Cơ hội để ASEAN gia tăng thị phần trong thương mại toàn cầu

Singapore và các nền kinh tế khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng trước cơ hội duy nhất để gia tăng thị phần của họ trong thương mại toàn cầu.

Trong ảnh: Người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong ảnh: Người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tác giả bài viết trên báo The Straits Times số ra mới đây nhận định, Singapore và các nền kinh tế khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể có cơ hội duy nhất để gia tăng thị phần của họ trong thương mại toàn cầu khi ngày càng nhiều nhà sản xuất toàn cầu tìm cách chuyển nguồn cung ứng và sản xuất khỏi Trung Quốc.

Xu hướng này không phải là mới, nhưng các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 gây gián đoạn của Trung Quốc và bất đồng gia tăng giữa nước này với Mỹ đã làm tăng thêm nhận thức của các công ty đa quốc gia về tính cấp bách cần phải tìm kiếm các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và không có xung đột.

Các chuỗi cung ứng giống như các mạch máu mà thương mại toàn cầu chảy qua. Hiệu quả ngày càng tăng của mạng lưới đan xen này trong nhiều thập kỷ đã định hướng các khoản đầu tư vào sản xuất có hiệu quả về chi phí, và sau đó tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng sản phẩm hoàn thiện đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự sắp xếp này đang oằn mình dưới gánh nặng sức ép địa chính trị và cạnh tranh gia tăng đối với đầu tư và việc làm.

Hội đồng Kinh tế lưu vực Thái Bình Dương có trụ sở ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Đại học Monash Malaysia và Công ty tư vấn KPMG (Singapore) gần đây đã công bố một nghiên cứu chung về chủ đề chuyển dịch các chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nghiên cứu này, dựa trên mẫu gồm 132 công ty đang xem xét thay đổi hoặc đã lựa chọn các điểm đến chuỗi cung ứng của họ từ năm 2018 đến 2023, phát hiện thấy địa chính trị là mối lo ngại hàng đầu, vượt qua cả vấn đề thuế quan, và bắt đầu tăng lên khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Các chuyên gia tin rằng việc định hình lại các chuỗi cung ứng đem lại cho các công ty ASEAN động lực hội nhập theo chiều dọc - nắm quyền sở hữu trực tiếp các công đoạn sản xuất khác nhau, thay vì phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài.

Sự hội nhập theo chiều dọc này - cũng có thể thúc đẩy sự kết nối, các dòng vốn và thương mại trong nội khối ASEAN - có ý nghĩa quan trọng vì các công ty đang tìm kiếm một cơ sở sản xuất và nguồn cung ứng bổ sung hoặc thay thế sẽ do dự khi chuyển đến một khu vực nơi mà hầu hết nhà cung cấp và đối tác của họ cũng phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nghiên cứu của hãng Moody’s Analytics cho thấy gần 70% công ty đa quốc gia trên toàn thế giới đang tăng cường đầu tư vào phát hiện rủi ro chuỗi cung ứng, bao gồm việc tìm kiếm các công cụ quản lý rủi ro và thẩm định nhà cung cấp bên thứ ba.

Điều này cho thấy khi các bên tham gia toàn cầu chứng minh doanh nghiệp của họ trong tương lai không bị tổn hại về uy tín, bởi các biện pháp trừng phạt và cú sốc nguồn cung, họ cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng những khả năng dễ bị tổn thương của các nhà cung cấp của mình.

Ông Tom Kidd, đối tác của Công ty tư vấn Bain & Company có trụ sở ở Singapore, cho biết: “Khi các doanh nghiệp toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của họ bên ngoài Trung Quốc, thì đó là cơ hội rất rõ ràng cho các doanh nghiệp ở Đông Nam Á về cơ bản giành thị phần với các doanh nghiệp Trung Quốc và đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Tuy nhiên, cạnh tranh với Trung Quốc là một nhiệm vụ khó khăn. Năm 2021, Trung Quốc chiếm hơn 15% xuất khẩu hàng hóa toàn cầu. Trong khi đó, thị phần của ASEAN chỉ chiếm 7,8%. Sự thống trị của Trung Quốc về xuất khẩu hàng hóa toàn cầu sau nhiều thập kỷ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ đã giúp nước này mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động.

Đồng thời, Trung Quốc đã mất đi tính cạnh tranh về chi phí trong nhiều ngành công nghiệp khi nước này tối đa hóa tiềm năng lực lượng lao động di cư giá rẻ - giờ đây đang thu hẹp - của mình. Khi lương tăng lên, chi phí của một loạt đầu vào sản xuất cũng tăng theo.

Trong khi đó, việc ngày càng chú trọng vào loại bỏ dần các động lực thúc đẩy tăng trưởng từ thương mại sang tiêu dùng trong nước - nền kinh tế tuần hoàn kép - đồng nghĩa với việc khuôn khổ chính sách tổng thể về các biện pháp khuyến khích và trợ cấp của Trung Quốc giờ đây nghiêng nhiều hơn về sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn, ít nhạy cảm hơn về giá.

Trong thập kỷ qua, một số nhà sản xuất nước ngoài và thậm chí cả Trung Quốc trong các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp hơn như sản xuất giày dép và may mặc đã chuyển sang Việt Nam, Campuchia và Myanmar - một chiến lược thường được gọi là “Trung Quốc+1”. Tuy nhiên, ngay cả những hoạt động chuyển sản xuất ra bên ngoài này cũng vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm đầu vào và tư liệu sản xuất vốn có ý nghĩa thiết yếu đối với các hoạt động đó.

Một báo cáo năm 2021 của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (tổ chức tư vấn chiến lược Đức) lưu ý, các công ty Nhật Bản - nằm trong số những người đi đầu trong chiến lược “Trung Quốc+1” - nhận thấy rằng các cơ sở sản xuất của họ ở ASEAN vẫn đang cần 13,5% nguyên liệu thô và linh kiện từ Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà máy của họ hoạt động ở Trung Quốc lấy nguồn cung hơn 90% đầu vào tại địa phương, và phần còn lại từ Nhật Bản, từ đó làm cho họ trở nên ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc bên ngoài.

Ông Stewart Paterson, chuyên gia thuộc Quỹ Hinrich, cho rằng sự gia tăng cơ sở chi phí của Trung Quốc và ý định nâng cao chuỗi giá trị của nước này tạo cơ hội cho một số nền kinh tế Đông Nam Á thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ông lưu ý: “Tuy nhiên, việc phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ liên quan đến mức độ hội nhập theo chiều dọc và tính kết nối nội khối ASEAN cao hơn nhiều”.

Ông Paterson cho biết nhập khẩu của Trung Quốc từ ASEAN đã tăng khoảng 56% từ năm 2011 đến năm 2020. Trong cùng giai đoạn, nhập khẩu của ASEAN từ Trung Quốc đã tăng lên 94%. Tính đến mức tăng 700 tỷ USD trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN trong cùng giai đoạn, điều trở nên rõ ràng là mỗi 100 USD tăng trưởng GDP của ASEAN được đi kèm với 20 USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó cho thấy xu hướng nhập khẩu cận biên của ASEAN từ Trung Quốc cao hơn gấp 20 lần xu hướng nhập khẩu cận biên của Trung Quốc từ ASEAN.

Ông Paterson nhận xét: “Các dòng thương mại trong những thập kỷ qua cho thấy các biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á có tác động bất đối xứng. Hàng hóa có xu hướng chảy xuống phía Nam và thu nhập chảy về phía Bắc. Thương mại nội khối ASEAN lớn hơn có thể làm thay đổi động lực này”.

Thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, Trung Quốc, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - gia tăng nỗ lực của họ nhằm nội địa hóa các chuỗi cung ứng và sản xuất của mình.

Báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô mới đây của Cơ quan tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương - MAS) cho biết Mỹ và Trung Quốc cùng nhau chiếm hơn 70% tổng đầu tư chất bán dẫn trong năm 2021, được củng cố bởi các khoản đầu tư trong nước trong bối cảnh thúc đẩy tìm nguồn cung nội địa hóa lớn hơn.

Xu hướng này có thể tăng lên theo thời gian, như đã được thấy bởi các dòng vốn đầu tư trực tiếp. Báo cáo đánh giá việc gia tăng nguồn cung ứng nội địa hóa lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho thiết bị điện tử và sản lượng tổng thể ở phần còn lại của châu Á.

Mặc dù báo cáo tháng Tư cho thấy Singapore vẫn duy trì thị phần khoảng 6% trong xuất khẩu hàng điện tử toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2021, nhưng việc không tăng thị phần cũng là điều đáng chú ý.

Các chuyên gia như ông Paterson tin rằng ASEAN có thể gia tăng dấu ấn của mình trong sản lượng toàn cầu bằng cách tận dụng nhiều hơn sự đa dạng của 10 nền kinh tế của Hiệp hội, một số trong đó có cơ sở chi phí rẻ hơn trong khi các nền kinh tế khác có năng suất cao hơn, sự đổi mới sáng tạo và khả năng tiếp cận các chuỗi giá trị cao hơn./.

Nguyễn Thúy (P/v TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-de-asean-gia-tang-thi-phan-trong-thuong-mai-toan-cau/291266.html