Cơ hội đầy nghịch lý của ông Biden
Tổng thống Mỹ muốn dùng bài phát biểu Thông điệp Liên bang lần đầu kể từ khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện, để kêu gọi sự hợp tác của lưỡng đảng.
Dù nước Mỹ đang thiếu gắn kết, Tổng thống Biden hẳn sẽ tránh nói về vấn đề này khi ông phát biểu Thông điệp Liên bang trước Quốc hội vào giờ vàng lúc 21h tối 7/2 theo giờ địa phương (tức 9h sáng 8/2, theo giờ Việt Nam).
Nếu muốn thấy sự thiếu đoàn kết đó, ông sẽ chỉ cần xoay người tìm chủ tịch Hạ viện ngồi ngay phía sau, người ôm quyết tâm chặn đứng mọi bước đi của vị tổng thống Mỹ thứ 46, theo New York Times.
Vì vậy, thông điệp về sự đoàn kết của ông Biden, vốn đã được nhà lãnh đạo thúc đẩy xuyên suốt hai năm đầu tiên tại vị, có thể không còn mặn mà khi ông đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên về kỷ nguyên mới của chính phủ bị chia rẽ này.
Tuy nhiên, đối với một tổng thống vốn tự hào về bản thân trong việc hợp tác với đảng đối thủ để đạt kết quả cuối cùng, điều nghịch lý là sự khởi xướng đoàn kết có thể là mũi nhọn hữu ích để đối phó với những đối thủ mới có thêm quyền lực.
Các cố vấn yêu cầu được giấu tên để nói về bài phát biểu của ông Biden tiết lộ rằng tổng thống muốn nêu bật bản thân như một người hiểu chuyện đến lượng khán giả truyền hình lớn nhất năm, với mục đích tiếp cận lưỡng đảng.
Cụ thể, tổng thống Mỹ sẽ đem điều luật đã ký với sự ủng hộ của đảng Cộng hòa khi ông nhậm chức làm mũi nhọn. Đồng thời, ông Biden kêu gọi Chủ tịch Kevin McCarthy và phe đa số của đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022 triển khai điều luật này.
Vai trò của sự chia rẽ
Tuy nhiên, sự hợp tác khó có thể diễn ra bởi sự phản đối tổng thống luôn tồn tại trong các phe chính trị.
Vì vậy, các cố vấn của Tổng thống Biden mong đợi ông có thể tạo ra sự tương phản đủ lớn với phe Cộng hòa đang giận dữ với việc ông McCarthy được bầu làm chủ tịch Hạ viện và tìm cách thúc đẩy điều tra cậu con trai Hunter Biden, hơn là tập trung vào công việc quốc gia.
"Đôi khi, một chính phủ chia rẽ có thể sẽ giúp ích cho tổng thống về mặt chính trị, vì nó cho phép vị tổng thống trình bày chương trình nghị sự một cách hợp lý, và những người phản đối sẽ bị coi là vô lý", nguyên Giám đốc chiến lược cho Tổng thống George W. Bush giữa nhiệm kỳ năm 2006, ông Peter Wehner, nhận định.
"Ông Biden đã làm khá tốt trong việc khắc họa đảng đối lập là cực đoan và quá khích (bởi họ thực sự như vậy)", ông Wehner nói thêm. "Hãy gọi đó là một môi trường giàu mục tiêu".
Tuy nhiên, các cố vấn của Nhà Trắng đang tranh luận về mức độ khó khăn của việc đối mặt với các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện sau cuộc gặp tích cực gần đây giữa ông Biden và ông McCarthy, thảo luận về giới hạn nợ và hạn chế chi tiêu.
Mặc dù sự bất đồng vẫn còn tồn tại, hai nhà lãnh đạo đều coi cuộc họp là bước tiến quan trọng. Vì vậy, các cố vấn khuyên tổng thống tiếp tục giữ ý tưởng thực hiện các thỏa thuận, bất kể tính khả thi ở mức nào.
Sự đoàn kết bị lung lay
Tổng thống Biden đã tề tựu về Trại David vào cuối tuần qua để xem xét bản thảo cuối cùng của bài phát biểu với các cố vấn cấp cao, bao gồm Mike Donilon, Bruce Reed, Anita Dunn và Steven J. Ricchetti, cũng như Vinay Reddy - người viết diễn văn chính của Nhà Trắng, và sử gia Jon Meacham, người thường giúp biên soạn một số bài phát biểu quan trọng nhất của nhà lãnh đạo Mỹ.
Lúc này, các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa không còn nhiều động lực để tìm điểm chung với Tổng thống Biden, khi phe bảo thủ phản đối việc chính quyền đã đưa đất nước hướng về cánh tả quá nhiều trong các chương trình chi tiêu dẫn đến lạm phát.
Được đảng Cộng hòa chọn là người phản hồi với bài diễn văn của ông Biden, bà Sarah Sanders, cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng ở thời Tổng thống Donald Trump, dự định nhấn mạnh "những thất bại của Tổng thống Biden" trong bài tuyên bố sắp tới.
"Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu một chương mới cho câu chuyện nước Mỹ, được viết bởi một thế hệ lãnh đạo mới sẵn sàng bảo vệ sự tự do, chống lại phe cực tả, và mở rộng giáo dục chất lượng, việc làm, tạo cơ hội cho mọi người", bà Sanders nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu ngày 7/2, Tổng thống Biden sẽ chứng minh rằng chính phủ vẫn đang tích cực trong việc xây dựng đường sá và cầu cống, mở rộng băng thông quốc gia, và tăng phúc lợi sức khỏe cho cựu chiến binh, tất cả đều được thông qua phiếu bầu từ lưỡng đảng.
Ngoài ra, tổng thống Mỹ dự định thảo luận về việc bảo vệ nền dân chủ trong và ngoài nước, phản hồi lời ông Trump kêu gọi về việc "đình chỉ" một phần Hiến pháp nhằm khôi phục quyền lực trong tình thế căng thẳng giữa Nga và châu Âu.
Theo New York Times, ông Biden có kế hoạch công bố chiến dịch tái tranh cử được diễn ra vào tháng 3.
Các cố vấn cho rằng ông cần tỏ ra dồi dào sức lực ở tuổi 80 để thể hiện khả năng gánh vác những trọng trách của vai trò tổng thống, kể cả ở tuổi 86 - tuổi của ông khi hết 8 năm tại Phòng Bầu dục.
Ông Biden không phải là người đầu tiên đối đầu với thách thức từ phe đối lập trong quốc hội sau thất bại giữa nhiệm kỳ. Tất cả bốn tổng thống gần đây đều mất ít nhất một viện Quốc hội trong nhiệm kỳ khiến họ phải điều chỉnh lại cách vận hành sao cho phù hợp.
Bài học từ người tiền nhiệm
Đương đầu với cuộc càn quét của đảng Cộng hòa vào năm 1994, Tổng thống Mỹ lúc đó Bill Clinton đã phải xoay trục về hướng trung dung nhằm đạt được thỏa hiệp cải thiện hệ thống phúc lợi và cân bằng ngân sách.
Hoặc ông Barack Obama từng bỏ tham vọng lập pháp của mình sau khi Hạ viện về tay đảng Cộng hòa năm 2010, thay vào đó ông đã chuyển sang hoạt động điều hành nhằm theo đuổi các mục tiêu khác.
Hay gần nhất là ông Donald Trump, chọn cách gây chiến với đảng Dân chủ của bà Nancy Pelosi sau khi đảng này chiếm đa số tại Hạ viện vào năm 2018. Dù đã đồng ý với các gói cứu trợ từ lưỡng đảng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Trump không hề chuyển sang đường lối ôn hòa mà vẫn đối đầu với đảng Dân chủ. Nhà lãnh đạo này hai lần bị Hạ viện luận tội dù chưa bao giờ bị Thượng viện kết tội.
Mặc dù đảng Dân chủ đã để mất Hạ viện vào tháng 11/2022, trường hợp ông Biden khác với những người tiền nhiệm. Phía đảng Cộng hòa dù đã chiếm đa số nhưng thế đa số ấy lại rất sít sao và không tạo ra "làn sóng đỏ" như nhiều người dự đoán.
Ông Don Baer, người viết diễn văn chính cho cựu Tổng thống Clinton, nói rằng "vấn đề chính là tìm ra hướng xây dựng phù hợp để làm việc cùng nhau". Trong khi trường hợp của ông Biden được cho là "không tồn tại bất kỳ thiện chí nào để làm việc cùng nhau", theo lời ông Baer.
Dù đã gặt hái được những thành công nhất định sau hai năm nhiệm kỳ, ông Biden vẫn nhận sự chỉ trích từ nhiều cử tri đảng Cộng hòa, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng biên giới và cuộc điều tra về xử lý sai quy định tài liệu mật.
Theo khảo sát của FiveThirtyEightm, tỷ lệ ủng hộ của ông Biden chỉ xấp xỉ 42%, cao hơn 1% so với 41% trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang gần nhất của ông.
Theo New York Times, con số xếp hạng khiêm tốn này thấp hơn bất kỳ tổng thống nào trong 75 năm khảo sát, trừ ông Trump và ông Reagan trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Dù ông Trump đã thất bại trong cuộc tái bầu cử, nhưng Tổng thống Biden có thể học từ những người tiền nhiệm như ông Clinton hoặc ông Obama, những người đã lội ngược dòng chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-hoi-day-nghich-ly-cua-ong-biden-post1399377.html