẩn để duy trì dân số ổn định là 2,1.

Một số nhà lập pháp Nhật Bản đề nghị học hỏi Pháp - nơi thuế thu nhập của các gia đình được giảm cho mọi trẻ em và người phụ thuộc. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ sinh của Pháp giảm xuống khoảng 1,7 vào những năm 1990, nhưng phục hồi lên 2 vào những năm 2000. Con số này lại trượt dốc trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 1,3 của Nhật Bản vào năm 2022.

Tại châu Á, nhiều nền kinh tế đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp giống Nhật Bản. Theo ông Fujinami, Nhật Bản ít nhất có thể hy vọng “lội ngược dòng”. Dù khó đạt tăng theo hình chữ V, kịch bản lạc quan nhất là có thể duy trì mức năm 2022 hoặc cao hơn một chút trong một số năm.

Ông nhận định nhờ mức sinh 1,2 triệu ca/năm tương đối ổn định vào những năm 1990, xu hướng giảm sâu đã có thể tạm thời ngăn chặn. Thế hệ này hiện ở độ tuổi 20 và 30, do đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang trẻ hơn.

“Tình hình này dự kiến tiếp tục cho đến khoảng năm 2030. Do đó, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho người trẻ tuổi, từ đó giảm khả năng tỷ lệ sinh xuống hơn nữa”, ông nói.

Sau một thập niên, số người trong độ tuổi sinh đẻ dự kiến giảm nhanh. “Một số người có thể nói đã quá muộn, nhưng tôi nghĩ thập kỷ tới là hy vọng cuối cùng của chúng ta”, nhà kinh tế học kết luận.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-hoi-cuoi-cung-cua-nhat-ban-trong-bai-toan-nhan-khau-hoc-post1406067.html